Tỉ phú Sebastian Pinera đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống của Chile. Đây cũng là chiến thắng đầu tiên trong một cuộc tổng tuyển cử của phe cánh hữu ở nước này trong suốt 52 năm trở lại đây.
Ông sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 11/3 tới. Tuyên bố sau khi nhận được kết quả tuyển cử, Penera thề sẽ khiến Chile "trở thành quốc gia tốt nhất thế giới".
Tỉ phú Sebastian Pinera giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Chile (Ảnh AP)
Thắng lợi của Pinera trong cuộc đua với cựu tổng thống Eduardo Frei đã chấm dứt hơn hai thập niên cầm quyền của liên minh trung tả, tạo ra sự thay đổi lớn nghiêng về phái hữu ở châu lục mà các chính phủ phái tả chiếm ưu thế.
Trong bài phát biểu, đề cập đến những cam kết phụng sự đất nước giống như Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và Barack Obama, Pinera thề sẽ tuyển chọn "những người tốt nhất, sẵn sàng nhất, chân thành nhất và tận tụy nhất" cho chính phủ của mình, kêu gọi một thế hệ người Chile mới đáp ứng được thách thức của ông.
"Chile không phải là quốc gia lớn nhất, giàu có nhất hay hùng cường nhất thế giới, nhưng chúng ta nên cống hiến sức mình để biến đổi đất nước thành quốc gia tốt nhất thế giới", ông nói. "Chúng ta không được để lỡ bất kỳ phút giây nào".
Pinera có 52% phiếu bầu so với 48% dành cho Frei trong tổng số 99% số phiếu được kiểm.
Pinera đã thúc giục đối thoại và thống nhất với các đối thủ. Ông nói: "Chúng ta không chỉ cần một chính phủ tốt mà còn cả phe đối lập tốt, làm việc có tính xây dựng vì một đất nước tốt hơn".
Frei tuy không tán dương Pinera nhưng tin tưởng liên minh cầm quyền sẽ khiến Chile "trở nên tốt hơn một đất nước chúng ta từng có trong năm 1990". Frei vẫn là một nghị sĩ, cũng cam kết sẽ "bảo vệ tự do và mọi thành tựu xã hộ" trong khi phe cánh hữu nắm quyền lực.
Theo giới phân tích, sau hai thập niên cùng với sự lãnh đạo của các chính khách phái trung tả, một số người phái tả trở nên "vỡ mộng", và giúp cho phái hữu chiến thắng lần đầu tiên kể từ khi Jorge Allesandri Rodriguez giành ghế tổng thống năm 1958.
"Mọi người đã chọn ông làm tổng thống của một nước cộng hòa trong một cuộc bầu cử dân chủ, và tôi hy vọng rằng, Chile có thể tiếp tục bước trên con đường luật pháp, tiến bộ xã hội mà chúng ta phát triển trong suốt 20 năm", Bachelet nói với Pinera.
Về phần mình, ông Pinera đã trả lời bằng cách đề nghị bà giúp đỡ để "tiếp tục rất nhiều điều tốt đẹp được chính phủ của bà thực hiện và dĩ nhiên là cả việc đối đầu với nhiều thách thức khác".
Pinera hứa hẹn sẽ tạo ra một triệu việc làm và tăng gấp đôi thu nhập bình quân tính theo đầu người của Chile bằng cách mở rộng tăng trưởng lên 6%/năm.
Thách thức lớn với Pinera có thể là chính sách đối ngoại. Trong khi bà Bachelet cố gắng làm dịu những căng thẳng với các quốc gia láng giềng của Chile như đặt vấn đề biển trong chương trình nghị sự song phương với Bolivia, tránh chỉ trích trực tiếp Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, thì Pinera - một người bạn của Tổng thống bảo thủ Colombia Alvaro Uribe - lại có tuyên bố thẳng thắng hơn, khi cho rằng, chủ nghĩa dân túy là cách tiếp cận sai lầm, và thề không bao giờ nhượng bộ trong vấn đề lãnh thổ.
Pinera có bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực Kinh tế tại Đại học Harvard. Ông nhanh chóng trở nên giàu có và hiện nay có cổ phần lớn trong một hãng hàng không chính ở Chile, phụ tách một kênh truyền hình và cả đội bóng nổi tiếng nhất nước này.
Ở tuổi 60, ông vẫn thích thú với những môn thể thao mạo hiểm kể cả lặn sâu, ông còn tự lái chiếc trực thăng của mình. Vị tổng thống tương lai của Chile từng thú nhận, ông đã mua quần áo với kích cỡ khá lớn để cảm thấy thoải mái hơn.
Đây là lần thứ hai Pinera tham gia cuộc bầu cử tổng thống. Ông từng kém Bachelet gần 7% trong cuộc bầu cử năm 2006, và từ đó tới nay vẫn tiếp tục chiến dịch tranh cử lâu dài của mình. Một số cam kết khác mà ông đưa ra khi tranh cử tổng thống còn bao gồm việc tư hữu hóa 20% công ty quốc doanh Codelco - nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới, thuê 10.000 sĩ quan cảnh sát mới, thúc đẩy ngành năng lượng thay thế và cải thiện hệ thống giáo dục.
-
Kỳ Thư (Theo AP)