Nhắc đến các nhà độc tài, người ta thường nghĩ tới sự tàn bạo và ức hiếp. Tuy nhiên, các nhà độc tài không phải lúc nào cũng như vậy. Trong thực tế, hầu hết họ là những kẻ khôi hài và đôi khi rồ dại đến kỳ quặc.
TIN BÀI NỔI BẬT: |
---|
Idi Amin
Idi Amin Dada, một cựu vô địch đấm bốc hạng nặng, là một nhà độc tài quân sự và tổng thống tự phong của Uganda trong những năm 1970. Khi Amin nắm quyền kiểm soát quốc gia châu Phi nhỏ bé này vào năm 1971, mọi người tung hô ông ta là một anh hùng. Tuy nhiên, họ không thể biết vị tướng sẽ chứng minh bản thân là loại người nào. Có thể, các áp lực của cương vị lãnh đạo đã tác động lớn đến Amin vì không lâu sau khi lên cầm quyền ông bắt đầu cư xử vô cùng kỳ quặc.
Trong số tất cả các đức tính huênh hoang của Amin, cái tôi của ông ta có thể nổi tiếng nhất. Ông tự trao tặng bản thân nhiều chức danh và huân huy chương, và cuối cùng tự phong tặng tước hiệu "Đức Ngài, Tổng thống suốt đời, Thống chế đạo Hồi, Tiến sĩ Idi Amin Dada, Huân chương cống hiến đặc biệt, Huân chương Bắc đẩu bội tinh, Chúa tể của tất cả các loài thú vật trên Trái Đất và các loài cá dưới biển cả, Người chinh phục Đế chế Anh ở châu Phi nói chung và Uganda nói riêng". Điều này khiến Amin trở thành một trong những người hùng mạnh nhất thế giới, ít nhất là trong suy nghĩ của ông ta.
Tuy nhiên, vẫn có một chức danh mà Amin không tự phong tặng cho bản thân - đó là Vua. Tuy nhiên, không cần phải nói rõ tại sao Amin không mong muốn trở thành Hoàng đế. Người ta đồn rằng, Amin từng gửi một lá thư tình cho Nữ hoàng Anh Elizibeth II, cầu hôn và thậm chí đề nghị cho ông ta trở thành Vua Scotland. Động thái này là điều lập dị đối với bất kỳ người nào, đặc biệt đối với kẻ nổi tiếng là coi thường người Anh.
Tất nhiên, Nữ hoàng Elizabeth đã không đáp lại tình cảm của Amin. Có lẽ, bà từ chối vì nhiều lý do, trong đó có cả thực tế rằng Amin là người theo chủ nghĩa đa thê. Trong suốt cuộc đời mình, Amin cưới ít nhất 6 phụ nữ và là cha của 43 đứa con. Một trong số các bà vợ của nhà độc tài sau đó được tìm thấy đã chết với thi thể bị cắt xẻo một cách ghê rợn sau khi có thai với người đàn ông khác.
Kể từ sau cái chết của Amin trong lúc sống lưu vong, dư luận xuất hiện nhiều lời đồn đại rằng ông ta thích ăn thịt kẻ thù. Tuy nhiên, chẳng có mấy bằng chứng chứng minh điều này là sự thật.
Adolf Hitler là một trong những cái tên khét tiếng nhất trong lịch sử thế giới. Nhà độc tài của Đức Quốc xã được người ta nhắc tới như một trong những nhân vật hung ác nhất từng để ria. Do Hitler là một nhà độc tài nhẫn tâm và giết người hàng loạt, một số người coi hắn là hiện thân của quỷ dữ. Bất chấp điều đó - hoặc có thể vì điều đó, Hitler cũng trở thành nhân vật lịch sử bị châm biếm và giễu cợt nhiều nhất mọi thời đại, xuất hiện trong các chương trình hài kịch và tranh biếm hoạ nhiều hơn cả Bá tước Dracula và George Bush gộp lại. Chúng ta xem đây là một dạng trừng phạt, với giả thiết rằng một người đáng sợ và tự cao tự đại sẽ ghét bị nhạo báng và xem thường như vậy.
Tuy nhiên, điều này có thể không đúng sự thật. Hitler là một người vô cùng yêu thích hài kịch, đặc biệt là những trò chơi khăm vui vẻ của nghệ sĩ hài người Anh Charlie Chaplin. Khi Chaplin phát hành bộ phim "Nhà độc tài vĩ đại", trong đó ông bắt chước cách ứng xử và công khai giễu cợt Hitler, nhà độc tài của Đức Quốc xã hoàn toàn không cảm thấy bị xúc phạm. Trong thực tế, Hitler được cho là đã vui vẻ và hãnh diện vì bộ phim.
Ngoài khả năng thưởng thức sự hài hước, Hitler còn là một người ăn chay và hoạ sĩ không chuyên. Tất cả những điều này khiến chúng ta bắt đầu nhận thấy Hitler có thể không phải là một kẻ luôn sôi sục sự hận thù và xấu xa như lịch sử ghi nhận, mà giống một anh hề tự lừa dối, lầm lạc và mắc tội diệt chủng hơn. Dư luận thậm chí có ý kiến cho rằng, thất bại trong việc trở thành hoạ sĩ có thể là một nhân tố dẫn tới xu hướng trở thành kẻ diệt chủng của Hitler. Khi VanGogh nản lòng, ông đã tự cắt đứt tai của mình. Khi rơi vào trạng thái tương tự, Hitler thay vào đó muốn hành quyết 6 triệu người Do Thái.
Đối với những lời đồn đại rằng Hitler chỉ có một tinh hoàn, ý kiến dư luận dường như chia rẽ về vấn đề này. Nhiều sử gia tin rằng, đây chỉ là sản phẩm của một chiến dịch tuyên truyền và rằng nó được đưa ra lần đầu tiên thông qua một bài hát được yêu thích có tựa đề gốc là "Goering (Hermann Goering - chính trị gia Đức Quốc xã, người sáng lập Gestapo và điều động nước Đức tham chiến) chỉ có một tinh hoàn". Tuy nhiên, thực tế có bằng chứng cho thấy Hitler đã hứng chịu một vết thương ở háng trong Thế chiến thứ nhất, buộc các bác sỹ quân ý phải phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn bên trái của hắn.
Một nhà độc tài khét tiếng khác trong Thế chiến hai - Benito Musolini - là lãnh đạo đảng Phát xít quốc gia Italia kiêm Thủ tướng Italia. Chức danh đầy đủ của Mussolini là "Ngài Benito Mussolini, Người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo Chủ nghĩa phát xít và Người sáng lập Đế quốc" nhưng ông ta cũng giữ chức Tư lệnh thứ nhất của Đế quốc. Trong khi một số người coi Mussolini là câu trả lời của Italia đối với Hitler, các ý kiến khá mâu thuẫn về vấn đề này. Mặc dù là công cụ cho việc hình thành hệ tư tưởng Phát xít cũng như là đồng minh chính trị với Đức Quốc xã, Mussolini được cho là không thích Hitler. Người ta nói rằng Musolini có nhiều người bạn Do Thái và cũng phản đối việc tàn sát người Do Thái. Ban đầu, ông ta thích sát cánh cùng Pháp chống Đức nhưng dường như đã chiều theo ý của đám đông sai lầm.
Một sự thật thú vị về Mussolini là ông ta nghiện ăn tỏi sống, bất chấp việc bị một chỗ loét đau đớn trong dạ dày, và tin rằng nó là thần dược của cuộc sống.
Saparmurat Niyazov, Tổng thống suốt đời của Turkmenistan từ năm 1990 - 2007, là một trong những nhà độc tài ít nổi tiếng nhất mọi thời đại, một phần vì chẳng có mấy người ở thế giới phương Tây thậm chí biết Turkmenistan nằm ở đâu. Niyazov không hề xâm lược các nước láng giềng, phạm tội giết người hàng loạt hay làm bất kỳ điều gì thường khiến các nhà độc tài giành được sự chú ý của cộng đồng quốc tế như họ thèm khát. Dẫu vậy, giống như hầu hết các nhà độc tài, ông ta là một kẻ có đầu óc điên dại hoàn toàn.
Một điểm tương đồng nữa giữa Niyazov và các nhà độc tài khác là ham muốn không cưỡng lại được về việc tái đặt tên cho các sự vật, đặc biệt là các thị trấn và thành phố. Tuy nhiên, nhà độc tài Turkmenistan còn đi xa hơn khi thay đổi tên gọi của các ngày trong tuần và tái đặt tên các tháng trong năm theo tên các vị anh hùng quốc gia. Ông ta thậm chí đã thay đổi tên gọi của bánh mỳ bằng tên người mẹ yêu quý của mình. Thật là một con người uỷ mị!
Tất nhiên, Niyazov còn làm nhiều việc hơn thế. Ông ta đã ban hành các cải cách y tế và xã hội mang tính đột phá, đóng cửa tất cả các bệnh viện ở bên ngoài thủ đô và sa thải 15.000 nhân viên y tế công. Nhà độc tài cũng cho đóng cửa tất cả các quán cà phê Internet cũng như các thư viện ở vùng nông thôn. Năm 2006, 1/3 người cao tuổi ở Turkmenistan bị ngừng trả lương hưu và được lệnh phải trả lại cho chính phủ của Niyazov tổng số tiền lương đã nhận hai năm trước đó.
Số người chết sau đó vì nghèo khó, bệnh tật và đói khát có thể lên tới hàng chục ngàn người, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Tuy nhiên, nhà độc tài Niyazov từ chối thừa nhận rằng các chính sách của ông ta có bất kỳ tác động tiêu cực nào tới người dân.
Trong số những đạo luật lố bịch nhất được ban hành dưới thời Niyazov có lệnh cấm các phát thanh viên để ria, trang điểm; cấm lưu hành nhạc đã thu âm và nuôi chó trong thủ đô.
-
T.A (Theo Weird)