Sau dịch bệnh và các vấn đề sức khỏe khác, tai nạn là nguyên nhân chủ yếu thứ hai gây thương vong và là nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết của những người dưới 32 tuổi. Dưới đây là những vụ tai nạn thảm khốc nhất đã xảy ra trong lịch sử, trừ những tai nạn do thiên tai và chiến tranh.
Tin liên quan:
10. Vụ tai nạn tàu hỏa Bihar
Địa điểm và thời gian: Bihar, Ấn Độ, 1981
Con số thương vong: 268 người chết, 300 người mất tích
Ngày 6/6/1981 là một ngày không thể nào quên đối với những người dân ở Bihar, Ấn Độ. Vào ngày hôm đó, một con tàu chở khách đi từ Saharsa đến Mansi bị trật đường ray và văng xuống sông Bagmati. Đây được coi là vụ tai nạn tàu hỏa thảm khốc nhất trong lịch sử Ấn Độ. Nguyên nhân thực sự gây ra vụ tai nạn hiện vẫn chưa được làm rõ nhưng có một số giả thuyết được đưa ra. Tai nạn xảy ra có thể do một cơn lốc xoáy, một trận lụt đột ngột hay rất có thể do người lái tàu đã phanh gấp để tránh một con trâu.
Nhiều người cho rằng tai nạn tàu hỏa khủng khiếp nhất từng được ghi nhận trong lịch sử là thảm họa mang tên “Nữ hoàng biển cả” xảy ra ở Sri Lanka năm 2004 với con số thương vong lên đến 2000 người. Nhưng vì nguyên nhân gây ra tai nạn là do sóng thần nên tai nạn này không được đề cập đến trong danh sách.
9. Cuộc đụng độ ở Tenerife
Địa điểm và thời gian: Quần đảo Canaria, Tây Ban Nha, 1977
Con số thương vong: 583 người
Máy bay được coi là một trong những phương tiện giao thông an toàn nhất. So với những vụ tai nạn bằng đường bộ và đường thủy, số người chết trong những vụ tai nạn máy bay mới chỉ là 14.000 người trong một thế kỉ qua. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng nếu tính số vụ tai nạn máy bay trên tổng số chuyến bay thì đó cũng là một con số đáng báo động.
Đụng độ của hai chiếc máy bay 747. |
Cuộc đụng độ ở Tenerife được coi là tai nạn máy bay tồi tệ nhất kể từ khi chiếc máy bay đầu tiên ra đời. 17:06 (giờ địa phương) ngày 27/3/1977 đã xảy ra sự cố va chạm giữa hai chiếc máy bay chở khách Boeing 747 của 2 hãng hàng không Pan America và KLM của Hoàng gia Hà Lan tại đảo Tenerife. Vụ tai nạn làm 583 người thiệt mạng. Sơ bộ sự việc được miêu tả lại như sau: khi chiếc máy bay mang số hiệu 4805 của Hãng Hàng không Hoàng gia Hà Lan đang cất cánh trên đường băng thì bất ngờ đâm sầm vào chiếc máy bay mang số hiệu 1736 của Hãng Hàng không Mỹ Pan America đang trượt trên cùng đường băng phía đối diện. Một vụ nổ lớn xảy ra và tiếp theo đó là một quả cầu lửa khổng lồ bùng cháy. Những người dân trên đảo cho biết tiếng nổ lớn đến nỗi cả hòn đảo đều nghe thấy.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn nhưng một phần là do ngày hôm đó thời tiết xấu, sương mù dày đặc khiến tầm nhìn bị cản trở, tuy nhiên cơ trưởng điều khiến chiếc máy bay 4805 vẫn quyết định cất cánh và hậu quả là vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra.
8. Tai nạn chìm chiến hạm Indianapolis
Địa điểm và thời gian: Biển Philippines, 1945
Chiến hạm Indianapolis. |
Con số thương vong: 579 người và có thể còn hơn nữa.
Vài tuần trước khi Chiến tranh Thế giới 2 kết thúc, chiến hạm Indianapolis của Hoa Kỳ với 1196 thủy thủ lên đường rời đảo Guam đến Leyte, Philippines. Nhưng họ đã không bao giờ đến được Philippines. Chiến hạm bị chìm hoàn toàn sau 12 phút kể từ khi bị một tàu ngầm Nhật Bản tấn công bằng ngư lôi.
Có khoảng 300 người bị mắc kẹt trong chiến hạm, toàn bộ 896 người còn lại đã có thể rời khỏi con tàu. Thực tế là họ đã có thể gọi cứu viện một vài lần nhưng tất cả đều bị từ chối vì quân tiếp viện nghĩ rằng phía Nhật Bản chỉ dựng lên vụ tai nạn để kéo họ vào bẫy. Những người thủy thủ xấu số phải trôi nổi trên biển suốt 4 ngày. Không có nước và thức ăn, để thỏa mãn cơn khát, một số người đã phải uống nước biển nhưng điều này càng khiến họ mất nước trầm trọng hơn và phải bỏ mạng.
Nhưng điều tồi tệ hơn nữa là vùng biển này đầy rẫy cá mập. Họ trôi dạt trên biển suốt 4 ngày và trong 4 ngày đó cứ 3-4 tiếng những con cá mập lại đến tấn công. Trong khi họ chờ được giải cứu thì từng đàn cá mập xanh, cá mập trắng từ 120–150 con liên tiếp tấn công. Trong số 896 người sống sót sau vụ chìm tàu thì chỉ còn lại 317 người sống sót cho đến khi được giải cứu. Điều đáng nói là tai nạn thảm khốc này có lẽ đã không xảy ra nếu những người có liên quan không quá xem nhẹ những cuộc gọi báo nguy của đoàn thủy thủ.
7. Cuộc chiến ở đảo Ramree
Địa điểm và thời gian: Ramree, Burma, 1945
Cá sấu nước mặn vùng Ramree, Burma. |
Một thảm kịch khác tưởng như không thể tin được trong lịch sử quân sự là cuộc chiến ở đảo Ramree, Burma. Ngày 19/2/1945, trên đường rút chạy để tránh đối mặt với thủy quân Hoàng gia Anh, khoảng 900 binh sĩ Nhật phải vượt qua hàng dặm đầm lầy rừng đước.
Theo Bruce Wright – một trong những thành viên của thủy quân Hoàng gia Anh tham gia cuộc vây bắt ngày hôm đó thì trong số 900 lính Nhật, họ chỉ bắt sống được 20 người. Vậy thì điều gì đã xảy ra đối với những người lính khác? Người ta tin rằng họ đã bị những con cá sấu nước mặn cư ngụ ở đây tấn công và ăn thịt. Tuy điều này còn gây nhiều tranh cãi nhưng sách kỉ lục Guinness đã ghi nhận sự kiện này với cái tên “Thảm họa kinh hoàng nhất do động vật gây ra”.
6. Thảm kịch Khodynka
Nạn nhân của thảm hoạ Khodynka. |
Địa điểm và thời gian: Matxcơva, Nga, 1896
Con số thương vong: 1389 người
Ngày 18/5/1896, một cơn hoảng loạn đã xảy ra tại cánh đồng Khodynka – Matxcơva, Nga trong suốt những lễ hội chào mừng Nga hoàng Nicholas II – vị hoàng đế cuối cùng của Nga lên ngôi. 4 ngày sau khi vua Nicholas II chính thức lên ngôi, một bữa tiệc lớn được mở ra cho tất cả người dân. Có những tin đồn rằng bữa tiệc sẽ ban phát những món quà có giá trị. Vào đêm của lễ kỉ niệm, mọi người bắt đầu tụ tập trên cánh đồng trong niềm háo hức. Nhưng đột nhiên lại có tin đồn rằng quà không có đủ để chia cho tất cả mọi người.
Và một cuộc dẫm đạp lên nhau xảy ra. Hàng nghìn người bị bắt trong đám đông hỗn loạn, bỏ lại hiện trường 1389 người chết và khoảng 1300 người bị thương. Và món quà mà theo sự đồn thổi là rất quý giá hóa ra chỉ là một ổ bánh mỳ, bánh quy gừng cùng một ít xúc xích và một vại bia.
5. Thảm kịch lễ hajj năm 1990
Địa điểm và thời gian: Mecca, Ả Rập Saudi, 1990
Những người hành hương trong lễ Hajj. |
Con số thương vong: 1426
Một trong những vụ tai nạn thảm khốc khác do đám đông dẫm đạp lên nhau là thảm kịch trong ngày lễ Hajj xảy ra ở Thánh địa Mecca, Ả Rập Saudi. Hajj là ngày lễ thiêng liêng của những người theo đạo Hồi – ngày hàng nghìn tín đồ Hồi giáo sẽ hành hương về thánh địa Mecca. Ngay cả khi các nhà chức trách nghĩ rằng họ đã làm mọi điều có thể để ngăn chặn những vụ dẫm đạp lên nhau và những thảm họa khác thì sự thật là chúng vẫn cứ diễn ra. Những vụ tai nạn chết người do dẫm đạp lên nhau không phải là điều hiếm thấy ở Mecca.
Hàng trăm người hành hương đã phải bỏ mạng trong đám đông điên loạn, đặc biệt là trong lễ ném đá vào ma quỷ. Một trong những vụ tai nạn do dẫm đạp lên nhau khủng khiếp nhất là vụ xảy ra năm 1990 trong lễ Hajj với hơn 1400 người hành hương bị chết trong một hầm đường bộ.
4. Vụ nổ Halifax
Địa điểm và thời gian: Halifax, Nova Scotia, Canada, 1917
Đám mây hình nấm sau vụ nổ Halifax. |
Con số thương vong: 1950 người
Ngày 6/12/1917, những người dân ở Halifax – Canada đã choáng ngợp khi nghe thấy một tiếng nổ kinh hoàng. Những người khác còn không có đủ thời giờ để cảm thấy sốc thì đã bị thổi bay bởi vụ nổ. Toàn thành phố bị chấn động khi một con tàu chở hàng của Pháp mang tên Mont Blanc đang chất đầy thuốc nổ trong chiến tranh vô tình đâm vào một con tàu Nauy mang tên Imo tại một đoạn hẹp của cảng. Ban đầu, vụ nổ làm 2000 người thiệt mạng, phần lớn do hỏa hoạn và sập nhà. Con số thương vong sau đó đã vượt qua 2000 người trong khi 9000 người khác bị thương.
Cho đến nay vụ nổ này vẫn được coi là vụ nổ lớn nhất không phải do năng lượng hạt nhân gây ra. Khoảng 2 cây số vuông của thành phố bị quét sạch hoàn toàn. Cộng đồng cư dân ở 2 thành phố lân cận là Dartmouth và Richmond cũng bị ảnh hưởng. Vụ nổ tạo ra một áp lực lớn, bẻ gẫy những cái cây, làm sập nhiều tòa nhà, khiến những chiếc tàu ở cảng mắc cạn và thổi bay những mảnh vỡ xa hàng cây số cách hiện trường vụ nổ.
3. Thảm kịch phà MV Doña Paz
Địa điểm và thời gian: Tablas Strait, Philippines, 1987
Con số thương vong: 4375 người
Ngày 20/12/1987, Philippines trở thành tâm điểm được thế giới chú ý khi một thảm họa đắm phà xảy ra. Chiếc phà mang tên MV Doña Paz khi đó đang chở quá đông hành khách đã bị đắm khi đâm vào một chiếc tàu chở dầu đang chở 1200 tấn dầu thô. Chiếc phà đi từ thành phố Catbalogan, thủ phủ tỉnh Sarma đến Manila. Chiếc phà đắm chỉ trong một vài phút khiến cho những người bị nạn không có đủ thời gian để dùng đến những chiếc thuyền cứu hộ.
Ban đầu, những bản báo cáo chính thức ghi nhận rằng có 1565 người đã thiệt mạng trong vụ đắm phà nhưng những nguồn tin khác một mực khẳng định con số thương vong phải lên tới hơn 4000 người. Số hành khách tối đa mà con tàu được phép chuyên chở là 1518 hành khách nhưng trong bản kê khai có tới 1568 người và vẫn còn một số lượng lớn hành khách nữa không được khai báo. Tai nạn này được coi là tai nạn đường thủy thảm khốc nhất từng xảy ra trong thời bình.
2. Thảm họa Chernobyl
Địa điểm và thời gian: thành phố Chernobyl, Ukraine, Liên xô, 1986
Chernobyl sau thảm hoạ. |
Con số thương vong: 4000 người
Vụ tai nạn trầm trọng nhất trong lịch sử ngành năng lượng hạt nhân xảy ra ở trạm năng lượng nguyên tử Chernobyl, tại Ukraine, Liên Xô ngày 26/4/1986. Trạm có 4 lò phản ứng, mỗi lò có thể sản xuất 1000 megawat điện. Khi tai nạn xảy ra, lõi của một lò phản ứng bị tan chảy. Vụ nổ còn thổi bay nắp đậy bằng thép của lò phản ứng, khiến một lượng lớn các chất phóng xạ rò rỉ ra ngoài. Ước tính có khoảng 50 tấn các chất phóng xạ thoát ra ngoài không khí. Sau những ngày đầu xảy ra thảm họa có 56 người chết và hàng chục người bị bỏng phóng xạ cấp độ nặng. Con số thương vong liên tiếp tăng lên sau đó khi ngày càng có nhiều người nhiễm độc phóng xạ.
Ước tính có khoảng 4000 người dân Xôviết chết vì ung thư và những căn bệnh khác do hóa chất phóng xạ gây ra. Sức khỏe của hàng nghìn người khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên bang Xô viết, Đông và Tây Âu, Scandinav, Anh quốc, và miền đông Mỹ. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraine, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn tới việc phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người. Khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống Belarus.
Theo bản báo cáo năm 2006 của TORCH, một nửa lượng phóng xạ đã rơi xuống bên ngoài lãnh thổ ba nước cộng hoà Xô viết. Thảm hoạ này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp bốn trăm lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima.
1. Thảm họa Bhopal
Địa điểm và thời gian: Bhopal, Ấn Độ, 1984
Con số thương vong: hơn 20.000 người
Thảm họa Bhopal được xem là vụ tai nạn trầm trọng nhất trong lịch sử. Sáng 3/12/1984 những cư dân của thành phố Bhopal thuộc bang Madhya Pradesh thức dậy trong một buổi sáng bất thường. Có những người mãi mãi không bao giờ thức dậy nữa. Một bể chứa khí ga độc của công ty hóa chất Mỹ Union Carbide bị rò rỉ với hơn 40 tấn khí độc metyla izoxianat. Lượng khí độc bị rò rỉ thoát ra ngoài và bao phủ một số khu phố. Những người hít phải khí này trong khi ngủ đã chết ngay lập tức. Những người khác may mắn chạy thoát.
Ước tính có khoảng 500.000 người đã hít phải chất khí chết người này. Trong số đó có 2500 đến 5000 người đã chết ngay khi hít phải. Tính đến nay, vụ rò rỉ đã khiến 20.000 người thiệt mạng. Trung bình 1 ngày lại có 1 người chết vì những ảnh hưởng mà vụ rò rỉ gây ra. Hơn 120.000 người khác bị ung thư, mù lòa, khó thở, thậm chí chất độc này còn gây ra chứng dị dạng bẩm sinh. Cho đến nay, thảm họa Bhopal vẫn được coi là thảm họa tồi tệ nhất của ngành công nghiệp thế giới.
-
Phương Anh (theo Crunkish.com)