- Nước Mỹ đang đi từ chiến tranh cứng (máy bay, tàu chiến) sang chiến tranh mềm (thông tin), rất hợp với tính cách của nữ ngoại trưởng Hillary Clinton.
Ảnh: treehugger
Cách đây 13 năm (1997), ông Mai Liêm Trực từng tín chấp cả chức thứ trưởng của mình trong việc thuyết phục Chính phủ VN cho mở Internet và tạo điều kiện về mặt quản lý nhà nước cho Internet phát triển.
Nhiều nhà lãnh đạo cao cấp lúc đó vẫn sợ rằng, internet vào sẽ làm mất ổn định chính trị, rác rưởi cũng vào theo.
Sau hơn một thập kỷ, người ta tự đặt câu hỏi, nếu Việt Nam tiếp tục như CHDCND Triều Tiên, đóng cửa với thế giới thì điều gì sẽ xảy ra. Liệu GDP bình quân có đạt 1000$/người/năm như hôm nay.
Với xu thế không thể đảo ngược, internet là bánh mì, là cơm gạo, đồ uống hàng ngày của nhân loại. Thiếu internet là thiếu thông tin, và nghèo đói, kém phát triển cũng từ đó mà ra.
Đó là điều cả thế giới văn minh thừa nhận và không phải bàn cãi.
Ngày 21/1/2010, bà Clinton đến Newsum (Viện Bảo tàng Báo chí) nói chuyện và đã đưa ra quan điểm rằng, tự do Internet là tối quan trọng cho mục tiêu lâu dài của Mỹ, cổ vũ cho dân chủ trên thế giới. Tự do mạng là tiêu chí hàng đầu trong đối ngoại của Mỹ.
Người Hà Nội còn nhớ, Hillary trong vai Đệ nhất phu nhân tổng thống Mỹ năm 2000 cùng con gái Chelsea đã đội nón bài thơ của Việt Nam và đi mua sắm như những người đàn bà trên phố cổ.
Lời phát biểu rơi vào thời điểm nhạy cảm. Gần đây, Google tại Trung Quốc kêu ca rằng, tin tặc đã tìm cách xâm nhập vào hệ thống giải mã phần mềm cũng như đọc email của các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc, trong một vụ tấn công "rất tinh vi". Dọa rút lui tại thị trường hơn 350 triệu người dùng internet, Google nói họ chỉ ở lại Trung Quốc nếu chính phủ nới lỏng kiểm duyệt.
Và vài câu chuyện liên quan đến facebook bị chập chờn, yahoo bị hack, tại một số quốc gia lân cận theo xu hướng “không quản được thì cấm”. Họ giải thích, Google và các công ty nước ngoài phải tuân theo pháp luật và truyền thống của từng quốc gia.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đang tiếng bấc tiếng chì về tự do internet. Hoa Kỳ cầm hàng nghìn tỷ đô la trái phiếu của Trung Quốc, trong khi quốc gia này sản xuất từ cái kim sợi chỉ đến máy tính hiện đại cho Mỹ. Họ không thể sống thiếu nhau.
Từ 1950 đến cuối 1980, thời đại Kenedy, Johnson, Nixon, Ford, là thuyết domino với chiến tranh ở Việt Nam. Sau đó là học thuyết chính trị và dầu lửa của Carter và Zbigniew Brzezinski tại Trung Đông. Họ nghiến răng làm thế nào tiêu diệt được Sadam Hussen của Iraq.
Và dịp may đã đến khi Iraq tiến công Kuwait, chiến tranh vùng Vịnh xảy ra lần thứ nhất. Sadam suy yếu sau trận bão táp sa mạc của Bush bố.
Như thêm dầu vào lửa, Bin Laden tấn công nước Mỹ. Thời cơ giải phóng và chiếm dầu hỏa đã đến. Với học thuyết đánh phủ đầu, Mỹ đã xâm chiếm Afganistan, Iraq. Chỉ chút nữa là Iran hay CHDCND Triều Tiên đã rơi vào điểm ngắm. Thời đại Bush thích tấn công để bảo vệ Mỹ.
Hình như nước Mỹ chỉ giỏi tấn công, nhưng không giỏi giữ đất. Họ đã sa lầy tại Việt Nam, bây giờ là Afganistan và Iraq.
Thấy rằng, tàu chiến, tên lửa, máy bay không mấy hiệu quả nên Clinton dùng chiến tranh ảo internet. Bà đang hy vọng, với việc tự do tiếp cận mạng toàn cầu thì nhân loại sẽ được hiểu thêm về tự do và nhân quyền, đem lại dân chủ và thịnh vượng cho tất cả.
Nước Mỹ đang đi từ chiến tranh cứng (máy bay, tàu chiến) sang chiến tranh mềm (thông tin), rất hợp với tính cách của nữ ngoại trưởng Hillary Clinton.
Đói nghèo có thể do thiếu tiền bạc, do thiên tai, vị trí quốc gia, do lãnh đạo lạc hậu, nhưng cũng có thể do thiếu thông tin. Mà internet là nguồn cung cấp thông tin vô tận của nhân loại.
Mỹ thường dùng pháo đài bay B52 để dọa dẫm, rải thảm bom bao phủ trong chu vi vài km2, tiêu diệt tất cả mọi sinh vật trên mặt đất.
Tuy nhiên, internet đáng sợ hơn. Từng byte, bít thông tin sẽ tới từng người dân và khả năng bao phủ mang tính toàn cầu. Thay vì tiêu diệt, internet lại lôi kéo với sức mạnh gấp hàng tỷ lần. Đó có thể được coi như một học thuyết mới của gia đình Clinton?
-
Hiệu Minh.