Trước 300 nhà ngoại giao, trong đó có cả các quan chức Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì nói, Mỹ đã vi phạm luật quốc tế khi quyết định bán vũ khí cho Đài Loan, đồng thời lên tiếng bênh vực rằng truyền hình và phát thanh Trung Quốc là đáng tin cậy hơn truyền thông phương Tây.
Hội nghị An ninh Munich lần thứ 46 đã khai mạc ngày 5/2 tại thành phố cùng tên của Đức.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đang được Wolfgang Ischinger, Chủ tịch Hội nghị An ninh quốc tế tiếp đón hôm 5/2 (Ảnh: Reuters)
Với mục tiêu "Xây dựng cây cầu quốc tế để bảo đảm an ninh và củng cố sự tin cậy lẫn nhau", hội nghị sẽ thảo luận 5 vấn đề chính gồm an ninh năng lượng và an ninh vận tải; biến đổi khí hậu; không phổ biến hạt nhân và cắt giảm vũ khí hạt nhân; chiến lược mới của NATO và vấn đề Afghanistan.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì phát biểu khảng khái trước 300 nhà ngoại giao hàng đầu thế giới - bao gồm các quan chức cấp cao Mỹ - tại Munich rằng Trung Quốc đang trở nên mạnh hơn trên trường quốc tế. Ông nói, Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế khi định bán vũ khí cho Đài Loan, tin tức truyền thanh và truyền hình Trung Quốc chứa các thông tin có cơ cở và đáng tin cậy hơn truyền thông phương Tây, và rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng giải quyết vấn đề lệnh trừng phạt với chương trình hạt nhân của Iran, và thay vào đó tuyên bố rằng nước cộng hòa Hồi giáo này vẫn "chưa hoàn toàn đóng lại các cánh cửa với IAEA".
Bộ trưởng Ngoại giao là quan chức Trung Quốc đầu tiên phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, cuộc họp an ninh cấp cao xuyên Đại Tây Dương, trong lịch sử 46 năm tồn tại. Hội nghị diễn ra đúng vào thời điểm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Mỹ đang bất hòa xung quanh các vấn đề vũ khí của Đài Loan, Internet, tỷ giá tiền tệ, chính sách khí hậu sau hội nghị Copenhagen vào tháng 12/2009.
Một nhà ngoại giao cấp cao Đức nói: "Tôi chưa từng thấy một quan chức cấp cao Trung Quốc nào nói, ’vâng, chúng tôi mạnh’ trong một cuộc họp công khai. Đó là thông điệp hết sức mạnh mẽ, rất khác, và điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ sớm thấy một chính sách khác của Trung Quốc".
Dương Khiết Trì, cựu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ và rất được tôn trọng, đã có bài diễn văn khá bình thường - nhưng với giọng điệu mạnh mẽ hơn. Ông khẳng định Trung Quốc vừa là nước phát triển, vừa là nước đang phát triển, đang tìm kiếm các giải pháp "có đôi bên cùng có lợi" và rằng nước này đang chuẩn bị đảm nhận những "trách nhiệm chung" lớn hơn trên trường quốc tế - và rằng nước này đang đóng vai trò nhất định trong việc giúp đẩy lui cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm qua.
Tuy nhiên, với những vấn đề được đặt ra sau đó, Dương Khiết Trì tỏ ra khá cương quyết.
"Trung Quốc có thấy mạnh hơn không? Có", ông nói khi trả lời các câu hỏi.
Về quyết định bán 6,4 tỷ vũ khí cho Đài Loan vừa được chính quyền Obama đưa ra, và về việc lần đầu tiên Trung Quốc đe dọa trừng phạt trả đũa các công ty Mỹ cung cấp vũ khí trong thương vụ - ông gọi đó là "sự vi phạm quy tắc hành xử giữa các nước" của Mỹ, nói rằng Trung Quốc có mọi lý do để cảm thấy phẫn nộ đối với việc này", và thêm rằng Bắc Kinh có "quyền làm những gì cần thiết" để đáp lại.
Ông nói tiếp khi được hỏi về vấn đề mạng internet rằng Trung Quốc "hoàn toàn phản đối các vụ tấn công tin tặc... Tôi không biết làm sao mà chuyện của Google lại xảy ra". Vào thời điểm gã khổng lồ về dịch vụ tìm kiếm của Mỹ này nói có thể sẽ rời khỏi Trung Quốc sau khi phát hiện nhiều vụ tin tặc tấn công, ông nói rằng "Trung Quốc là nạn nhân của tin tặc".
Tiếp đó, Dương Khiết Trì khẳng định, người Trung Quốc có tin tức tốt hơn những người phương Tây và "tự do ngôn luận là những gì chúng tôi ủng hộ", và thêm rằng, với 15 triệu người ra nước ngoài mỗi năm, "người Trung Quốc có được đầy đủ thông tin". Ông cũng nói rằng, trong khi các công ty nước ngoài được tự do tham gia thị trường Trung Quốc, và nhiều trong số đó đã làm ăn tốt tại đây, thì họ vẫn phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc.
Sự hiện diện của Trung Quốc trong cuộc họp 48 tiếng đồng hồ do nhà ngoại giao Đức Wolfgang Ischinger làm chủ tọa, và có cả sự tham gia của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ James Jones, tiếp nối sự xuất hiện mạnh mẽ tại hội nghị thường niên Davos về các vấn đề biến đổi khí hậu. Điều này tạo cảm giác như thể Trung Quốc đang tận dụng những hội nghị quốc tế quan trọng trong thời điểm cả thế giới đang lao đao để thể hiện sức mạnh đang lên của mình.
- Đình Ngân (Theo CS Monitor)