Ở bất cứ đâu thì câu nói trên có vẻ là một sự cường điệu đầy màu sắc chứ không phải ở Iraq. Tuy nhiên thực tế lại đúng như vậy.
Tin bài mới |
---|
Ảnh AP |
Cư dân Baghdad vẫn tự hào khi nói, bạn chỉ cần chọc một chiếc ống hút xuống nền đất của thành phố thì dầu mỏ sẽ phun ra. Lý do: Iraq sở hữu 7 trong số 18 mỏ dầu khổng lồ của thế giới - thuật ngữ đề cập tới những mỏ dầu có trữ lượng bằng hoặc lớn hơn 15 tỷ thùng.
Tuy nhiên, trớ trêu thay, hai trong số các bộ quyền lực nhất của Iraq đã cãi nhau rất lâu về cái nào quan trọng hơn để họ nhập khẩu, xăng hay dầu diesel.
Quốc gia Ảrập này rơi vào tình trạng rối loạn từ năm 1979 và hiện phải đối mặt với vô số trừng phạt kinh tế và lệnh cấm quốc tế. "Kết quả là tất cả năng lực tinh lọc dầu của Iraq đều thuộc về những năm 60 hoặc trước đó", Feisal Hazem, một doanh nhân Iraq 38 tuổi, người từ nước Pháp về Iraq năm 2003 nói. Công ty El Masaleh của Hazem đã nỗ lực phát triển năng lực sản xuất dầu bản địa ở Iraq nhưng thường xuyên vấp phải nạn quan liêu.
Hợp đồng cho các dự án thường rơi vào tay các tập đoàn quốc tế mà chỉ ít người Iraq nhận thức được rằng một khi các nhà máy điện được dựng lên, nó sẽ cần dầu diesel làm nhiên liệu để sản xuất điện.
Khi Bộ Điện lực Iraq cố gắng nhập khẩu càng nhiều dầu diesel càng tốt thì họ lại gặp phải rào cản từ Bộ Dầu mỏ. Với Bộ Dầu mỏ, hiện giữ độc quyền về nhập khẩu dầu, ưu tiên hàng đầu của họ không phải dầu diesel mà là xăng. "Ô tô và các phương tiện khác cần xăng", Hazem nói. Bộ Dầu mỏ không muốn người lái xe bình thường thiếu xăng và họ coi xăng là thứ ưu tiên chứ không phải dầu diesel.
"Đối với thế giới, chúng tôi đang ngồi trên một chiếc hồ chứa đầy dầu nhưng nó có tác dụng gì nếu không thể đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của chính người Iraq", Hazem nói. Kết quả là việc cung cấp điện cũng không thể đáp ứng ngay cả ở thủ đô Baghdad.
Ví dụ về Baghdad nêu bật tình trạng đói nghèo cực độ trong bối cảnh Iraq có vô số những cam kết giàu có không thể tưởng tượng được. Một trong số 7 mỏ dầu khổng lồ của Iraq nằm ở Sadr City, khu vực nghèo nhất ở Baghdad.
Khu ngoại ô này có nhiều gia đình lên tới 20 thành viên sống trong những ngôi lều bé tí hin. Cư dân ở đây không được tiếp cận hệ thống y tế, giáo dục và thậm chí là không có lương thực. Mức sống của họ thuộc một trong những nhóm thấp nhất thế giới dù họ ngồi trên kho vàng của thế giới, kho báu không thể ước tính được giá trị.
-
Hoài Linh (Theo TNN)