Việc thị trường trên toàn thế giới vẫn hoạt động trở lại một cách nhịp nhàng yên ổn như cũ trong tuần này đã cho thấy, nỗi sợ hãi về Dubai ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường khác là không có cơ sở.
|
Đảo Cọ - một công trình hoành tráng bậc nhất Trung Đông với sự tham gia chính của Dubai World. Ảnh: Reuters
|
Nhưng từ khu vực Trung Đông đó, người ta thấy thấp thoáng bóng dáng của đầu cơ chính trị nhân khủng hoảng.
Sau tin xin hoãn khoản nợ làm đảo ngược thị trường trên toàn cầu của tập đoàn Dubai World vào ngày 25/11, nhiều thương gia và ngân hàng lớn hi vọng rằng chính phủ Abu Dhabi – cũng là một tiểu vương quốc như Dubai và vốn có quan hệ thân thiết với Dubai trong cộng đồng chung UAE, sẽ có lời phát biểu làm yên lòng họ.
Song thay vì thế là sự im lặng. Sự im lặng này ngay lập tức được hiểu như là tín hiệu của một cuộc đầu cơ chính trị giữa tiểu vương quốc giàu có về dầu mỏ Abu Dhabi và Dubai.
Người ta đồn rằng Abu Dhabi có thể đang muốn thâu tóm kinh tế, thậm chí là cả lĩnh vực chính trị của Dubai dưới hình thức viện trợ kèm thêm điều kiện về chính sách - theo một người trong cuộc nhận định về vấn đề này.
Vụ việc lần này quả là nguy hiểm cho Dubai. Một Dubai được biết đến là rất giàu có lại đang ẩn chứa nguy cơ về tín dụng. Nên nhớ, Dubai có vai trò lớn nhất và quan trọng nhất của Tiểu vương Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE).
Dubai là trung tâm lớn thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời là trung tâm đầu tư ra nước ngoài, với các hoạt động chính là địa ốc, tài chính, du lịch. Năm 2008, Dubai thu hút 21 tỷ USD đầu tư nước ngoài.
Nhờ sự phát triển nhanh trong những năm gần đây Dubai đã trở thành trung tâm du lịch và tài chính trong khu vực. Nhưng không như những người láng giềng khác, Dubai đã có hướng phát triển hoàn toàn khác. Không có nhiều nguồn lợi dầu mỏ, nhưng họ lại bỏ ra hàng chục tỷ USD để xây dựng các tòa nhà chọc trời phá kỷ lục thế giới.
Sheikh Mohammad bin Rashed al-Maktoum từng nói lên mơ ước rằng Dubai là nơi luôn tìm kiếm sự sáng tạo và sẽ trở thành trung tâm kinh tế của thế giới. Nhưng cuộc khủng hoảng của Dubai gần như đã làm tiêu tan giấc mơ đó.
Và tiểu vương quốc Abu Dhabi có thể sẽ nổi lên sáng rực khi ngôi sao sáng nhất là Dubai bên cạnh đang lu mờ và chờ trợ giúp của chính Abu Dhabi!
Cũng cần nhắc lại, UAE bao gồm 7 tiểu vương quốc thành viên là Abu Dhabi, Dubai, Sharjah, Ajman, Umm al-Quwain, Ras al-Khaimah và Fujairah.
Trong số 7 tiểu vương quốc này, chỉ có Abu Dhabi sở hữu trữ lượng dầu lửa dồi dào, với 90% trữ lượng dầu lửa của UAE tập trung ở Abu Dhabi.
Ngoài ra, Abu Dhabi vừa là thành phố lớn, vừa là trung tâm văn hóa - chính trị của UAE. Tiểu vương quốc này nắm giữ những lĩnh vực quan trọng nhất trong nền chính trị của UAE như ngoại giao và quốc phòng. Trật tự này đã tồn tại kể từ khi UAE được thành lập sau khi người Anh rút quân khỏi vùng Vịnh vào năm 1971.
Vậy mà mặc dù nằm trong UAE nhưng Dubai đã luôn duy trì được quyền tự trị của họ. Khi hiến pháp của UAE được soạn thảo, sự độc lập tương đối này của Dubai được công nhận, vì theo hiến pháp này, mỗi tiểu vương quốc của UAE được phép nắm quyền kiểm soát đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên và đường lối phát triển kinh tế của mình.
Vào năm 1996, tiểu vương quốc này đã sáp nhập lực lượng quân đội của mình vào quân đội của UAE. Tuy nhiên, động thái này khi đó được xem là nhằm mục đích để UAE gánh giúp những khoản chi phí tốn kém, nhờ đó cho phép Dubai nhẹ gánh để theo đuổi những tham vọng kinh tế của riêng họ.
Gần như không có dầu lửa, niềm hy vọng duy nhất của Dubai để tạo vị thế bên cạnh tiểu vương quốc láng giềng giàu có Abu Dhabi là phát triển mạnh mẽ những lĩnh vực như du lịch cao cấp và bất động sản. Và Dubai cũng đã gặt hái được không ít thành công với chiến lược này.
Các nhà phân tích cho rằng Abu Dhabi chắc chắn không hài lòng với cách chi tiêu của Dubai. Khủng hoảng nợ có thể là một cách cho Abu Dhabi đặt thêm quyền kiểm soát lên Dubai.
Dường như Dubai cũng hiểu được sự yếu thế đó. Từ khi cú sốc Dubai nổ ra, người đứng đầu Dubai là Tiểu vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum luôn yêu cầu báo chí ngừng đề cập tới tiểu vương quốc của ông và Abu Dhabi như hai thực thể riêng biệt.
Cũng cần lưu ý, vào năm 1833, Dubai đã tách ra khỏi Abu Dhabi để dựa vào thực dân Anh. Trong thập niên 1940, xung đột vũ trang đã xảy ra giữa hai tiểu vương quốc láng giềng này. Gần đây hơn, sự cạnh tranh căng thẳng vẫn diễn ra giữa hai bên, bao gồm việc cả Dubai và Abu Dhabi cùng thành lập hãng hàng không quốc gia riêng của họ, bất chấp sự chồng chéo.
“Hiện tại mâu thuẫn chính trị giữa 2 tiểu vương quốc này đang diễn ra khá rõ”, ông Christopher Davidson - giáo sư của Trường Đại học Durham tại Anh nói. “Song đây cũng là cơ hội tốt để cho cả hai bên làm sáng tỏ quyền tập trung chính trị thuộc về ai”.
Cho tới lúc này, thái độ của Abu Dhabi đối với vấn đề nợ của Dubai hiện đã rõ ràng. Các nhà chức trách Abu Dhabi ngày 29/11 đã khẳng định, họ sẽ không giúp Dubai trả hết nợ, mà sẽ chỉ lựa chọn hỗ trợ một số doanh nghiệp của Dubai trong trường hợp cần thiết. Như vậy, khả năng vỡ nợ cấp quốc gia của Dubai hiện đang là rất lớn.
Cho tới lúc này, Dubai đành một mình xoay xở đã.
Trong một động thái nhằm trấn an giới đầu tư, ngày 29/11, Ngân hàng Trung ương UAE cam kết sẽ hỗ trợ các ngân hàng trong nước và quốc tế đang hoạt động tại nước này, thông qua việc hỗ trợ khả năng thanh khoản và khẳng định hệ thống tài chính vẫn lành mạnh. Ngân hàng đang theo dõi sát sao tình hình sau cuộc khủng hoảng nợ Dubai để bảo đảm không gây phương hại tới nền kinh tế.
- Nhật Vy (Theo New York Times, Financial Times)