Kết quả một cuộc bầu cử ở một thành phố của Nhật lại có thể dội một gáo nước lạnh vào Washington. Đó là bởi cử tri của thành phố Nago, Okinawa đã bầu chọn cho ứng cử viên chống lại việc tồn tại căn cứ quân sự Mỹ trên đất Okinawa.
Căn cứ Futenma ở đảo Okinawa, Nhật Bản (Ảnh: walrus) |
Hơn nửa thế kỷ qua, Okinawa là nơi đồn trú phần lớn quân đội Mỹ trên xứ Phù Tang. Với người Mỹ, các căn cứ quân sự trên Okinawa có vai trò cực kỳ quan trọng. Từ Okinawa, đặc biệt từ căn cứ quân sự Futenma, quân đội Mỹ có thể nhanh chóng tiếp cận Trung Quốc, Đài Loan, CHDCND Triều Tiên. Như thế, xem như những địa điểm “nóng bỏng” nhất trong vùng Đông Á đều nằm trong “tầm phủ sóng” của Washington. Nhờ tính linh hoạt như thế, Futenma được ví là “hàng không mẫu hạm không thể chìm”.
Thế nhưng, các căn cứ quân sự của Mỹ ngày càng vấp phải sự phản đối của cư dân địa phương bởi những vấn đề xã hội mà nó gây ra, dù một phần lớn nền kinh tế của Okinawa phụ thuộc vào chúng. Tất nhiên, căn cứ Futenma cũng không nằm ngoài những va vấp ấy. Năm 2006, Washington và Tokyo đã thương thảo nhằm tìm kiếm một thỏa thuận để giải quyết những vấn đề liên quan đến các căn cứ quân sự.
Khi ấy, chính phủ Nhật Bản còn trong tay đảng Dân Chủ Tự Do (LDP), Nhật Bản và Mỹ đã đi đến một thỏa ước mà cả hai bên đều xem đấy là kết quả “vẹn cả đôi đường”. Theo đó, căn cứ quân sự Futenma sẽ di chuyển từ thành phố Ginowan về thành phố Nago, nằm ở khu vực sát biển của Okinawa, và chuyển 8.000 lính thủy quân lục chiến về đảo Guam, Thái Bình Dương. Như vậy, Mỹ cũng giảm bớt số quân lính trên đất Nhật Bản và căn cứ Futenma cũng rời khỏi khu vực Ginowan đông dân cư để về thành phố Nago thưa thớt. Sự thay đổi đó xem như giúp “yên lòng dân”. Ngược lại, Futenma tuy di chuyển khỏi Ginowan nhưng địa điểm mới vẫn thuộc tỉnh Okinawa. Tại Nago, căn cứ Futenma vẫn không mất đi tính linh hoạt của nó. Xem như “hàng không mẫu hạm không thể chìm” của người Mỹ vẫn neo đậu ở Đông Á. Washington và Tokyo đều thỏa mãn!
Nhưng đó chỉ là thỏa thuận với chính phủ của đảng LDP. Còn chính phủ của đảng Dân Chủ Nhật Bản (DPJ), do ông Hatoyama đứng đầu, không mặn mà gì với các căn cứ quân sự của Mỹ trên đất Nhật. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Hatoyama từng nói sẽ xem xét lại thỏa thuận trên. Chính vì thế, từ khi đảng DPJ lên cầm quyền đến nay, Washington luôn hối thúc Tokyo nhanh chóng có quyết định cuối cùng về việc di chuyển Futenma đến Nago để tránh “đêm dài lắm mộng”.
Ông Obama từng mong muốn được nghe câu trả lời từ ông Hatoyama về vấn đề này trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 11/2009 nhưng không được. Đến tháng 12/2009, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lại một lần nữa hối thúc Tokyo thực hiện ngay thỏa thuận đã đạt được vào năm 2006. Theo thỏa thuận vào năm 2006, Nago có quyền từ chối Futenma. Thị trưởng đương nhiệm của Nago tỏ ra đồng thuận với sự hiện diện của Futenma, trong khi đối thủ tranh cử của ông phản đối. Cho nên, Washington vội vã như thế vì khi đó những dấu hiệu trước cuộc bầu cử ở Nago cho thấy người dân của thành phố này không hề mong muốn Futenma về đóng tại đây. Thay vào đó, người dân Nago muốn thành phố của họ trở thành địa điểm du lịch với những rặng san hô quyến rũ dọc theo bờ biển. Căn cứ quân sự có thể sẽ phá hỏng cảnh quan của Nago.
Khi đó, Tokyo đã vẫn từ chối đưa ra quyết định cuối cùng, dù thủ tướng Hatoyama trấn an Mỹ bằng tuyên bố trên tờ Mainichi rằng: “liên minh Nhật – Mỹ là quan trọng”. Tokyo đã hứa sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào năm 2010. Đó có thể là cách mà chính phủ của ông Hatoyama muốn trì hoãn chờ đến sau bầu cử thượng viện Nhật Bản vào tháng năm này. Có lẽ, sau bầu cử, ông Hatoyama hy vọng vị thế đảng DPJ được củng cố mạnh hơn trong quốc hội và nếu ông giải quyết tốt các bất ổn kinh tế hiện tại để trấn an lòng dân, thì quyết định thế nào cũng dễ dàng hơn.
Kết quả bầu cử ngày 24/01 vừa qua tại Nago chính thức trở thành “gáo nước lạnh” tạt vào Washington. Vì người dân Nago đã chọn Susumu Inamine, người chống lại sự hiện diện của Futenma, làm thị trưởng.
Ác mộng dường như sắp thành sự thật với Futenma. Ngay sau khi có kết quả bầu cử tại Nago, thủ tướng Hatoyama cũng tuyên bố sẽ nhanh chóng xem xét lại thỏa thuận 2006. Có lẽ, kết quả quyết định sẽ là bất lợi cho Washington. Vì ông Hatoyama có thể sẽ hủy việc di chuyển Futenma đến Nago, Futenma phải rời khỏi Okinawa. Đó còn là cách mà ông hi vọng vị thế của DPJ sẽ được đảm bảo.
Khi đó, số phận Futenma sẽ về đâu và biết đâu điều đó khiến cho quan hệ Nhật – Mỹ cũng bồng bềnh theo “hàng không mẫu hạm không thể chìm” nhưng “không bến đỗ”.
-
Ngô Minh Trí