Mối quan hệ liên minh êm đẹp giữa Mỹ và Nhật được cho là có thể lung lay do sự xen vào của "kẻ thứ ba" là Trung Quốc.
(Ảnh minh hoạ: FT) |
Tokyo những ngày này tràn ngập người Mỹ đang chau mày. Sự thống trị của Mỹ ở châu Á đang bị thách thức bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tìm kiếm một chiến lược tổng quát nhằm bảo vệ vị thế của họ như một cường quốc chủ chốt trong khu vực. Hiện tại, Nhật đang thử thách mối quan hệ đồng minh an ninh lâu đời với Mỹ.
Nguyên nhân gần nhất của cảm giác lo lắng là tranh cãi về việc di chuyển một trong những căn cứ quân sự của Mỹ trên hòn đảo Okinawa của Nhật. Tuy nhiên, đằng sau vụ cãi vã nhỏ đó là một sự trệch hướng về viễn cảnh đang hiển hiện. Nói một cách thẳng thắn thì thế hệ các chính trị gia mới vừa lên nắm quyền ở Nhật hiện không sẵn lòng chấp nhận gắn mình với vai trò phụ thuộc mà Washington dành cho họ.
Chiến thắng ở cuộc bầu cử hồi tháng 9 của đảng Dân chủ Nhật của ông Yukio Hatoyama đã đánh dấu một cuộc cách mạnh trong chính trường Nhật sau một nửa thập kỷ gần như nằm dưới sự thống trị liên tục của đảng Dân chủ tự do. Mỹ đã vật lộn để hiểu được ý nghĩa của việc chuyển giao quyền lực từ các đồng minh trung thành của họ trong LDP tới một đảng gồm những kẻ "nổi loạn" về chính trị.
Tranh cãi về căn cứ quân sự đã trở thành một chiếc roi sấm sét của những bất đồng về cách thức ứng phó với một bối cảnh địa chính trị đang thay đổi. Thách thức chiến lược mà Washington và Tokyo cùng chia sẻ là cách thức gắn kết một Trung Quốc đang lên trong khi cân bằng các tham vọng trong khu vực của nước này. Câu hỏi chính là bằng cách nào.
Mối quan hệ Mỹ - Nhật cho tới hiện tại được định hình bởi sự chiếm đóng của Mỹ, nhu cầu đoàn kết trong chiến tranh lạnh và cho mãi tới gần đây là sự bá chủ không bị phản đối của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, thế giới đã biến đổi. Trung Quốc đã bước vào phòng ngủ, biến cuộc hôn nhân yên ấm thành một mối quan hệ tay ba rắc rối.
Hiện không ai đề cập tới việc xé bỏ thoả thuận an ninh đã có từ 50 năm nay giữa Washington và Tokyo. Sự hiện diện của quân đội Mỹ cùng sự bảo đảm về hạt nhân đã mang tới cho Nhật an ninh trước mối nguy trực tiếp từ một CHDCND Triều Tiên được vũ trang hạt nhân và lời tái bảo đảm trước sự hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc.
Ông Hatoyama đã vận động tranh cử với cam kết sẽ tái xem xét một thoả thuận di dời căn cứ Futenma của các trực thăng lính thuỷ đánh bộ Mỹ. Trước sự lo âu của Washington, cho tới hiện tại, tân Thủ tướng Nhật vẫn giữ lời hứa của mình.
Nhiều người ở Tokyo tin hai bên sẽ đạt được một sự thoả hiệp về vấn đề trên. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật đã công khai tỏ ý khác ông chủ của mình khi trấn an những lo lắng của Mỹ. Một quan chức cao cấp ở Tokyo từng nhận định rằng Washington và Tokyo có thể đạt được một thoả thuận mới khi ông Obama và ông Hatoyama tham dự hội nghị biến đổi khí hậu ở Copenhagen. Dẫu vậy, hoạt động ngoại giao vụng về của chính quyền Mỹ đã khiến mối bất hoà trở nên sâu sắc hơn. Thông qua yêu cầu rằng đảng DPJ phải coi cam kết của chính phủ đối với Washington lên trên lời hứa của chính đảng này đối với cử tri Nhật, Mỹ đã thể hiện như một kẻ bá chủ không biết hổ thẹn. Cách nói khiển trách của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates là sự bắt chước mù quáng kiểu đế quốc thời hậu chiến của Tướng Douglas MacArthur.
Các quan chức khác, kể cả Kurt Campbell - quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách các vấn đề về Đông Á, tỏ ra dịu giọng hơn. Ông Obama đã sử dụng lời lẽ nhẹ nhàng trong chuyến công du tới Tokyo. Tuy nhiên, trong hậu trường, người Mỹ đã tỏ ra hiếu chiến khi nói rằng chính phủ của đảng DPJ đang xét lại quan hệ liên minh.
Ông Hatoyama đã gia tăng sự khó chịu của Washington bằng cách kêu gọi hiệu chỉnh lại mối quan hệ Mỹ - Nhật nhằm tạo cho Tokyo một tiếng nói "công bằng hơn". Thêm vào đó, ông cũng chỉ trích "chủ nghĩa thị trường chính thống" kiểu Mỹ là nguyên nhân gây ra suy thoái toàn cầu, đồng thời nêu ý kiến rằng châu Âu đang đưa ra các mô hình kinh tế và xã hội tốt hơn. Trong khi đó, bất đồng về căn cứ Futenma đã làm dấy lên sự phẫn nộ từ lâu của công chúng Nhật về các quyền mà binh lính Mỹ được hưởng.
Chính phủ của đảng DPJ cũng tuyên bố rằng họ sắp chấm dứt sự ủng hộ đối với sứ mệnh hỗ trợ của hải quân Nhật tại Ấn Độ Dương đối với các lực lượng do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan và sẽ bù đắp điều này bằng cách mở rộng viện trợ tài chính cho hoạt động tái thiết Afghanistan.
Tuy nhiên, điều dường như thực sự báo động Washington là sự can thiệp của ông Hatoyama vào một cuộc tranh luận của khu vực về cấu trúc của một chủ nghĩa đa phương mới ở châu Á. Đề xuất của tân Thủ tướng Nhật về một Cộng đồng Đông Á mới với trung tâm là Trung Quốc và Nhật dường như nhằm loại trừ Mỹ. Washington đã nói rõ rằng họ không thích bị loại trừ.
Ông Hatoyama, một chính khách từng du học tại Mỹ, không phải là người chống Mỹ và cũng không phải là một người cấp tiến bẩm sinh. Ông xuất thân từ một gia đình giàu sang, có cố nội, ông nội và cha đều từng giữ các chức vụ cao trong chính quyền Nhật. Nền chính trị Nhật về cơ bản vẫn mang tính cha truyền con nối.
Và như những gì mọi người nói, về cơ bản, ông Hatoyama hiện cũng không đề xuất làm suy yếu liên minh giữa Tokyo với Washington. Lắng nghe phát biểu của một đội ngũ ấn tượng các chuyên gia, bộ trưởng và quan chức tại hàng loạt cuộc hội thảo do Quỹ tài trợ Tokyo và Quỹ German Marshall Fund of the US đứng ra tổ chức trong tuần này, người ta có ấn tượng về việc một chính trị gia đang phản ánh một loạt các động lực hơn là đề ra các chính sách chi tiết.
Ông Hatoyama nổi tiếng, ngay cả đối với một số người ủng hộ, là một chính khách vĩ mô. Ông dường như không hứng thú với các chi tiết và không e ngại những mâu thuẫn. Có rất nhiều người trong giới hoạt động chính ở Tokyo dự đoán rằng, dù đảng DPJ vẫn tiếp tục cầm quyền thì ông Hatoyama rốt cuộc có thể chỉ là một ngôi sao băng - sự toả sáng hiện thời của ông báo trước việc hiện diện thoáng qua.
Vì tất cả những điều đó, tân Thủ tướng Nhật đang tuyên bố một cách rõ ràng về sự thay đổi chiến lược chắc chắn sẽ xảy ra: sự trỗi dậy của Trung Quốc buộc Nhật phải trở thành một quốc gia "châu Á hơn và ít phương Tây hơn". Đất nước mặt trời mọc e ngại Trung Quốc nhưng cũng có khuynh hướng ít phục tùng hơn đối với Mỹ. Tầm nhìn của ông Hatoyama về một sự cộng tác cần hiệu chỉnh lại với Mỹ có thể mơ hồ nhưng giả thuyết của ông chắc chắn đúng.
Cho tới hiện tại, người Mỹ và người Nhật có quan điểm khác nhau về vai trò của họ trong mối quan hệ cộng tác. Người Mỹ muốn kết hợp quan hệ liên minh với Tokyo với mối quan hệ chiến lược với Bắc Kinh, thể hiện như một cường quốc cân bằng trong khu vực. Người Nhật lại thích một mô hình khác, thể hiện như một người hoà giải giữa Mỹ và Trung Quốc. Tất nhiên, thực tế dường như sẽ không cho phép các cấu trúc đơn giản như vậy, ít nhất vì mối quan hệ Trung - Nhật vẫn chưa thoát khỏi cái bóng tăm tối của lịch sử. Tuy nhiên, mọi việc có thể không còn như trước kia. Và những đôi mày kia sẽ còn chau lại thêm một khoảng thời gian nào đó.
-
Thanh Bình (Theo FP)