Các thẩm mỹ viện xuất hiện bất ngờ trên những đường phố còn mang vết sẹo chiến tranh ở thủ đô Baghdad của Iraq. Khi bạo lực giàm dần, ngày càng có nhiều người dân đổ xô đi phẫu thuật thẩm mỹ để "nâng cấp" diện mạo.
TIN BÀI NỔI BẬT: |
---|
Noor Aziz tìm tới dao kéo lần thứ hai để chỉnh sửa cái mũi hỏng từ cuộc phẫu thuật thẩm mỹ trước đó. |
Noor Aziz, 26 tuổi, chưa bao giờ quan tâm đến mũi của mình nhiều đến như vậy. "Khi mặt không biểu lộ sắc thái gì, tôi thấy chẳng có vấn đề gì với mũi của mình. Nhưng khi cười, tôi có cảm giác mặt mình chẳng đẹp tí nào. Đó là lí do tại sao tôi quyết định đi phẫu thuật thẩm mỹ", Noor thổ lộ.
Năm 15 tuổi, Noor đã trải qua cuộc chỉnh sửa mũi đầu tiên và cô tin rằng nó đã thất bại. Vì vậy, cô quyết định tìm đến dao kéo một lần nữa. Đối với Noor, phẫu thuật thẩm mỹ chẳng có gì là bất thường ngay cả đối với một người dân Iraq theo đạo Hồi.
Bác sĩ Zakaria Mahmood trao đổi trước với Noor về cuộc phẫu thuật. |
Ngày càng có nhiều người Iraq quyết định đi phẫu thuật thẩm mỹ vì một lý do đơn giản: vì họ có khả năng làm thế. Và vào thời điểm mà người ta nhắc nhiều đến việc thay đổi bộ mặt của Iraq, rõ ràng là một số người dân của đất nước này đang thực hiện điều đó theo nghĩa đen.
Bác sĩ Zakaria Mahmood từng chủ yếu chữa trị cho những người bị thương trong chiến tranh. Là một bác sĩ phẫu thuật, ông đã quen với các ca phẫu thuật chỉnh hình, một bằng chứng cho chuỗi dài các cuộc chiến tranh dường như không hồi kết ở Iraq. Bác sĩ Mahmood cho biết: "Trong 20 năm vừa qua hoặc có thể lâu hơn, mọi người đều biết rằng Iraq có liên can đến nhiều cuộc chiến tranh, và ... đã có vô số cuộc phẫu thuật tái tạo diện mạo. Chúng tôi phải chữa trị cho các bệnh nhân, những người bị thương do hậu quả chiến tranh, các vụ nổ, ... dù đó là trên tiền tuyến hay bên trong các thành phố".
Bác sĩ Mahmood thực hiện việc tạo hình lại chiếc mũi cho Noor ở Bangdad. |
"Tôi nghĩ vì họ đang xem tivi quá nhiều. Hiện giờ, các kênh truyền hình vệ tinh quốc tế đã mang tới một nền văn hóa mới cho xã hội của chúng tôi", vị bác sĩ phẫu thuật nhận định.
Dẫu vậy, sự thay đổi không chỉ bắt nguồn từ các chương trình truyền hình. Tại Baghdad, một thành phố vẫn còn hằn in dấu vết nhiều năm chiến tranh, ngày càng xuất hiện nhiều biển hiệu quảng cáo lớn hứa hẹn về các quá trình làm đẹp cho người dân Iraq bình thường. Chúng hấp dẫn một số người nhưng cũng làm một số khác cảm thấy khó chịu.
Yanar Mohammed, một nhà hoạt động xã hội vì quyền lợi của phụ nữ, bày tỏ rằng, mặc dù các kiểu làm đẹp này vẫn còn quá đắt đỏ đối với đại bộ phận người dân Iraq nhưng chúng đang tạo nên một xu hướng đáng lo ngại, đặc biệt đối với phụ nữ Iraq.
Ông Mohammed giải thích: "Trong một xã hội, nơi những hình ảnh từ các phương tiện thông tin đại chúng khiến bạn bị mê hoặc rằng bạn cần phải trông giống như một người mẫu, mũi bạn cần thon nhỏ và đôi lông mày hiện thời của bạn không đẹp, bạn cần thay thế chúng bằng đôi lông mày nhân tạo; đôi môi của bạn không đủ độ lớn, ... thì bạn không thể chung sống hòa bình với chính bạn, với tư cách là một người phụ nữ".
Noor đang hồi sức sau ca phẫu thuật. |
Trong khi đó, các thẩm mỹ viện ngày càng hút khách hơn bao giờ hết. Tại Trung tâm thẩm mỹ Ahmad Adham ở Baghdad, người chủ tiết lộ công việc làm ăn của ông chưa bao giờ tốt như hiện tại. Và các khách hàng của ông, đa phần là phụ nữ, luôn vui vẻ chi ra những đồng tiền khó khăn mới kiểm được để khiến họ trông xinh đẹp hơn.
Nada tới nơi này thường xuyên để được làm tóc. Cô tuyên bố: "Bạn biết đấy, phụ nữ Iraq cần phải quan tâm đến bản thân. Thông qua cộng đồng Arập và phần còn lại của thế giới, chúng tôi biết đâu là phong cách, diện mạo và thiết kế cho mình".
Và cũng giống như Noor, Nada chẳng phải đi đâu xa để tìm kiếm cảm hứng. Cô bộc bạch: "Chúng tôi tìm kiếm trên Internet và xem các kênh truyền hình vệ tinh. Chúng tôi luôn luôn tìm kiếm một thứ gì đó thật đặc biệt".
-
Thanh Bình (Theo CNN)