Cuộc khủng hoảng kinh tế lần này đang làm không ít người Mỹ mất lòng tin vào ưu thế phương Tây (Ảnh: FT) |
Tôi đang cố nhớ xem bây giờ, nơi đâu và khi nào để lại nhiều ấn tượng trong tôi nhất. Đó có phải là khi tôi đi lang thang dọc bến Thượng Hải năm 2005? Hay là khi tôi đứng giữa khói và bụi của Trùng Khánh, lắng nghe một quan chức địa phương miêu tả nơi toàn gạch đá vụn là trung tâm tài chính tương lai của tây nam Trung Quốc? Đó là năm ngoái, và phần nào đó còn để lại ấn tượng đối với tôi còn hơn tất cả sự quyến rũ của lễ khai mạc Olypmic Bắc Kinh. Hay đó là tại sảnh đường hòa nhạc nổi tiếng Carnegie Hall chỉ mới vừa tháng trước, khi tôi bị nhà soạn nhạc Trung Quốc trẻ và tài năng Angel Lam "hút hồn", người đã Phương đông hóa nền âm nhạc cổ điển? Tôi nghĩ, chỉ đến lúc đó, tôi mới thực sự cảm nhận được thập kỷ này, như thể nó đang sắp khép lại: rằng chúng ta sắp sống qua cái điểm cuối cùng của 500 năm ưu thế phương Tây.
"Ưu thế phương Tây" - đó là chủ đề đáng hãnh diện của khóa học tôi dạy tại Harvard kỳ học qua. Cái tiêu đề phụ của nó thậm chí còn "kêu" hơn: "Động lực chính của sức mạnh toàn cầu". Câu hỏi tôi muốn đặt ra, dù có thể không phải là người đầu tiên, nhưng có vẻ ngày càng trở nên thú vị. Đó là tại sao, bắt đầu vào khoảng năm 1500, phần phía tây lạc hậu và ít dân của lục địa Âu-Á lại nổi lên, chi phối được phần còn lại của thế giới, bao gồm cả các xã hội đông dân và tinh vi hơn của phía đông lục địa?
Câu hỏi thêm của tôi là: Nếu có được lời giải thích hợp lý về ưu thế của phương Tây trong thời gian qua, liệu sau đó chúng ta có thể đưa ra một tiên đoán cho tương lai hay không?
Nói cách khác, liệu chúng ta có đang sắp chứng kiến sự chấm dứt thời kỳ chi phối thế giới của nền văn minh xuất hiện ở tây Âu sau thời Phục hưng và Phong trào cải cách (tại châu Âu thế kỷ 16) - nền văn minh - được thúc đẩy từ cuộc cách mạng khoa học và thời kỳ ánh sáng, đã vươn sang bên kia Đại Tây Dương và tới tận vùng cực, để rồi đạt được "cực thịnh" trong thời đại công nghiệp và đế quốc?
Chính những câu hỏi mà tôi muốn đặt ra cho sinh viên của tôi cũng cho thấy điều gì đó về 10 năm qua. Đầu tiên, tôi bắt đầu dạy học ở Mỹ, bởi vì một người cực kỳ tốt bụng tại trường kinh doanh Stern của đại học New York, nhà kinh tế kỳ cựu Phố Wall, Henry Kaufman, đã hỏi tôi câu hỏi tại sao một người quan tâm tới lịch sử tiền bạc và quyền lực lại không đi đến nơi là khởi nguồn của những thứ đó. Và đó có thể là nơi nào khác ngoài trung tâm Manhattan?
Khi thiên niên kỷ mới bắt đầu, thị trường chứng khoán New York hiển nhiên là đầu mối của mạng lưới kinh tế toàn cầu rộng lớn, mang đặc trưng của Mỹ và chủ yếu do người Mỹ sở hữu.
Sự bùng nổ dotcom chấm dứt và cuộc khủng hoảng "nhẹ" đã khiến đảng Dân chủ "để mất" Nhà Trắng khi cam kết trả hết nợ quốc gia bắt đầu trở thành lời hứa suông.
Nhưng, chỉ trong 8 tháng làm tổng thống, George W. Bush đã phải đối diện với sự kiện làm rung chuyển trung tâm Manhattan, động lực chính trong cái thế giới do phương Tây chi phối. Vụ tấn công Trung tâm thương mại thế giới của những tên khủng bố al-Qaeda đã khiến New York nhận được rất nhiều những "lời hỏi thăm" theo nhiều nghĩa: đối với bất cứ ai nghiêm túc với việc thách thức vai trò toàn cầu của Mỹ, thì đây là mục tiêu số 1.
Như tôi đã phản ánh về thế đi lên, và có thể là đà đi xuống, của đế chế Mỹ, tôi thấy rằng có 3 sự thiếu hụt nghiêm trọng tại chính trung tâm quyền lực của Mỹ: thiếu sức người (không đủ người cho mặt trận Iraq), thiếu quan tâm (không đủ sự nhiệt tình của chính phủ đối với việc đô hộ lâu dài các nước bị chiếm đóng), và trên tất cả là thiếu hụt tài chính (không đủ tiền tiết kiệm cho đầu tư và không đủ thuế cho chi tiêu công).
Trở lại năm 2004, tôi đã cảnh báo rằng Mỹ đã trở nên phụ thuộc, mà không nhận ra, vào nguồn vốn đông Á để ổn định tài khoản tài chính và tài khoản vãng lai đang mất cân bằng quá lớn. Vì thế, sự đi xuống và sụp đổ không báo trước của đế chế Mỹ có thể vì thế không phải do những kẻ khủng bố ở đâu đó hay các chế độ, mà Mỹ vẫn gọi là bất hảo, tài trợ chúng, mà vì cuộc khủng hoảng tài chính ở ngay trong nước.
Đối với tôi, khoảnh khắc bước ngoặt của thập kỷ chính là việc thâm hụt tài khoản vãng lai đang nguy cấp của Mỹ đang ngày càng được các ngân hàng trung ương châu Á "cứu trợ" nhiều hơn, với Trung Quốc giữ vai trò trung tâm.
Vào cuối năm 2006, khi Moritz Schularick và tôi đã tự nghĩ ra từ "Chimarica" để miêu tả những gì chúng tôi gọi là mối quan hệ không ổn định và đáng nghi ngại giữa một Trung Quốc bủn xỉn và một nước Mỹ vô độ, chúng tôi nhận ra một trong những chìa khóa dẫn tới cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu sắp tới.
Ảo tưởng về siêu quyền lực Mỹ đã tan vỡ không phải một mà hai lần trong thập kỷ qua. Kẻ cảnh báo đầu tiên trong những cái tên từ thành phố Sadr, Iraq và các thung lũng Helmand, Afghanistan, nơi để lộ ra không chỉ những hạn chế về sức mạnh quân sự của Mỹ, mà quan trọng hơn, là sự sai lầm trong cách nhìn bảo thủ mới về làn sóng dân chủ lớn hơn tại Trung Đông. Và lần thứ hai diễn ra với sự leo thang cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn năm 2007, thành sự co hẹp tài chính nghiêm trọng năm 2008 và để rồi dẫn tới "cuộc đại khủng hoảng" năm 2009.
Và còn gì nữa? Cuối thập kỷ này, thế giới phương Tây có thể chỉ còn biết nhìn một cách ngưỡng mộ với tốc độ mà chính phủ Trung Quốc phản ứng với sự suy giảm xuất khẩu quá lớn do sự co hẹp tín dụng Mỹ gây ra, sự sụp đổ mà nhiều người trước đó cho rằng sẽ tàn phá cả châu Á.
Trong khi các nước phát triển còn đang bấp bênh bên bờ vực của cuộc đại suy thoái, thì Trung Quốc lại chỉ phải trải qua sự suy giảm nhẹ trong tăng trưởng, nhờ vào gói kích thích hiệu quả cao của chính phủ và sự mở rộng tín dụng hàng loạt.
Sẽ là ngây thơ khi cho rằng, thập kỷ tới sẽ không mang đến thách thức cho Trung Quốc. Nhưng, chắc rằng, cuộc cách mạng công nghiệp mới nhất và lớn nhất của châu Á chỉ đang ngừng lại để lấy sức trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.
Và đây chính là cuộc cách mạng đáng khâm phục! Hãy so sánh tăng trưởng GDP gấp 10 lần trong 26 năm với tăng trưởng GDP gấp 4 lần trong 70 năm. Hay nói cách khác là chúng ta đang so sánh thành tựu của Trung Quốc từ năm 1978-2004 với những gì Anh đạt được trong giai đoạn 1830-1900. Hay có thể xem xét thực tế rằng GDP của Mỹ gấp 8 lần của Trung Quốc đầu thế kỷ này, còn giờ, chỉ còn gấp 4 lần - và nếu dự tính của Jim O’Neill, nhà kinh tế hàng đầu tại Goldman Sachs, là đúng thì, thì Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2027: không đến 3 thập kỷ nữa!
Điều gì đã giúp phương Tây vượt lên phương Đông trong suốt 500 năm qua? Câu trả lời của tôi là có 6 yếu tố quan trọng: Doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa, phương pháp khoa học, hệ thống chính trị và pháp luật dựa trên quyền tài sản tư và tự do cá nhân, chủ nghĩa đế quốc truyền thống, xã hội tiêu dùng, và sự tích lũy vốn.
Một vài trong số này đã được Trung Quốc áp dụng theo cách của riêng mình và có vẻ đang tỏ ra thành công. Nhưng, liệu Trung Quốc có thể sáng tạo được thêm gì để đạt được sự thịnh vượng bền vững? Thập niên tới sẽ phần nào hé lộ câu trả lời cho câu hỏi này.
-
Đình Ngân (Theo FT)