Khi các nhà kinh tế học và giới doanh nhân so sánh giữa hai người khổng lồ châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, Trung Quốc gần như luôn luôn dẫn trước.
Về phương diện lịch sử, kinh tế Trung Quốc thường đi nhanh hơn Ấn Độ. Chính phủ đại lục thường nhanh chóng hành động, áp dụng các chính sách mới, trong khi hệ thống chính trị của Ấn Độ lại dường như đi chậm hơn thời thế. Những sân bay mới hoành tráng, hệ thống đường cao tốc của Bắc Kinh là mẫu hình cho phát triển hiện đại, ngược hẳn với cơ sở hạ tầng xuống cấp của New Delhi và Mumbai.
Ảnh: Trak
Và khi kinh tế toàn cầu nổi lên từ sau Đại Suy thoái, Ấn Độ một lần nữa dường như lại chơi ở "sân sau". Các học giả Hindu khắp thế giới đã đề cao khả năng lãnh đạo của Trung Quốc với những chính sách linh hoạt trong suốt cuộc khủng hoảng, những chính sách đã tỏ ra rất hiệu quả trong việc "khởi động" lại tăng trưởng và giúp đưa toàn bộ khu vực châu Á ra khỏi suy thoái.
Nhưng giờ đây, dù sao Ấn Độ cuối cùng có thể đã "tăng bậc" để trở thành đối thủ được nhắc tới nhiều hơn trong cuộc cạnh tranh vị thế với Trung Quốc. Dù Ấn Độ vẫn không thể hoàn toàn đứng hạng top trong tăng trưởng kinh tế - Ngân hàng Thế giới dự báo tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ (GDP) sẽ tăng 6,4% trong năm 2009, cách xa với mức 8,7% mà Trung Quốc thông báo hồi giữa tháng 1 - nhưng kinh tế Ấn Độ phục hồi sau suy thoái lại tốt hơn so với Trung Quốc. Ấn Độ dường như không phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn giống Trung Quốc, điều đó có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách tại New Delhi có thể có một sứ mệnh dễ dàng hơn nhiều trong việc duy trì động lực kinh tế so với những người đồng cấp Trung Quốc. "Điều tôi thấy là tăng trưởng ở Ấn Độ ổn định hơn nhiều" so với tăng trưởng của Trung Quốc, Jim Walker, một nhà kinh tế học tại hãng nghiên cứu Asianomics ở Hong Kong cho biết.
Lợi thế chênh lệch hai bên được cho là bắt nguồn từ các chương trình kích thích kinh tế khác nhau mà mỗi nước thông qua để hỗ trợ tăng trưởng trong giai đoạn khủng hoảng. Trung Quốc áp dụng gói mà Walker gọi là "chương trình kích cầu lớn nhất trong lịch sử toàn cầu". Chi tiêu hàng đầu của chính phủ tập trung vào cơ sở hạ tầng mới cũng như cắt giảm thuế, Bắc Kinh đã tạo ra tỉ lệ tăng trưởng tín dụng thúc đẩy kinh tế. Số lượng các khoản vay mới trong năm 2009 gần gấp đôi so năm trước, đạt 1,4 nghìn tỉ USD – tương đương với gần 30% GDP. Gói kích cầu mang lại kết quả không ngờ, giữ vững mức tăng trưởng thậm chí khi xuất khẩu Trung Quốc giảm 16% trong năm 2009.
Nhưng giờ đây, Trung Quốc lại đang phải đối mặt với những hậu quả của việc mạnh tay chi tiêu. Quan ngại ngày một gia tăng rằng, chính sách nới lỏng tiền tệ của Bắc Kinh đã "tiếp nhiên liệu" cho bong bóng bất động sản. Theo dữ liệu từ chính phủ, gia bất động sản trung bình ở các thành phố Trung Quốc tăng 7,8% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước - mức tăng nhanh nhất trong vòng 18 tháng. Bùng nổ tín dụng cũng dấy lên lo lắng về hệ thống ngân hàng của nước này.
Rất nhiều nhà kinh tế cảnh báo, dòng tín dụng tăng vọt sẽ dẫn tới sự gia tăng của các khoản vay không diễn tiến (NPLs). Trong báo cáo tháng 11, nhà kinh tế học của UBS Wang Tao dự báo, nếu 20% tổng mức vay mới năm 2009 và 10% trong năm 2010 trở thành nợ xấu trong vòng ba đến năm năm tới, thì tổng số lượng NPLs từ chương trình kích cầu của Trung Quốc sẽ đạt 400 tỉ USD - gần bằng 8% GDP. Cho dù Wang nhấn mạnh, con số này là nhỏ khi so sánh với mức NPLs mà các ngân hàng Trung Quốc từng có trong quá khứ, bà vẫn coi đó là mức "đáng kinh ngạc". Và các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh rõ ràng là lo lắng. Kể từ tháng 12, họ đã áp dụng hàng loạt biện pháp để "làm nguội" thị trường nhà đất và giới hạn tiếp cận tín dụng. Ví dụ như tái áp thuế với giao dịch bất động sản, quy định tăng dự trữ tiền mặt trong ngân hàng với nỗ lực giảm bớt các khoản cho vay mới.
Trong khi đó, Ấn Độ lại không trải qua những thách thức tương tự từ các biện pháp chống lại suy thoái. Chính phủ nước này từng sử dụng các công cụ giống như nhiều nước khác để hỗ trợ tăng trưởng khi bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính như: giảm tỉ lệ lãi suất, cắt giảm thuế, gia tăng chi tiêu tài chính - nhưng mức độ nhỏ hơn so với Trung Quốc. Goldman Sachs ước tính rằng, gói kích cầu của chính phủ Ấn Độ sẽ là 36 tỉ USD cho năm tài chính hiện tại - chiếm 3% GDP. Quan trọng hơn là Ấn Độ đã quản lý các thành tựu tăng trưởng ổn định của mình bằng cách không đưa ngân hàng vào chỗ rủi ro.
Trên thực tế, các ngân hàng của Ấn Độ khá thận trọng trong suốt cuộc suy thoái, đặc biệt nếu so sánh với những chủ cho vay Trung Quốc. Ví dụ, tăng trưởng tín dụng năm 2009 còn thấp hơn cả 2008. Nhờ đó, các nhà kinh tế đã tiếp tục chứng kiến sự vững mạnh trong hệ thống ngân hàng Ấn Độ. Một báo cáo công bố tháng 1 của các nhà nghiên cứu kinh tế thuộc Centennial Asia Advisors nhấn mạnh: "Không có dấu hiệu cho thấy tài sản không diễn tiến của các ngân hàng nội địa trở nên xấu hơn". Không có nhà phân tích nào đưa ra những quan ngại giống Trung Quốc với chính sách tiền tệ của Ấn Độ, đặc biệt về mức độ bùng nổ bất động sản. "Tăng trưởng của Ấn Độ, dù kém hơn, lại là nhân tố khiến người ta tin tưởng về việc nguy cơ bóng bóng giá cả sẽ thấp hơn", Rajat Nag, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á ở Manila khẳng định.
Ấn Độ vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh mà không cần gói kích thích khổng lồ như Bắc Kinh một phần là vì ít "tương tác" với kinh tế quốc tế hơn so với đại lục. Xuất khẩu của Trung Quốc tương đương 35% GDP so với 24% của Ấn Độ trong năm 2008. Hơn thế nữa, Ấn Độ đủ khả năng tự bảo vệ khỏi tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính ở phương Tây trong khi chính phủ Trung Quốc buộc phải hành động nhiều hơn để thế chỗ ngành xuất khẩu bị tổn thất lớn đặc biệt tại Mỹ. Ngoài ra, kinh tế nội địa của Ấn Độ có bước đệm lớn hơn từ những cú sốc ở bên ngoài so với Trung Quốc. Tiêu dùng cá nhân trong nước chiếm 57% GDP ở Ấn Độ so với 35% tại Trung Quốc. Lòng tin tiêu dùng của Ấn Độ đã giúp cho nền kinh tế không lao dốc. Doanh thu ô tô chở khách của Ấn Độ trong tháng 12 tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. "Những gì chúng ta thấy ở Ấn Độ là câu chuyện nhu cầu nội địa không bị ngừng trệ trong bối cảnh suy thoái toàn cầu", Walker của Asianomics nhấn mạnh.
Kinh tế Ấn Độ dĩ nhiên không "miễn nhiễm" với các nguy cơ. Chính phủ nước này cũng phải vật lộn với thâm hụt ngân sách, với sự sụt giảm sản lượng nông nghiệp do thời tiết bất thường và chi tiêu khu vực nông thôn cũng sụt giảm. Nhưng mức tăng trưởng mạnh dự báo vẫn tiếp tục. Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng 7,6% trong năm 2010 và 8% cho 2011, không cách xa với mức 9% dự báo cho Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, khi nói về tốc độ tăng trưởng và những chính sách kinh tế của chính phủ đã khẳng định: "Chậm rãi và vững chắc sẽ thắng tốc độ". Cuộc Đại Suy thoái dường như đã chứng minh rằng, ông đã đúng.
-
Kỳ Thư (Theo TIME)