Triều Tiên và Hàn Quốc có kế hoạch mở đường dây nóng mới, hiện đại về quân sự trong tuần tới để tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi, đi lại qua biên giới, một quan chức hôm nay (22/12) cho biết.
Tuyên bố trên phản ánh sự hợp tác giữa hai miền chỉ sau đúng một ngày Triều Tiên đưa ra lời đe doạ các tàu Hàn Quốc có thể bị tấn công. Đường dây nóng là mô hình thông tin chính giữa quan chức quân sự hai bên khi trên danh nghĩa, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi hai bên mới chỉ ký thỏa thuận ngừng bắn chứ chưa có hiệp ước hòa bình sau cuộc chiến năm 1950-1953.
Đường dây nóng sẽ tạo thuận lợi cho đi lại qua biên giới giữa hai miền Triều Tiên (Ảnh wordpress)
Đi qua biên giới chủ yếu liên quan tới các quan chức và công nhân từ Hàn Quốc tới và đi từ một khu liên hợp công nghiệp chung hai miền tại Triều Tiên.
Hai nước gần như đã hoành thành kết nối cáp qua vùng biên giới được vũ trang dày đặc và sẽ thử nghiệm chín kênh thông tin vào cuối tuần này trước khi chính thức đưa vào hoạt động trong tuần tới, phát ngôn viên bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung nói.
Động thái này xuất hiện sau hai tháng khi Hàn Quốc cung cấp cho Triều Tiên các thiết bị viễn thông và những trang bị khác để giúp Bình Nhưỡng hiện đại hoá các đường dây nóng. Các đường cáp quang mới sẽ được đặt gần chín đường dây nóng cáp lỗi thời, một số trong đó bị Triều Tiên ngắt bỏ năm 2008 với lý do lỗi kỹ thuật.
Những đường dây thông tin sẽ “cải thiện việc đi lại xuyên biên giới của người dân”, cho phép hai miền Triều Tiên trao đổi thông tin nhanh chóng và hiệu quả, Chun nhấn mạnh với báo giới.
Khu liên hợp công nghiệp chung, kết hợp giữa vốn và công nghệ Hàn Quốc với nhân công giá rẻ của Triều Tiên là biểu tượng cho sự hợp tác hai miền. Khoảng 110 nhà máy Hàn Quốc với 40.000 công nhân Triều Tiên hoạt động tại đây.
Hôm qua (21/12), Triều Tiên đã tuyên bố vùng biển dọc biên giới tranh chấp với Hàn Quốc là "vùng có thể bắn" và cảnh báo tàu thuyền Hàn Quốc hãy tránh xa khu vực này.
Triều Tiên không công nhận biên giới trên biển do Liên Hiệp Quốc đơn phương xác định vào cuối cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953, và từ lâu đã tuyên bố rằng biên giới này nên được vẽ lại xa hơn về phía nam. Tranh chấp đã dẫn tới những vụ đụng độ chết người vào năm 1999, 2002, và tháng trước.
Trong sự việc ngày 10/11, tàu của hai bên đã bắn trả lẫn nhau tại vùng biển tranh chấp, khiến 1 thủy thủ Triều Tiên thiệt mạng và 3 người khác bị thương.
-
Kỳ Thư (Theo AP)