Trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư cho Malaysia đang có xu hướng giảm đi. Vì nhà đầu tư cảm thấy ở đất nước này không có một môi trường phát triển công bằng, khi mà những người gốc Malay có được nhiều ưu đãi hơn trong khi hiệu quả lại nghiêng về người Malaysia gốc Hoa và Ấn.
Tin bài nổi bật: |
---|
Cho nên, vừa qua thủ tướng đương nhiệm Najib Razak đã chính thức loan báo về kế hoạch của Mô hình kinh tế mới (New Economic Model), được ấp ủ từ hơn một năm trước, với hi vọng đưa Malaysia trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2020. Theo kế hoạch mới này, phát triển kinh tế sẽ tập trung vào việc khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân và chính sách tăng trưởng lên trên những chính sách sắc tộc. Điều đó đồng nghĩa với việc những ưu đãi dành cho người gốc Malay sẽ bị xóa bỏ và mọi sắc tộc đều có điều kiện phát triển như nhau nhằm giúp Malaysia trở thành quốc gia có môi trường cạnh tranh công bằng. Kế hoạch sẽ làm thay đổi cả các chính sách giáo dục đang có nhiều khác biệt về sắc tộc. Điều này chắc chắn sẽ gây nên phản ứng tiêu cực từ phía người gốc Malay, chiếm 54% dân số, đang được hưởng nhiều ưu đãi.
Quay về quá khứ, người gốc Malay từng cho rằng không công bằng khi họ không theo kịp người gốc Hoa và gốc Ấn ngay trên chính đất nước của mình. Thế nên, một cuộc bạo động sắc tộc đẫm máu diễn ra vào ngày 13 – 5 – 1969, khi đó người gốc Malay đã ‘tắm máu” người gốc Hoa. Diễn biến của cuộc bạo loạn lúc đó nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng sang cả Singapore. Bởi những người Hoa sống tại Singapore từng tính chuyện báo thù cho đồng hương tại Malaysia, làm cho nhiều người lo ngại sẽ bùng nổ một cuộc khủng hoảng sắc tộc toàn diện trên bán đảo Nam Dương.
Để giải quyết nguy cơ đó, chính quyền lúc bấy giờ của ông Tun Abdul Razak, là cha của thủ tướng đương nhiệm Najib Razak, đã đưa ra một chính sách ưu đãi sắc tộc dành cho người Malay. Chính sách ưu đãi trên nhằm đảm bảo sự ổn định chính trị để có thể phát triển kinh tế và sắc tộc cũng trở thành vấn đề nhạy cảm trong suốt bốn mươi năm qua tại Malaysia.
Do vậy, kế hoạch phát triển mà thủ tướng Najib Razak vừa đề xuất không đơn thuần là một chính sách phát triển kinh tế mà nó sẽ tạo ra những thay đổi sâu rộng về sắc tộc, chính trị và xã hội Malaysia. Hơn thế nữa, chính sách này sẽ đi ngược lại quan điểm ủng hộ những ưu đãi cho người Malaysia của cựu thủ tướng Mahathir Mohamad. Ông Mahathir Mohamad được xem như một tượng đài của người Malaysia bởi những thành tích phát triển vượt bật mà ông đã đạt được trong giai đoạn cầm quyền cũng như cách ông đã lèo lái Malaysia vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Vì lẽ đó, kế hoạch cải tổ lần này còn đem đến những bất đồng về chính sách phát triển tổng thể của quốc gia này.
Chính vì vậy, kế hoạch mà thủ tướng Najib Razak đưa ra là một bước ngoặc quan trọng đối với Malaysia, cũng không quá lời nếu xem đó là cuộc “Cách mạng văn hóa” thật sự của Malaysia. Chỉ có điều so với cuộc Cách mạng văn hóa của Trung Quốc thì cách thực hiện của cuộc Cách mạng văn hóa ở Malaysia lần này gần như ngược lại hoàn toàn. Không biết chừng, cuộc Cách mạng văn hóa tại Malaysia sẽ lại gây ảnh hưởng lên cả Singapore khi hai quốc gia này vẫn còn những mối liên quan sắc tộc.
-
Ngô Minh Trí