Hiệp hội Báo chí liên Mỹ (IAPA) cho biết, 8 phóng viên đã bị bắt cóc ở một thành phố biên giới của Mexico chỉ trong vòng 2 tuần. Đây được coi là một làn sóng các vụ bắt cóc chưa từng có tiền lệ ở bán cầu Tây.
Tin bài mói:
Mexico đã trở thành quốc gia "tử thần" đối với các nhà báo. (Ảnh: AP) |
Theo IAPA, chỉ có 2 trong số những phóng viên bị bắt cóc trong khoảng từ ngày 18/2 tới 3/3 ở thành phố Reynosa, bang Tamaulipas của Mexico, giáp ranh với vùng McAllen thuộc bang Texas, Mỹ tái xuất hiện và còn sống. Một phóng viên đã chết vì bị tra tấn. 5 phóng viên còn lại hiện vẫn mất tích.
"Chính phủ Mexico cần phải hành động khẩn cấp với lực lượng huy động phù hợp nhằm giải cứu các nhà báo còn sống", Chủ tịch IAPA Alejandro Aguirre nhấn mạnh.
Các vụ bắt cóc tình nghi do các băng nhóm tội phạm ma tuý ở Tamaulipas tiến hành. Văn phòng chưởng lý Tamaulipas và các công tố viên bang này hiện chưa xác thực về thông tin này.
Reynosa và nhiều thành phố khác thuộc Tamaulipas đã hứng chịu một làn sóng các vụ bắn giết liên quan tới những cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai tổ chức tội phạm ma tuý lớn tại đây.
IAPA tiết lộ, các nguồn tin của tổ chức đã từ chối xác định danh tính những nhà báo bị bắt cóc hoặc đệ đơn khiếu nại chính thức lên nhà chức trách vì sợ bị trả thù hoặc gây hại hơn nữa tới tính mạng của các nạn nhân. Sự đe doạ lớn đến mức hầu hết các vụ bắt cóc ở Reynosa không được đưa tin trên báo chí địa phương.
Tờ Milenio ở thủ đô Mexico City có bài viết về một trong số ít ỏi những lời kể về các vụ bắt cóc nhưng đưa nó vào mục bình luận chứ không phải mục tin tức. Theo bài báo ký tên tác giả Ciro Gomez Leyva, một cây bút của Milenio và một phóng viên ảnh từng bị bắt cóc ở Reynosa nhưng được thả không lâu sau đó.
Hai nhà báo của Milenio đã rời Reynosa và theo tác giả Leyva "họ (những tên tội phạm ở Reynosa) đã quyết định rằng không nên biết hoặc kể thêm điều gì ở đây nữa... và chúng tôi tuân thủ". Leyva cho biết thêm, bọn tội phạm đã yêu cầu các phóng viên lưu trú ở thành phố biên giới này "đừng tới và khuấy đảo những thứ trong lãnh địa của chúng".
Kết thúc bài viết, tác giả Leyva nhận định: "Báo chí đã chết ở Reynosa".
Nhiều tổ chức bảo vệ truyền thông quốc tế đã coi Mexico là quốc gia nguy hiểm nhất ở châu Mỹ đối với các nhà báo. Một số cơ quan báo chí của Mexico đã hạn chế hoặc thậm chí ngừng hẳn việc đưa tin về nạn bạo lực liên quan đến các bằng nhóm tội phạm ma tuý vì lo ngại về sự an toàn.
Cho tới thời điểm này của năm 2010, ít nhất 3 nhà báo Mexico được xác nhận đã bị giết chết. Năm 209, tổng cộng 12 phóng viên đã bỏ mạng trong khi tác nghiệp tại đất nước này.
-
Thanh Bình (Theo AP)