Mỹ đang tiêu tốn đến hàng tỉ đô la vào những vũ khí chưa từng có từ trước tới nay để tìm cách chiến đấu với vũ khí chết người của Taliban.
Tin bài mới:
Với cái giá 150.000 USD, một con rôbốt quả thật đắt. Nhưng so với mạng sống con người, nó vẫn là rẻ. |
Trên một khu phố của thủ đô Baghdad, một người lính nhanh nhẹn đặt thiết bị hẹn giờ lên một quả bom và hét lên: “Tôi muốn tất cả các ngươi biết rằng nếu các người định đặt bom ở phía bên này của con đường, thì tôi sẽ cho nổ tung cả con đường này”. Nhưng trước khi anh ta kịp chạy đến được khu vực an toàn thì một người Iraq bấm mật mã trên một điện thoại di động và quả bom phát nổ. Vụ nổ thổi bay người lính lên không trung cùng bụi và những mảnh vụn đổ nát.
Trong 8 phút giới thiệu về các đề cử cho giải Oscar năm vừa rồi, đoạn phim của “Hurt Locker” đã cho người xem khám phá về khả năng hủy diệt kinh khủng của các quả bom đặt sẵn. Một số hiệu ứng đặc biệt được tạo nên có thể nhờ kỹ xảo điện ảnh, tuy nhiên không có bất kì một sự nói quá nào về sự đáng sợ của IED, thiết bị nổ cảm ứng mà mức độ hủy diệt lớn hơn nhiều so với những cỗ máy giết người lớn nhất của Anh và Mỹ đặt tại Iraq và Afghanistan.
IED đã hất cẳng Kalashnikov để trở thành thứ vũ khí đột phá của thế kỉ 21. Nó có thể được lắp ráp bởi người dân làng và nó cho phép những kẻ nổi dậy Taliban theo dõi quân địch từ xa và khai hỏa cũng giống như tên lửa Stinger đã cho phép các Mujaheddin vô hiệu hóa vũ khí không quân của Xô-viết trong những năm 80.
Hiện nay ở Afghanistan, trong cuộc chiến giành Marjah, liên minh bao gồm 15.000 binh sĩ đang chiến đấu với khoảng 400 kẻ phản động Taliban. Cuộc chiến diễn ra từ từ nhưng đẫm máu vì Taliban đã rung hồi chuông cảnh báo bằng IED, thứ mà các binh sĩ gọi là “hồi chuông chết chóc”.
Những binh sĩ Anh và Mỹ tham gia phá hủy những thiết bị nổ này phải vô cùng quả cảm. Tuy nhiên với phía Anh Mỹ, cuộc đua thực sự nằm cách đó cả hàng vạn cây số, trong những khu thí nghiệm bí mật ở bờ biển phía Đông nước Mỹ.
Trong 3 năm trở lại đây, Lầu Năm Góc đã tiêu tốn 15,5 tỉ USD và mời về các nhà khoa học và bom mìn hàng đầu nhằm tìm ra cách tốt nhất để phát hiện và vượt qua được IED. Các nhà khoa học và kỹ sư đã làm việc ngày đêm với rô bốt, tia la-de, máy dò hóa học và thậm chí là cả huấn luyện ong.
Tờ Sunday Times đã có một cuộc thăm dò chưa từng có từ trước tới nay về dự án đồ sộ và còn nhiều bí mật này. Tổng hành dinh của dự án này là một khu văn phòng không tên. Bên trong có một bức tường được bao phủ bởi những tấm thẻ ghi tên những người lính đã chết do IED, được gọi là bức tường của những anh hùng đã ngã xuống. Tháng 1 quả là một tháng tồi tệ khi cứ một ngày lại có một binh sĩ chết, tất cả đều ở Afghanistan. Năm 2003, có 81 vụ nổ IED ở Afghanistan. Năm ngoái, con số này đã tăng lên thành 8159. Ở thành phố Helmand, người ta thường nhìn thấy binh sĩ nôn mửa trước khi đi tuần vì khả năng bị va phải mìn là rất cao.
Lawrence ở Ảrập đã đặt bom ở trên phố và đường tàu điện để làm gián đoạn con đường tiếp tế lương thực của Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt chiến tranh thế giới thứ nhất. Cụm từ IED (improvised explosive device) đã được đặt ra vào những năm 70 bởi quân đội Anh khi IRA – quân đội Ailen tạo ra bom từ bùn và chất nổ Semtex nhập lậu từ Libya.
Ở chiến tranh Iraq thì IED lại được sử dụng ở một quy mô khác. Đất nước này có những kho dự trữ vũ khí rất lớn. Vào tháng 9/2003, đã có 100 vụ nổ trong một tháng, và sau đó nhanh chóng tăng lên thành 2000 vụ. Tướng John Abizaid, người kiểm soát quyền chỉ huy quân đội Mỹ vào tháng 6 năm 2003, đã xin ý kiến Lầu Năm Góc cho thực hiện dự án tương tự dự án Manhattan.
Tổ chức chống IED (Jieddo) hiện nay đã có hơn 3000 nhân viên và quỹ tài chính khoảng 4 tỷ USD mỗi năm. Người đứng đầu tổ chức này là Tướng Michael Oates, một người lính kỳ cựu đã chiến đấu trên chiến trường Iraq. Ông nói: “Cuộc chiến chống lại IED là một cuộc chiến hết sức riêng biệt. Tôi đã mất rất nhiều binh sĩ và tôi cũng đã từng cận kề với nó nhiều lần. Chiếc xe phía sau tôi nổ, chiếc xe phía trước và cả chiếc xe của tôi cũng bị dính đòn, tài xế của tôi bị chết. Hầu hết tất cả những binh sĩ tôi biết đã từng nhìn thấy IED hoặc có người thân cận bị chết bởi IED”.
Khoảng một nửa số binh sĩ Mỹ chết ở Iraq đều do IED. Trong khi ở Afghanistan thì con số đó đã thành 2/3. Những người nổi dậy nhanh chóng nhận ra rằng họ đã giáng xuống không chỉ thương tật hay cái chết mà còn hơn thế nữa. Oates cho rằng IED không chỉ là một vũ khí giết người mà đó còn là một vũ khí chiến lược để đe dọa ý chí đưa quân ra nước ngoài của Mỹ. Như vậy, quân đội Mỹ cần tìm cách phát hiện và đánh bại hoặc vượt qua IED. Đặc biệt là trong những vùng lãnh thổ của Mỹ thì cần phải xóa bỏ thứ vũ khí này để tránh ảnh hưởng đến chiến lược quân sự.
Oates coi nhiệm vụ đánh bại IED là sự bổ sung việc tăng cường bảo vệ cho quân. Để đạt được mục tiêu này thì đội ngũ của ông bao gồm FBI, các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu về văn hóa, các nhà nhân chủng học cho đến các chuyên gia phá hủy.
Để theo dõi xem quá trình này diễn ra như thế nào, chúng ta hãy cùng đến khu thí nghiệm Aberdeen ở Maryland.
Nơi này vô cùng kì quái và là nơi đặt chiếc máy tính có thể lập trình dự án đầu tiên trên thế giới. Trong khu nhà để máy bay, một nhóm binh sĩ đang thí nghiệm với một con rô bốt điều khiển từ xa với kích cỡ một cái máy xén cỏ. Những binh sĩ này là những chuyên gia về các vụ nổ với khẩu hiệu “Chiến thắng ban đầu hoặc thất bại hoàn toàn”.
Sergeant John Stricklett đã từng đi thăm dò 4 vòng quanh Baghdad. Ông thường dùng thủ thuật “bước tiến dài” để gỡ ngòi nổ bom. Ông ta chỉ ra cách làm thế nào để dùng máy tính xách tay điều khiển một con rô bốt Talon thám thính khu vực xung quanh bằng 4 chiếc máy quay gắn sẵn và cử động bàn tay của nó.
Ông nói: “Nó trở thành bàn tay của tôi và có thể tháo gỡ bom trong khi tôi đang ở khu vực điều khiển cách xa đó. Lần triển khai gần đây nhất, tôi đã mất 3 con robot. Và tất nhiên nếu tôi trực tiếp đi ra khu vực đó, tôi sẽ chết”.
Với cái giá 150.000 USD, một con rôbốt quả thật đắt. Nhưng so với mạng sống con người, nó vẫn là rẻ. Khi rôbốt không hoạt động, các kĩ thuật viên phải mặc quần áo chuyên dụng với lớp mặt nạ trong suốt giống như mặt nạ của phi hành gia. Bộ quần áo này rất nặng và nóng một cách nghẹt thở. Chuyên gia Sergeant Charles Wyatt nói: “Tất cả những gì bạn nghe thấy bên trong chỉ là hơi thở và tiếng nhịp đập của tim bạn”.
(Còn nữa)
-
Hồng Hạnh (theo Times Online)