Một viện nghiên cứu tại Stockholm nói hôm 2/3 rằng Trung Quốc đã bắt đầu tìm cách thu về những lợi ích kinh tế và chiến lược từ hiện tượng tan băng tại Bắc cực do sự ấm lên toàn cầu.
Tin bài mới |
---|
Hình ảnh băng tan tại Bắc cực. (Ảnh: RedOrbit) |
Nhà nghiên cứu tại SIPRI Linda Jakobson nói: "Khả năng tàu bè có thể qua lại được vùng cực vào những tháng mùa hè, sẽ tạo ra những tuyến đường biển ngắn hơn và triển vọng tiếp cận các nguồn năng lượng chưa được khai thác, đã thúc đẩy chính phủ Trung Quốc dành thêm nhiều nguồn lực cho nghiên cứu Bắc Cực".
Canada, Đan Mạch, Na Uy, Nga và Mỹ vẫn bất đồng về cách thu lợi từ sự giàu có của Bắc Cực. Những khu vực này được dự tính có tới 90 tỷ thùng dầu chưa được khai thác, và các nước này đều đang tranh luận xem nước nào nên kiểm soát tuyến đường biển vẫn đóng băng này.
Đa số các giao dịch thương mại hiện tại đều đi qua kênh đào Suez.
Theo những dự đoán khác nhau, tuyến đường đi xuyên qua vùng North - West Passage, nối giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương có thể trở nên không có băng vào mùa hè vào khoảng từ năm 2010-2060, mà điều này giúp làm giảm khoảng 40% đường đi.
Jakobson phát biểu: "Cho tới hiện tại, Trung Quốc vẫn đang có cách tiếp cận "chờ và xem" đối với những phát triển của Bắc Cực, cân nhắc kỹ rằng bất cứ hành động nào sẽ gây báo động cho những nước khác vì quy mô và vị thế của Trung Quốc là một cương quốc đang lên".
Trung Quốc không phải thành viên của Hội đồng Bắc Cực, tổ chức quyết định các chính sách tại Bắc Cực. Trung Quốc cũng không có đường bờ biển tiếp giáp Bắc Cực, và vì thế không có quyền tự chủ đối với thềm lục địa tại đây.
Theo báo cáo của SIPRI, "việc nhấn mạnh tôn trọng chủ quyền là nguyên tắc hàng đầu trong quan hệ quốc tế sẽ ngăn nước này đòi quyền lãnh thổ của các nhà nước Bắc Cực. Nhưng Trung Quốc đã chuẩn bị cho một Bắc Cực không băng".
Các nghiên cứu của nước này vẫn chủ yếu tập trung vào những thách thức môi trường của việc Bắc Cực tan băng.
"Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các quan chức và nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã bắt đầu đánh giá ý nghĩa thương mại, chính trị và an ninh đối với Trung Quốc của một khu vực Bắc Cực không băng theo mùa", Jakobson nói.
Jakobson chỉ ra rằng, Trung Quốc có một trong những năng lực nghiên cứu khoa học vùng cực mạnh nhất thế giới và đã sở hữu tàu phá băng không hạt nhân lớn nhất thế giới.
Bắc Kinh đã thông qua việc xây dựng tàu phá băng nghiên cứu vùng cực công nghệ cao, và dự kiến sẽ hạ thủy vào năm 2013.
Jakobson cho biết: "Mặc dù vị trí có vẻ là yếu, nhưng Trung Quốc vẫn hy vọng tìm kiếm một vai trò quyết định khuôn khổ chính trị và cơ sở pháp lý cho các hoạt động tại Bắc Cực trong tương lai".
- Đình Ngân (Theo RedOrbit)