Châu Âu bắt đầu cho phép nối lại giao thông hàng không một cách hạn chế và mang hy vọng tới hàng triệu người đang mắc kẹt khắp thế giới.
Tin bài mới
Núi lửa phun ở Iceland đã khiến hàng không châu Âu chao đảo trong suốt năm ngày liền. Tối qua (19/4) ba máy bay chở khách KLM đã rời sân bay Schiphol ở Amsterdam để tới New York, Dubai và Thượng Hải theo quy định bay quan sát bằng mắt thường.
Dòng dung nham từ núi lửa ở Iceland (Ảnh Reuters)
Các bộ trưởng vận tải EU đã đạt được một thỏa thuận trong khủng hoảng hàng không trong việc chia tách bầu trời phía bắc châu Âu làm ba vùng: vùng "cấm bay" do tro bụi núi lửa, vùng cảnh báo có nhiều vật chất bẩn khiến máy bay có thể hỏng động cơ và vùng trời mở.
Bắt đầu từ sáng nay "chúng tôi sẽ thấy thêm nhiều máy bay cất cánh", Cao ủy phụ trách giao thông EU Siim Kallas nói.
Hãng hàng không Đức Lufthansa cho biết, họ sẽ cho phép khởi động một số máy bay của hãng. Tuy nhiên, sự lạc quan về tình hình vận tải hàng không trở nên giảm dần khi vào đêm qua, Cơ quan Giao thông Hàng không quốc gia Anh cho hay, núi lửa hoạt động mạnh hơn và mây tro bụi mới đang lan dần về phía nước này.
Theo cơ quan này, không phận ở một số nơi của Anh có thể mở cửa trong chiều nay, nhưng khu vực mở cho các chuyên bay có thể không mở rộng ở nam London - nơi có nhiều sân bay chính. Các sân bay Scotland và khôgn phận cũng có thể mở cửa vào sáng nay nhưng tình hình tại Bắc Ireland.
Công nghiệp hàng không châu Âu đã đối mặt với tổn thất hơn 1 tỉ USD vì núi lửa.
Quy định bay bằng mắt thường cho phép phi công bay mà không cần xem xét các thiết bị đo nếu điều kiện thời tiết đủ tốt, phi công có thể nhìn thấy các mốc để tránh máy bay khác. Các chuyến bay kiểu này cần bay ở độ cao dưới 18.000 feet (6.200 mét), thấp hơn độ cao bình thường với máy bay thương mại.
Các hãng hàng không cho rằng, những chuyến bay thử gần đây của nhiều hãng gồm KLM, Lufthansa và British Airways chứng tỏ là, máy bay có thể bay an toàn bất chấp tro bụi. Không chuyến bay thử nào thông báo gặp vấn đề hay hỏng hóc.
Tuy nhiên, các nhà khoa học và phi công vẫn rất thận trọng. "Lợi nhuận và quyết định an toàn ảnh hưởng tới sinh mạng con người", Philip von Schoppenthau, Tổng thư ký Hiệp hội Phi công châu Âu - tổ chức đại diện cho 38.200 phi công của 36 nước châu Âu - nói.
Hàng triệu người đã bị mắc kẹt kể từ khi núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland phun tro bụi vào ngày 14/4 lần thứ hai trong một tháng. Đám mây tro bụi mịt mù khắp phía bắc châu Âu và giờ đây đang lan về phía Bắc Mỹ.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Robert Gibbs nói, khoảng 40.000 người Mỹ mắc kẹt tại Anh.
Theo Eurocontrol, cơ quan giao thông hàng không tại Brussels, chưa đầy 1/3 chuyến bay ở châu Âu cất cánh hôm qua. Bộ trưởng Giao thông Đức Peter Ramsauer nhấn mạnh, tất cả máy bay trong kế hoạch "vùng kiểm soát" sẽ được kiểm tra kỹ càng.
Nhiều sân bay tại trung Âu và Scandinavia đã mở cửa trở lại. Trước đó, Anh tuyên bố cử ba tàu chiến Hải quân Hoàng gia qua kênh Anh đưa những người mắc kẹt trở về nhà. Một tàu chiến tới Tây Ban Nha để đưa binh lính về Anh sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại Afghanistan.
Thủ tướng Anh Gordon Brown cho hay, mây tro bụi từ núi lửa đã làm nảy sinh "thách thức lớn nhất với mạng lưới vận tải hàng không trong nhiều năm". Trong khi đó, các quan chức châu Âu nói, tình trạng hỗn loạn giao thông hàng không còn hơn cả tình hình sau vụ khủng bố 11/9.
Căng thẳng khiến một số hành khách mắc kẹt tại sân bay quốc tế Incheon ở Hàn Quốc nổi cáu với nhân viên sân bay. "Chúng tôi cần một chuyến bay, chúng tôi cần thời gian cụ thể", Thierry Loison, người mắc kẹt tại đây từ thứ Sáu khi tìm cách về Pháp nói với quan chức hãng Korean Air. "Chúng tôi bị đối xử như động vật vậy".
Các hãng hàng không cho biết những chuyến bay thử cho thấy, nguy cơ an toàn bị phóng đại. Tuy nhiên, một quan chức ngoại giao phương Tây lại nói rằng, một số máy bay chiến đấu F16 của NATO đã bị trục trặc động cơ khi bay qua tro bụi núi lửa.
-
Kỳ Thư (Theo AP)