LTS. Lịch sử lao động Việt Nam ở Liên bang Nga đã trải qua ba thập kỷ. Từng có một số trang tràn trề hạnh phúc, nhưng có lẽ những trang của khổ đau, thất vọng và bất tín đang lấn át.
TIN LIÊN QUAN |
---|
...chợ búa
Trong khoảng 10 năm kể từ 1981 đã có hơn 103 ngàn công nhân Việt Nam tới làm việc ở Liên Xô tại hơn 30 bộ, ngành, theo 70 ngành nghề chuyên môn. 60% công nhân làm việc trong công nghiệp nhẹ và dệt may, 15 % - trong chế tạo cơ khí, 16 % trong xây dựng. Đóng góp của công nhân Việt Nam trong phát triển kinh tế Liên Xô và tình hữu nghị Việt - Xô là không thể bị quên lãng.
Kể từ những năm 90, Liên Xô tan rã, Nga thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. Số người sang hợp tác lao động theo Hiệp định liên chính phủ“tồn” lại ở Liên Xô cũ là khoảng 150 nghìn. Do không còn công ăn việc làm trong các nhà máy công nghiệp, họ chuyển hẳn sang doanh thương, gia nhập đội quân doanh nghiệp nhỏ và vừa mới hình thành ở Nga. Bắt đầu xuất hiện dòng di trú sang Nga theo đường du lịch, rồi ở lại “làm ăn”.
Tới nay theo các số liệu chính thức, ở Nga hiện có khoảng 56 ngàn người nhập cư Việt Nam. 75% trong số này sống ở Matxcơva. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia Nga và Việt Nam, con số này trên thực tế vào khoảng 100 ngàn, chủ yếu là sang Nga gần đây với lý do đi du lịch và học tập, theo visa ngắn hạn. Khi thời hạn tạm trú kết thúc, trong mắt nhà đương cục Nga, họ chuyển sang tình trạng cư trú bất hợp pháp. Có thể nói từ đầu, người lao động Việt di cư sang Nga gần như không có các quyền lợi dân sự, khó khăn trong hợp pháp hoá cư trú và công ăn việc làm là hầu như không thể tháo gỡ. Không mấy người Việt ở Nga hiện nay nói thạo tiếng Nga. Người Nga cho rằng người Việt hiện nay ở Nga đã không còn “ở đâu âu đấy”, không “nhập gia tuỳ tục” như người Việt thời Liên Xô …
Đó là vì người Việt ở Nga không có cảm giác an cư lạc nghiệp, không nhìn thấy triển vọng ở lại Nga lâu dài. Tâm lý “ăn xổi ở thì” làm nảy sinh tham vọng kiếm tiền thật nhanh, bằng mọi giá, suy giảm ý thức đoàn kết, hợp tác trong lao động.
Trong một thời gian dài người Việt ở Nga chuyên sản xuất, và nhất là tiêu thụ các loại hàng chất lượng thấp, “của rẻ”, duy trì một văn hoá ăn ở và thương mại “xa lạ” với các tiêu chuẩn của Nga về văn minh, gây những xúc cảm không thuận trong cư dân bản địa đối với người Việt, hàng Việt.
Phúc ít trùng lai?
Khoảng đầu những năm 2000, vợ tôi có dạy tiếng Nga cấp tốc cho kỹ sư N.V. Thanh. Em vốn làm cho một viện nghiên cứu thực phẩm, nhưng vừa thắng một cuộc tuyển chọn 10 lấy 1 để sang Nga làm cho một doanh nghiệp gốc Việt sản xuất thực phẩm bằng công nghệ vi sinh. Thanh không có khiếu ngoại ngữ nhưng em học nghiêm chỉnh. Tôi luôn nghĩ rằng cha em, một CCB quê đồng bằng Bắc Bộ, thật có phúc.
Sau khi sang Nga, Thanh đón cô gái sau trở thành vợ em, cũng là một kỹ sư hoá thực phẩm sang đoàn tụ, và cùng công tác. Doanh nghiệp của Thanh làm ăn phát đạt, tiếp tục lấy người từ Việt Nam một cách có chọn lọc, và luôn có kế hoạch tái đầu tư. Vẫn biết những doanh nghiệp như thế ở Nga còn chưa nhiều, tôi vẫn thấy tràn trề niềm tin yêu, hy vọng.
Khi tôi kể chuyện Thanh cho một người quen vừa từ “thế giới vàng”, tức là Nga, về hẳn Việt Nam, anh này bảo: “Người Việt ở Nga như Thanh của cậu chắc chỉ được một vài phần nghìn”.
Những gì anh kể cho tôi về công dân Việt ở Nga gây cảm tưởng như đang đọc truyện “Người tù ở Cô ca dơ” (Кавказский пленник) của Pushkin, lẫn với cuốn “Túp lều của bác Tôm”… Gợi lại cảnh “bán thân đổi mấy đồng xu”, khác chăng là thịt xương vùi nơi đất khách quê người. Nhận thấy sự quan tâm trong kinh hãi của tôi, anh bạn vừa ở Nga về “tắt đài” giữa lúc nói về chợ Vòm...
Gần đây, tôi có tin về doanh nghiệp mà Thanh đang làm cho. Họ vẫn làm ăn có lãi, nhưng kế hoạch mở rộng sản xuất, quay vòng vốn đầu tư không được các cấp ngành hữu quan Nga chào đón … Quan hệ của doanh nghiệp này với chính quyền địa phương vốn luôn ở mức đàng hoàng, đúng mực (!)
Làm nghề may chẳng gặp may
Khoảng cuối năm 2008, một cán bộ thuộc đại sứ quán Nga ở Hà Nội cho tôi hay Việt Nam vừa thành công rực rỡ, khi ký kết được Hiệp động về lao động tạm thời của công dân Việt ở Nga. Theo đó, công dân Việt Nam đến Liên Xô theo Hiệp định 2/4/1981 có thể ở lại Nga nhưng cần thể chế hoá địa vị pháp lý của mình theo luật Nga, tại đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan hữu trách của Liên bang Nga.
Sau sự kiện này, Krutov A.N., chính khách và là nhà hoạt động truyền thông nổi tiếng đã chỉ ra rằng chính sách nhập cư hiện chưa được định dạng rõ rệt trong tư duy của chính quyền Nga. Các lệ luật có liên quan mới đưa ra chưa được hỗ trợ bởi các quy chế có tính thực tiễn, và các nguồn tài lực đảm bảo hiệu lực cho các điều luật mới về di trú.
Krutov cho rằng người lao động nhập cư ở Nga cần phải biết tiếng Nga, có kiến thức về đất nước con người Nga. “Biết tiếng nước người cho phép người nhập cư hoà đồng vào xã hội mới, thích nghi, chấp hành luật pháp, tôn trọng truyền thống, văn hoá của nước tiếp nhận, làm giảm tệ phân biệt chủng tộc, giảm các mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo.
Không biết tiếng sẽ dẫn đến hình thành tại nước tiếp nhận nhập cư các “tiểu quốc” (enclave, nơi “phép vua thua lệ làng”) … Do không biết tiếng, người nhập cư gần như không có quyền gì, và buộc phải làm theo ý chí của các “tù trưởng” … Vì không hiểu luật bản xứ, họ dễ trở thành nạn nhân của các băng nhóm tội phạm, nhập vào dòng di dân bất hợp pháp”.
Bằng việc đặt tên cho tuyên bố này của ông là: “Chúng ta (Nga) không cần các trại tập trung cho người Hoa và người Việt”, Krutov đã dự báo hiện tượng biến người nhập cư thành nô lệ, được nêu ở bài đầu của loạt bài báo này.
Trong một động thái tiếp sau, vào tháng Giêng 2009, các băng nhóm cực đoan ở Nga, phản ứng với các luật lệ và tính trạng di cư từ nước ngoài, đã tiến công những người nhập cư, giết hại một số người Việt.
Các nghiên cứu của Nga thể hiện sự lo ngại sâu sắc về di dân lao động từ Việt Nam sang Nga, hơn là từ các nước khác. Quá trình di dân này có những chất kích thích cực mạnh và các yếu tố xô đẩy (выталкивающие факторы): tình hình nhân khẩu học (tới năm 2025 dân số sẽ gần bằng nước Nga), đời sống không được cải thiện, thừa lao động, tỉ lệ thất nghiệp cao, mật độ dân số Việt Nam cao hơn cả Trung Hoa và vượt Nga tới 29 lần...
Số lao động Trung Hoa hơn gấp 2,5 lần số lao động Việt Nam ở Nga ư? Người Nga chỉ ra rằng dân số Trung Hoa hơn Việt Nam tới 17 lần, và khác với Việt Nam, Trung Hoa có đường biên giới dài với Nga.
Trong khi ta đọc những dòng này, các nguồn của Nga vẫn đưa liên tục đưa tin, ở cả các cơ sở “trắng”, “đen”, lẫn “nửa trắng nửa đen”, các công nhân Việt Nam "ma" đều ở trong tình trạng“không dành cho cho con người”.
Tiếng Việt là “công nhân ma” … Chữ “ma” ở đây đâu còn là nghĩa bóng, khi lại vừa có tin cháy xưởng may “nấp” trong một trang trại trồng rau ở Nga, hai chục người Việt thương vong...
Chờ nghe câu dặm hết giận rồi thương ư?
Nhưng rừng dương đâu còn trầm lặng!
-
Lê Đỗ Huy (tổng hợp)