Có nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đang lâm vào cảnh huống khó khăn như người tiền nhiệm Bill Clinton trước đây. Vì vậy, những bài học mà Clinton từng nhận được có thể hữu ích đối với ông chủ da màu đầu tiên của Nhà Trắng.
"Clinton sẽ làm gì?". Đây không phải là một câu hỏi mà Tổng thống Barack Obama và đội ngũ những người trung thành với ông từ chiến dịch vận động tranh cử năm 2008 có thể gợi ra, vì họ không mấy quan tâm đến câu trả lời.
(Ảnh AP)
Điều trớ trêu trong chính quyền Obama là thái độ nhìn chung căm ghét cách quản lý kiểu Clinton, bất chấp trước thực tế rằng, trong đội ngũ nhân viên hiện tại của Nhà Trắng có rất nhiều người từng kinh qua các cương vị cao dưới thời Tổng thống Bill Clinton, kể cả một thành viên nội các mang họ Clinton (nữ Ngoại trưởng Hillary Clinton).
Obama và những trợ lí trong Nhà Trắng tỏ ra nhã nhặn đối với vị tổng thống thứ 24 khi ông gọi điện. Tuy nhiên, lúc riêng tư, rất nhiều trong số những trợ lý này phát ngôn rất giống các cố vấn cho George W. Bush trong cách gièm pha những năm cầm quyền của Clinton.
Những người xung quanh Obama rất không thực tế. Họ tưởng tượng Obama như một nhân vật biến đổi, ngày càng chiếm vị trí lớn hơn trên vũ đài lịch sử. Họ xem Clinton nhiều nhất chỉ là một nhân vật quá độ, người sở hữu tính thực dụng được kiểm chứng qua bầu cử và vô số các chính sách trở nên nhỏ bé.
Dẫu vậy, họ có thể đang cảm thấy bớt tự mãn đi đôi chút trong những ngày này, sau thất bại trong cuộc bỏ phiếu đặc biệt nhằm chọn thượng nghị sĩ đại diện bang Massachusetts. Sự cố được cho là đã hé lộ những vấn đề sâu xa của đảng Dân chủ và có thể cả những tính toán sai lầm nghiêm trọng trong chiến lược quản lý của Obama.
Clinton đã từng lâm vào tình thế tương tự. Sau một thảm hoạ đối với đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1994, vị tổng thống bị chao đảo đã hồi phục kịp thời để tái cử dễ dàng vào năm 1996. Hiện tại, khi người Dân chủ đang trong cơn hoảng hốt, một cuộc bầu cử giữa kỳ cận kề và những át chủ bài trong chương trình nghị sự của Obama bước vào giai đoạn quyết định, ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm có thể cảm thấy hứng thú hơn đối với những bài học mà Clinton từng nhận được.
Giải phóng bản thân khỏi quốc hội
Clinton trở nên nổi tiếng vì cái mà Dick Morris - cố vấn chính trị của ông - gọi là "phép kiểm tra chéo", đặt bản thân vào giữa những người Dân chủ tự do và những người Cộng hoà bảo thủ.
Clinton đã không vô cớ xa lánh những người Dân chủ. Tuy nhiên, sau năm 1994, ông đã làm sáng tỏ rằng, bản thân cảm thấy hứng thú với việc đảm đương cương vị tổng thống Mỹ hơn là lãnh đạo đảng Dân chủ - điều trước đó vẫn còn chưa rõ ràng.
Obama hiện cũng trong một tình thế khó khăn tương tự. Công bằng mà nói, phe Cộng hoà vẫn chưa thực sự làm mọi việc có thể để hợp tác với ông.
Theo cách thức của Clinton, Obama sẽ không bao giờ từ bỏ bầu không khí lưỡng đảng - dù Washington lưỡng đảng có trở nên cay đắng đến như thế nào. Quan trọng hơn, ông sẽ không bao giờ muốn hình ảnh của bản thân trước công chúng gắn với tiếng tăm của đảng ông cũng như các lãnh đạo của đảng tại quốc hội.
Liệu các nhà lập pháp Dân chủ có nổi giận nếu Obama tự giám sát các chính sách của ông và thể hiện rõ rằng ông không quan tâm nhiều đến những gì họ nghĩ? Câu trả lời chắc chắn là có. Trong những năm 1990, nhiều người Dân chủ đã trở nên phẫn nộ trước sự ủng hộ tích cực của Clinton đối với cải cách phúc lợi xã hội và một ngân sách cân bằng.
Tuy nhiên, rốt cuộc Clinton đã học được một bài học chắc chắn cũng sẽ hữu ích tương đương đối với Obama: Điều duy nhất mà các chính trị gia khác thực sự tôn trọng là sự nổi tiếng và quyền lực. Khi tỉ lệ tín nhiệm Clinton cao, đảng của ông gia nhập đội ngũ ủng hộ. Khi tỉ lệ đó thấp, những người Dân chủ sẵn sàng chỉ trích.
Giải phóng bản thân khỏi các nhân viên
Đội ngũ nhân viên của một ứng viên tổng thống thắng cử là nhóm sùng bái. Khi ứng cử viên chiến thắng, nhóm sùng bái thường sẽ theo ông tới Cánh Tây của Nhà Trắng. Điều đó đã xảy ra với Clinton và cả Obama.
Tuy nhiên, Clinton khám phá ra rằng ông cần những lời khuyên hữu ích hơn là một nhóm sùng bái. Ông cảm thấy bị vây bủa bởi những người mà ông gọi là "những đứa trẻ đã giúp tôi đắc cử" - các trợ lý đại diện cho sự xu nịnh bằng truyền thông và tự coi mình là những người lưu giữ niềm tin không thể thiếu cho chiến dịch tranh cử.
Clinton cũng vỡ lẽ rằng, ông cần phải chịu trách nhiệm về hình ảnh trước công chúng của mình, không nên liều lĩnh giao việc đó cho các nhân viên hoặc bộ trưởng nội các.
Một cách để Clinton trở lại sau thảm hoạ là dẹp bỏ các cuộc gặp gỡ khỏi lịch trình thường nhật của ông. Điều này giúp ông có vài giờ đồng hồ mỗi ngày để suy nghĩ và gọi điện cho những người bên ngoài đội ngũ Nhà Trắng, có óc phán xét mà ông tin tưởng. Và mỗi tuần một lần, ông triệu tập các cố vấn chính trị và chính sách hàng đầu tới Nhà Trắng để xem xét lại kết quả bỏ phiếu mới nhất, hiệu chỉnh chương trình nghị sự của ông và đảm bảo rằng các mục tiêu chính trị và chính sách của ông đồng bộ hoá.
Trước việc sụt giảm tỉ lệ tín nhiệm, một số phận không chắc chắn đối với cải cách y tế và một thất bại chính trị đáng hổ thẹn ở Massachusetts, Obama có thể không cảm thấy các trợ lý riêng đã phục vụ tốt. Tuy nhiên, chắc chắn những trợ lý này luôn có những lý lẽ biện minh nào đó cho sự thể hiện của họ. Sách lược của Clinton là đảm bảo các trợ lý của ông không bao giờ quên rằng họ là những người làm thuê và rằng danh tiếng của tổng thống quan trọng hơn của chính họ.
Tìm ra cách đề cập về kinh tế
Clinton từng có cùng vấn đề với Obama: sự khác biệt trong đội ngũ của ông về lời lẽ đúng đắn khi phát biểu về kinh tế. Thách thức chính là truyền cảm hứng lạc quan mà không có vẻ xa rời các vấn đề và nói cùng một giọng điệu.
Obama vẫn chưa làm được điều đó. Trong các chương trình toạ đàm Chủ nhật hồi tháng trước, cố vấn kinh tế của Obama - Larry Summers - nói nước Mỹ đã thoát khỏi suy thoái, trong khi một cố vấn kinh tế khác - Christina Romer - lại trả lời "chắc chắn là chưa" trước câu hỏi tương tự.
Sau năm 1994, đội ngũ của Clinton thường lùng sục các thống kê mới nhất, luôn luôn cảnh giác thậm chí đối với những xu hướng mờ mịt nhất nhằm làm nổi bật các bài diễn thuyết của tổng thống. Clinton đã đảm bằng rằng, chính ông, chứ không phải các trợ lý có ý kiến khác biệt hoặc các bộ trưởng nội các, là người truyền đạt thông tin kinh tế cho đại đa số người dân Mỹ.
Tạo cách trình bày ý tưởng hấp dẫn
Sau hai năm nắm quyền, nhiều người đánh giá Clinton là một kẻ dông dài, không ủng hộ rõ ràng bất cứ điều gì.
Tương tự như vậy, ngay cả một số người ủng hộ cũng nói họ không chắc Obama bênh vực cái gì. Điều này có đôi chút kỳ quặc do ông là người xúc tiến chương trình nghị sự lớn nhất và tiêu tốn nhất của đảng Dân chủ trong một thế hệ qua. Tuy nhiên, đó là hậu quả phụ từ việc Obama để hình ảnh của ông nhào nặn trong các mưu đồ của quốc hội cũng như các thoả hiệp và thủ thuật của cơ quan lập pháp.
Cách đối phó của Clinton trước vấn đề là đưa ra hàng loạt bài diễn văn, trong đó ông trình bày những gì mình nghĩ và lí giải bằng các thuật ngữ mang tính cá nhân cao. Một bài diễn văn dài và lòng vòng tại Đại học Georgetown vào mùa hè năm 1995 thậm chí đã không đem đến nhiều tin tức vào thời điểm đó, nhưng rốt cuộc đã trở thành cơ sở cho hầu hết các bài diễn văn tiếp sau đó về vai trò của chính phủ trong đời sống Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên George Stephanopoulos của kênh ABC News hồi tuần trước, Obama thừa nhận đã không làm đủ để chuyển tải tầm nhìn lớn hơn của mình.
Hiểu những việc nhỏ có thể trở thành lớn
Bắt đầu từ năm 1995, hầu hết các tuần đều mang đến nhiều sự kiện, trong đó Clinton sẽ đưa ra một tuyên bố chính sách nào đó, thường đi kèm với một sắc lệnh đã được chính phủ thông qua. Ví dụ như ngày hôm nay là các quy định an toàn thực phẩm mới thì ngày mai là các hướng dẫn chống nạn trốn học của Bộ Giáo dục.
Mọi người từng chế nhạo một vài sắc lệnh trong số đó, ví dụ như sự ủng hộ tích cực của Clinton đối với đồng phục học đường.
Tuy nhiên, tích tụ những động thái nhỏ nhặt này đã giúp truyền đạt các giá trị của Clinton và chuyển tải thông điệp rằng ông đang xuất đầu lộ diện mỗi ngày để hoàn thành việc gì đó. Và không có điều gì trong số này phụ thuộc vào việc liệu ông có thể thuyết phục quốc hội nhất trí về điểm gì đó hay không.
Các tuyên bố thường gắn với việc di chuyển, cho phép Clinton thoát khỏi Washington và ghi điểm chính trị mà không có vẻ lưỡng đảng công khai.
Hướng tới điểm yếu
Clinton có lần từng thổ lộ, một trong những bí mật của ông là đương đầu với tranh cãi và điểm yếu chính trị, hơn là theo bản năng tự nhiên của con người trốn tránh chúng.
Vì vậy, ông đã tới New Hampshire để trò chuyện với những người đi săn - nhóm tức giận với việc kiểm soát súng ống, ngay cả khi các cố vấn riêng cho rằng ông "điên khùng hơn cả thỏ rừng vào mùa đi tơ" khi có động thái đó.
Clinton cũng sẵn sàng, dù miễn cưỡng, thừa nhận rằng ông đã phạm sai lầm trong giai đoạn bắt đầu nắm quyền tổng thống. Điều này cho phép các cử tri độc lập, những người từng khó chịu với Clinton, đánh giá thời kỳ cầm quyền tổng thống của ông dưới con mắt thông cảm hơn - rằng một vị tổng thống đứng đắn đã sẵn sàng học hỏi từ những sai lầm của mình - hơn là vào hùa cùng những người Cộng hoà bới móc thất bại của ông.
Chủ nghĩa dân tuý với một nụ cười
Đội ngũ của Obama đã quyết định gây ấn tượng bằng một giọng điệu theo chủ nghĩa dân tuý mới, với những lời lẽ cứng rắn chống lại các công ty bảo hiểm và ngân hàng. Giọng điệu đó phù hợp với luật mới, có nội dung đề ra các giới hạn mới đối với các ngân hàng lớn, ngay cả khi một số thành viên trong nhóm kinh tế của ông vẫn còn băn khoăn về kế hoạch.
Điều này có ý nghĩa vào một thời điểm khi nhiều người dân Mỹ đang hứng chịu tình trạng thất nghiệp cao và mọi người ở Phố Wall thì giận dữ. Arianna Huffington - người đồng sáng lập trang web tin tức The Huffington Post và những người khác phấn chấn trước chính sách mới.
Tuy nhiên, Clinton có thể cảnh báo Obama thận trọng. Vấn đề của lối diễn thuyết dân tuý giận dữ là, đối với các cử tri độc lập, nó dễ dàng nghe có vẻ theo chủ nghĩa tự do thái quá và quá giống cuộc chiến giai cấp. Nó cũng tạo ra nguy cơ gạt bỏ nhiều người trong lĩnh vực kinh doanh cũng như các tầng lớp chuyên nghiệp có quan điểm xã hội thông cảm với Obama và niềm tin tưởng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế Mỹ.
Clinton đã tìm được cách khiến người dân Mỹ cảm thấy ông ở cùng phía với họ mà không cần sử dụng giọng điệu cáu giận và hăm doạ. Đó là lí do tại sao tỉ lệ tín nhiệm của công chúng đối với Clinton vẫn cao ngay cả trong thời điểm ông bị luận tội.
Những năm 1990 cách hiện tại một quãng thời gian dài. Obama và Clinton là những người hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, trước sự cố Massachusetts, Obama có thể kết luận rằng việc vay mượn một số phần trong chiến lược của Clinton là hữu ích, trước khi ông biết chắc chắn năm 2010 có phải là một phiên bản của năm 1994 hay không.
-
Thanh Bình (Theo Politico)