Chỉ vài giờ trước khi Google tuyên bố hôm thứ 3 (12/1) rằng tin tặc tại Trung Quốc đã tấn công hệ thống của hãng trong tháng trước, những "chiến binh không gian ảo" của Trung Quốc xóa đi các trang web của Iran để trả đũa cho vụ hacker tấn công các trang cung cấp dịch vụ tìm kiếm bằng tiếng Trung.
Một số thanh niên Trung Quốc lướt web tại quán Internet ở Thượng Hải. Phản ứng với động thái của Googgl vẫn còn mờ nhạt (Ảnh: Reuters) |
Họ thường theo dõi các mục tiêu tại Đài Loan, Nhật Bản và các nước láng giềng khác - trong căng thẳng ngoại giao. Những quan ngại về thương mại đối với loại tội phạm này thì gần đây mới trở nên rõ ràng.
Hiện các công ty mạng phương Tây đang đặt câu hỏi liệu có quan chức đứng đằng sau những gì có vẻ là hành vi xâm phạm thương mại và trộm cướp như trên hay không.
Việc quy tội hoạt động gián điệp mạng này hết sức khó khăn, đặc biệt là do không có sự hỗ trợ của luật pháp địa phương. Giống như hầu hết những nạn nhân của tin tặc Trung Quốc, Google đã công khai từ chối đổ lỗi cho chính quyền. Nhưng kể từ khi "cuộc chiến leo thang", Google đã chính thức chỉ trích Trung Quốc về những hoạt động kiểm định của Trung Quốc và dọa sẽ rút khỏi nước này.
Nart Villeneuve, chuyên gia an ninh Canada, người từng phát giác hoạt động nghe trộm trên phiên bản Skype tiếng Trung nói: "Các vấn đề đã đủ lớn khiến chúng ta phải tiến hành biện pháp đầu tiên, để thúc đẩy các tổ chức khác hành động tương tự, đưa ra ánh sáng những gì mọi người vẫn coi là vấn đề nhỏ".
Các chuyên gia an ninh Mỹ thì cho rằng vụ tấn công Google và một số vụ vi phạm đều mang động cơ chính trị, bên cạnh những vụ khác mang mục đích kinh tế.
Quan chức Mỹ cũng ngày càng quan ngại về các vụ tấn công mạng từ Trung Quốc. Chip Gregson, trợ lý thư ký phụ trách các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương tại Lầu Năm Góc, nói tại cuộc họp ủy ban quốc hội rằng, cùng với các trương trình hạt nhân và không gian, các nỗ lực của Trung Quốc trong không gian máy tính cho thấy một "mối đe dọa với cách kinh doanh của chúng ta".
Michael Green, cố vấn cấp cao cho cựu tổng thống Mỹ George W. Bush về các vấn đề Đông Á, thì nói: "Các vụ tấn công mạng của Trung Quốc rất khiêu khích và phổ biến đến mức những quan ngại về đảm bảo an ninh của quốc gia và của các công ty tư nhân đều như nhau và họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm ra nguyên nhân chung".
Công ty an ninh mạng tại California, CyberSitter, tháng này đã tham gia cùng với một số công ty khác, công khai kiện và đòi Trung Quốc bồi thường, vì đã lấy cắp khoảng 3.000 dòng mã trong nỗ lực cài đặt phần mềm kiểm duyệt Green Dam vào tất các máy tính trên nước này của chính phủ. CyberSitter cho biết, hàng nghìn nỗ lực kiểm soát máy tính doanh nghiệp bắt đầu từ bộ Y tế Trung Quốc.
Cố vấn an ninh Ira Winkler, cựu quan chức Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ tại Maryland nói, hầu hết các công ty đang làm ăn kinh doanh lớn tại Trung Quốc đều bị tấn công, nhưng vẫn cho qua vì quy mô thị trường lớn.
Người chịu khả năng bị "tấn công" cao thường là các nhà hoạt động, những người cũng là mục tiêu lớn trong hoạt động của Google. Tháng 5/2009, các tổ chức truyền thông và các tổ chức nhân quyền nước ngoài tại Trung Quốc bị tấn công bằng những e-mail giả trong khi đang tìm kiếm thông tin nhạy cảm.
Hai tháng trước, một nghiên cứu toàn diện do các nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto tiến hành đã phát hiện rằng hoạt động mạng tại các máy chủ có trụ sở tại Trung Quốc đã xâm nhập 1.300 máy tính tại hơn 100 quốc gia. Các mục tiêu bao gồm cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, truyền thông, và nhiều loại thông tin bị tấn công liên quan tới quan ngại về an ninh quốc gia của Trung Quốc xung quanh vấn đề Đài Loan và Tây Tạng.
Cộng đồng tin tặc đang hoạt động tại Trung Quốc bắt đầu hình thành từ đầu những năm 1990, ngay sau khi Bắc Kinh mở kết nối internet đầu tiên vào năm 1994. Nhưng các cuộc bạo loạn chống người Hoa tại Indonesia năm 1998 đã trở thành chất xúc tác cho các tin tặc theo chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc.
Kể từ đó, những nhóm khác nhau, do các tổ chức lớn nhất như “Red Hackers” hay “Chinese Honkers” dẫn đầu, đã lộ rõ khi tiến hành vụ tấn công các trang web của Nhật Bản hay Đài Loan, nhằm vào những gì Bắc Kinh coi là chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản hay chủ nghĩa ly khai Đài Loan.
Các chuyên gia, bao gồm Mikko Hypponen thuộc công ty an ninh F-Secure Phần lan, người đã hỗ trợ cho các tổ chức tại Tây Tạng khẳng định: Những lỗ hổng an ninh không được công bố trong phần mềm Microsoft Office đã được sử dụng để tấn công vào cả các nhà thầu cho cơ quan an ninh và các nhà hoạt động nhân quyền Mỹ.
Winkler cho rằng các nỗ lực an ninh của Trung Quốc đã vượt qua cả khả năng của Mỹ vào lĩnh vực thương mại. Ông nói rằng nếu sự kiểm duyệt của Trung Quốc gia tăng và quản lý gắt gao, cùng với hoạt động gián điệp, thì thật là ngây thơ khi nghĩ rằng những hoạt động đó không mang tính chính trị.
-
Đình Ngân (Theo FT)