LTS. Người Việt, không nhiều thì ít, vẫn nuôi thiện cảm với nước Nga, do những lý do lịch sử. Hôm nay, khi bài thơ “Lão đầy tớ” đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, trên hành tinh vẫn nhiều người “há mồm khoan khoái... ngồi mơ nước Nga”. Nhưng có thật vẫn là miền đất hứa cho lao động Việt Nam?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lao động nước ngoài - hiện tượng nổi bật nhất xã hội Nga
Kinh tế Nga đang nếm trải, và sẽ còn chịu ảnh hưởng nhu cầu về nguồn lao động trong một tương lai xa, ngay cả khi nền kinh tế này vươn lên đạt được hiệu năng sử dụng lao động cao hơn. Một trong những thảm hoạ nhãn tiền của Nga là dân số giảm trầm trọng do tuổi thọ trung bình khá thấp, và tỷ lệ sinh đẻ không thể nâng lên trong điều kiện kinh tế tiếp tục suy thoái. Vì vậy, huy động lao động nhập cư là xu thế tất yếu của kinh tế Nga.
Các nhà nghiên cứu nổi tiếng về hiện tượng di dân từ nước ngoài vào Nga như Riazantsev C.V., Kuznetsov N.G cho rằng, di cư do việc làm (labour immigration) là trào lưu đông đảo và sôi động nhất trong xã hội Nga hiện nay.
Chỉ trong khoảng 10 năm tính tới 2005, số lượng lao động nhập cư ở Nga đã tăng hơn 5 lần. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Các chuyên gia cho rằng số lao động nước ngoài tới đăng ký ở Cục nhập cư Liên Bang chỉ chiếm 10 – 15% số người nước ngoài sang làm việc ở Nga, và rằng tổng số người lao động nước ngoài ở Nga có thể lên tới 15 triệu người. Dân số Nga hiện tại (2010) được ước tính là 142 triệu (năm 2002, dân số Nga là hơn 145 triệu).
Lao động từ khối SNG vào Nga được xem là tăng đột biến. Nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ nào càng nghèo (như Turnenia, Tadjikistan...) thì dòng người lao động từ đó vào Nga ngày càng ồ ạt hơn.
Tăng đột biến cũng xảy ra với đội ngũ lao động đến từ các nước không có truyền thống quan hệ chặt chẽ với Nga. Theo số liệu của Cục nhập cư Liên bang Nga, tại thời điểm bản lề 2004 – 2005, người lao động vào Nga đến từ Thái Lan tăng 8 lần, từ Philippines tăng 6 lần, từ Campuchia tăng 2 lần, từ Indonesia và Nepal tăng 1,7 lần.
Trong năm 2005, khi kinh tế một số nước loé sáng trước khi ngập vào khủng hoảng toàn cầu, người lao động đến từ các nước “giàu” hơn vào Nga cũng tăng vọt . Từ Đan Mạch và Thuỵ điển: tăng 1,6 lần; từ Mỹ và Anh: tăng 1,5 lần; từ Đức, Pháp và Na Uy tăng 1,4 lần. Điều làm các quan chức nhập cư Nga kém vui không phải là người lao động đến từ các nước phát triển phương Tây chỉ chiếm tổng cộng là 1,3 % số lao động nước ngoài có giấy phép, mà là ở bằng cấp và tay nghề chuyên môn thấp của những người phương Tây này.
Ở Nga, nhiều người đến từ các nước nói tiếng Anh có thể dạy tiếng mẹ đẻ chẳng hạn, còn hơn là đứng mãi trong hàng ngũ đội quân thất nghiệp ở quê hương.
Với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, bức tranh này vẫn được cải thiện về số lượng, nhưng còn u ám về chất lượng. Thực tại thiếu hụt sức lao động tại Nga kéo dài nhiều thập kỷ nay mâu thuẫn một cách trớ trêu với nạn thiếu công ăn việc làm, đang gậm nhấm thực lực nguồn lao động bản xứ ở Nga.
Một số người Nga nào, chấp nhận nghèo nhưng không làm một số nghề “bụi bặm”, tiếp tục không hài lòng với các “thợ nhặt” đổ vào Nga từ nhiều hướng. Những người Nga có lương tri thì vẫn hy vọng có được các chuyên gia ngoại quốc có tay nghề cao để chung tay vực lại nền kinh tế, và góp phần cải thiện quỹ dân số cho Nga chăng?
Lao động Việt trong mắt người Nga?
Có lần tôi hỏi một chuyên gia Nga: “Nước các bạn vẫn cần lao động người Việt”. Anh này sang Việt Nam chưa lâu nhưng đã bắt đầu “vòng vèo”. Anh bảo: “Câu trả lời là: có và không. Vì nếu nói “không”, thì nhiều người trong các bạn vẫn cứ sang Nga …”
Việt Nam nằm trong số bốn nước đứng ngoài khối SNG, đang dẫn đầu về cung cấp lao động cho Nga. Theo các số liệu chính thức trước cuộc khủng hoảng thế giới, tỷ lệ người lao động “hợp pháp” tại Nga của “bộ tứ” này là: Trung Quốc khoảng 23%, Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 11%, Việt Nam khoảng 8% và CHDCND Triều Tiên: khoảng 3%. Người Trung Quốc, Triều Tiên, và nhiều tộc người nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ đều đã sinh sống trên lãnh thổ thuộc Liên Xô và Nga từ lâu đời.
Theo các học giả có tiếng của Nga về đề tài này, có một thực tại là lao động nước ngoài khá hấp dẫn, thậm chí hơn cả người Nga, với các chủ lao động người Nga, nhất là các tư nhân. Lao động nước ngoài được xem là chăm hơn, có khả năng cạnh tranh hơn trên thị trường lao động, thường sẵn lòng làm nhiều việc khác nhau, không đòi hỏi trả công cao, sẵn lòng chấp nhận làm việc không “giấy tờ” …
Nước Nga hiện tại cũng ngập trong các vấn đề kinh tế và chính trị xã hội là hậu quả của những luồng di dân lao động. Đó là: thất thoát tư bản, phá giá trên thị trường lao động, trong thương mại, dịch vụ, ngáng trở qui trình tăng năng suất lao động, vô số vi phạm về kinh tế như trốn thuế, buôn lậu, các hoạt động tái chính bất hợp pháp … Thực tại bảo đảm an ninh cho lao động nước ngoài ngày càng xấu đi, dẫn tới xu hướng xã hội Nga và lao động nước ngoài ngày một thiếu hoà hợp. Cộng đồng người nước ngoài ngày một bị xa lánh, có xu hướng co cụm, luẩn quẩn.
Nhân công Việt Nam nhìn chung, tuy rẻ, nhưng không thật hấp dẫn với các doanh nghiệp Nga nào làm ăn chăm chỉ, đúng luật. Người Việt trong mắt người Nga chăm chỉ nhưng hay ăn bớt thao tác của quy trình công nghệ (khuất mắt trông coi), khéo léo nhưng tay nghề không cao do dễ thoả mãn với mình (chưa thành tài đã thành tật), có ý thức đoàn kết lẫn với tính cục bộ, địa phương nặng nề, thường ra bộ thẳng thắn nhưng nói năng mập mờ, ấm ớ (темнить), trọng lễ nghĩa nhưng khá tuỳ tiện trong công việc, và cả trong đời sống, khi ra nước ngoài có xu hướng sống buông thả hơn, thông minh nhưng tư duy thiếu mạch lạc, vừa tằn tiện vừa hoang phí do tâm lý tiểu nông, và do hổng kiến thức cơ bản … Mê tín, hay đốt hương, vàng mã dễ gây hoả hoạn.
Người Nga cho rằng người Việt hiện vẫn thuộc về văn hoá “cầu ao”, vẫn hay khạc nhổ, hay tiểu tiện bậy...
Các công ty cung ứng lao động Việt Nam thường chỉ chạy thích mở rộng thị phần, không chú ý đến thương hiệu, làm dịch vụ một chiều, thậm chí lấy tiền xong là “đem con bỏ chợ”. Họ thường không chú trọng dạy tiếng Nga và các kiến thức hoà nhập môi trường mới cho người đi xuất khẩu lao động, chỉ nhăm nhăm chào cái mình có (cơ bản là lao động phổ thông) để ăn cầu giữa mà không có kế hoạch đào tạo, định hướng dài hạn để cung ứng nguồn lao động mà thị trường lao động nước ngoài cần. Quá trình chuyên nghiệp hoá ngưng trệ do quán tính thiên về giải pháp tình thế, luôn tìm cách lách luật, làm luật. Nỗ lực “cắt bánh” thị trường không kèm theo ý thức làm dịch vụ hậu mãi.
-
Lê Đỗ Huy (lược thuật)
Bài 3 - Nước Nga đâu còn là miền đất hứa cho lao động Việt