Fitrie Ani mang thai ba tháng khi cô nghe thấy những người hàng xóm ở góc phố Banda Aceh hét lớn: “Sóng đang dâng, sóng biển dâng”.
Một cột nước cao lừng lững đã nhấn chìm những ngôi nhà giống như của Ani xung quanh khu vực Ấn Độ Dương từ Indonesia tới Đông Phi, một ngày sau Giáng sinh 2004, làm khoảng 200.000 người chết và mất tích tại 12 quốc gia trong một cơn sóng thần mà Cơ quan đo đạc Địa chất Mỹ nói rằng đã gây ra thương vong hơn bất kỳ thảm hoạ sóng thần nào trong lịch sử.
Fitrie Ani và cậu con trai sóng thần Zahri (Ảnh CNN)
Gặp Ani trong cảnh hỗn loạn tại Banda Aceh và chứng kiến việc cô trở về căn nhà bị phá huỷ trong lần đầu tiên kể từ khi xảy ra thảm hoạ. Một cảnh thương tâm. Nhà cô, và mọi ngôi nhà xung quanh nó, đều bị cuốn trôi tới móng bởi những cơn sóng dữ.
Ani tỉ mẩn đào bới đống đổ nát, tìm được chiếc áo rách nát của bà mình. Chiếc áo đã cũ nhưng là di vật của người đã khuất. Bà của Ani, chồng cô và tám người thân khác bị cuốn ra biển, không thi thể nào của họ được nhận dạng.
Ani cũng không thể vật lộn với xoáy nước, cô bị cuốn ra khơi, vật lộn hơn 10 tiếng đồng hồ. Những dân chài đã cứu cô khi họ thấy cô dũng cảm cố vật lộn với tử thần.
Năm năm trôi qua, cuộc sống đã trở lại, làng xóm quanh cô cũng tái thiết cuộc sống, nhiều ngôi nhà bằng gỗ, bê tông được dựng lên. Đường sá, cầu cống và nhà thờ mọc khắp nơi.
Đứa trẻ cô sinh ra sau lúc thoát nạn giờ đây đã bốn tuổi rưỡi, khoẻ mạnh, tên là Zahri. Cậu bé là đứa con của sóng thần, thảm hoạ “chừa” bé và mẹ nhưng cướp đi tính mạng của rất nhiều người khác.
"Mọi người rất ngạc nhiên khi thấy tôi mang bầu mà không thương tích gì”, Ani cũng từng tin con cô sẽ bị ảnh hưởng. “Tôi đã uống rất nhiều nước, tôi nghĩ con mình sẽ bị tác động, nhưng khi kiểm tra, con tôi vẫn khoẻ, tôi không biết vì sao, đó là bàn tay của thượng đế”.
Cô nói sau khi sinh con, nhiều người đã hỏi cô: “Làm sao cậu bé sóng thần lại hoàn toàn khoẻ mạnh hoàn hảo đến thế?”.
Ngôi nhà mới của Ani không hoàn hảo, nó chỉ khác chút ít với căn lều gỗ dựng bằng tiền viện trợ. Cô đã tái hôn và có một cậu con trai với người chồng thứ hai là quân nhân.
Cũng giống như hàng nghìn người dân nơi đây và những quốc gia khác nơi xảy ra thảm hoạ sóng thần, cô đang cố gắng tái thiết cuộc sống từng bị phá huỷ hoàn toàn bằng nỗ lực tốt nhất có thể.
"Tôi thấy buồn khi nhớ lại những gì xảy ra, thật đau đớn”, cô nói. "Con tôi sinh ra không có cha, những đứa trẻ khác có đủ cả cha mẹ. Tôi hoàn toàn cô độc, không có nhà cửa, và thay vào đó là ở trong trại tị nạn. Tôi không có sự trợ giúp nào, không sữa, không tã lót”.
Nhưng Ani nói, cô cũng cảm thấy sung sướng. "Tôi thực sự may mắn vì còn sống, mọi người nói, chính đứa con này mang lại may mắn cho tôi”.
-
Kỳ Thư (Theo CNN)