Quán Phở Bình ở Sài Gòn từng là nơi trú ẩn của tổ chức Việt Cộng F100, nhằm tham gia tiến hành chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, một bước ngoặt trong cuộc chiến ở Việt Nam, báo Los Angeles Times (Mỹ) viết.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong nhiều thập kỷ qua, quán Phở Bình, nấp sau một bãi xe gắn máy trên phố Lý Chính Thắng, đã phục vụ cho thực khách món ăn đặc sản của mình – “phở hòa bình".
Những bát phở bốc hơi nghi ngút được làm từ những lát thịt bò và bánh phở, húng quế tươi và rau mùi. Nhưng nhiều khách hàng thân thiết cũng không biết được bí mật diễn ra rất lâu bên trong căn gác của gia đình.
Ông Nguyễn Kim Bạch, con rể của chủ quán, biết khá rõ về căn gác này. Ông cũng là người liên quan đến nó.
Ông Nguyễn Kim Bạch trên tầng 2 căn nhà của mình.
Ông Bạch, 70 tuổi, là một trong những thành viên còn sống cuối cùng của tổ Việt Cộng F100, tổ chức đã lên kế hoạch và giúp tiến hành chiến dịch ở Sài Gòn trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân tháng 1/1968. F100 đã dùng quán phở này làm căn cứ cách mạng.
Cuộc tấn công là một bước ngoặt chính trị, thuyết phục hàng triệu người Mỹ xem tin tức trên truyền hình rằng họ không thể thắng. "Chúng tôi bị đánh đập ngày hôm đó. Nhưng sau đó, người Mỹ bắt đầu đàm phán”, ông Bạch nói.
Năm 1965, ông Bạch kết hôn với con gái cả của ông chủ quán Phở Bình, Ngô Toại.
Ông Ngô Toại đã mang công thức làm phở của mình từ miền Bắc vào hơn một thập kỷ trước đó. Ông mở một quầy hàng trên đường phố trong nhiều năm. Cuối cùng, ông cũng đã tiết kiệm đủ tiền để mở quán phở này. Không lâu để cho ông Bạch nhận ra rằng sức hấp dẫn của phở ở đây rất lớn, nó là món ăn phổ biến với cả người Việt Nam và lính Mỹ.
Được sự khuyến khích của bố vợ, ông Bạch sớm gia nhập F100. Ông được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ miền Bắc đến 13 cơ sở cất giấu xung quanh Sài Gòn.
Nằm cách quán phở vài dặm là một trong những tầng hầm đã được lưu giữ như một bảo tàng, một minh chứng của chiến thắng. Năm 1965, một điệp viên người miền Bắc tên là Trần Văn Lai đã mua lại tòa nhà này trên đường Võ Văn Tần và bốn tòa nhà khác.
Trần Văn Lai tỏ ra là một nhà thầu giàu có và đã dành một năm để cải tạo căn nhà, tạo thêm các tuyến đường thoát bí mật xuyên qua mái nhà, cống và các công trình liền kề. Thậm chí Trần Văn Lai còn có cả một cô bồ nhí sống cùng để tăng tính thuyết phục cho vỏ bọc của mình.
Cách tầng 5 khoảng 30 bước chân, một tầng hầm bê tông cất giấu kho vũ khí chống tăng B-40, AK-47,súng trường, lựu đạn, đinamit và thuốc nổ C-4. Tầng trên, một máy rađiô Sharp Multiband Deluxe có kích thước như một chiếc va li nhỏ cho phép Trần giao tiếp với Hà Nội và với các đường hầm ở Củ Chi, một mạng lưới ngầm rộng lớn phục vụ cho giao thông ngầm và là nơi cất giấu những người lính Việt Cộng.
Ông Bạch và các thành viên F100 khác đã giúp ông Lai và những người khác vận chuyển vũ khí trên xe trâu kéo. Các vũ khí và chất nổ được giấu bên dưới trái cây, trong chậu cây, trong bện rơm và ở những ngăn bí mật trong chiếc giường của truyền thống của Việt Nam…
Hầu hết vũ khí được vận chuyển bằng xe bò kéo trong những kỳ nghỉ để tránh nghi ngờ. Các xe bò của nông dân, không giống như xe tải, hiếm khi bị kiểm tra. "Chúng tôi không bao giờ bị mất một lô hang nào", ông Bạch tự hào nói.
”Khi chúng tôi bắt đầu tham gia vào năm 1965, chúng tôi không biết ngày chính xác của cuộc tấn công, nhưng đoán nó sẽ mất một vài năm”, ông Bạch nói. "Công tác bảo mật được thắt chặt, chúng tôi hiếm khi gặp nhau... Hầu hết các thông tin liên lạc đều thông qua tin nhắn bí mật”.
Cuối cùng, vào cuối tháng 1/1968, đơn vị nhận được lệnh cuộc tấn công sẽ bắt đầu trong ba ngày tới. Ông Bạch và bố vợ đóng cửa quán phở, dự trữ thực phẩm và tổ chức các buổi họp chiến lược tại một căn phòng đằng sau tầng hai.
Trong vòng ba ngày, hơn 100 đặc công Việt Cộng đã qua lại quán phở, một số di chuyển ở trên, những người khác thì ẩn náu ở tầng áp mái, một nơi khá kín đáo. Họ hầu như không di chuyển và không bao giờ nói chuyện. Họ được tiếp viện bằng những bát súp.
Lúc 11giờ 30 phút ngày 30/1, họ nhận được lệnh tấn công Đại sứ quán Mỹ và Dinh Độc Lập, đầu não của chính quyền Sài Gòn, vào sáng sớm hôm sau.
Choáng váng ở trận địa miền Nam Việt Nam, quân đội Mỹ tìm cách trả đũa Việt Cộng. Một vài ngày sau đó, binh lính đến quán phở và bắt giữ 13 người, trong đó có ông Bạch, vợ ông và bố vợ ông.
Khi bị bắt, các điệp viên miền Bắc Việt Nam bị áp giải đến trụ sở cảnh sát, sự tức giận của chính quyền Sài Gòn được giải quyết bằng1, 2 viên đạn.
Ông Bạch đứng thứ ba trong hàng, một khẩu súng lục được đặt lên thái dương của ông. Nhưng lệnh ngừng bắn đã đến. Điều này dường như là giây phút may mắn nhất của đời ông.
"Đây là điều không may nhất”, ông Bạch nói. "Sự tra tấn sau đó thật kinh hoàng. Tôi ước tôi đã được chết cùng họ", ông Bạch nói về những đồng đội đã bị bắn chết của mình.
Ông Bạch cho biết: Gia đình ông đã xoay xở 3.000 USD hối lộ để cho vợ ông và mẹ vợ ông được thả, còn ông và ông Toại bị tra tấn mỗi ngày ròng rã suốt 2 tháng.
Những chiếc đinh nhỏ được đóng vào từng móng tay của ông. Sau đó, chúng được kéo ra, từ từ và vặn xoắn một cách đau đớn.
Ông Bạch bị treo trên trần nhà với cánh tay bị còng. Gót chân của ông đã mòn vì bị đánh đập bằng gậy bóng chày. Tuy nhiên, khó chịu nhất là tra tấn bằng nước. "Bắt đầu là một nhỏ giọt. Nhưng đến lần thứ 100, nó như một cái búa đập vào đầu bạn”, ông Bạch cho biết.
Theo lời ông Bạch kể lại, ông bị ép dùng một số chai thuốc có hại cho tim trong những tháng bị tra tấn.
Ông nói ông đã cố gắng tự tử ba lần. Cuối cùng, ông đã bị kết án 5 năm tù giam trong một nhà tù Sài Gòn, trong khi bố vợ ông thì bị đày đến nhà tù Côn Đảo.
Nhưng khi quân lính đến tòa nhà Võ Văn Tần để bắt giữ Trần Văn Lai, sự khôn khéo của ông đã được đền đáp. Khi chính quyền Sài Gòn bắn vào cửa sắt màu xanh lá cây - những dấu đạn ngày nay vẫn còn - ông chạy qua một trong những tuyến đường và trốn thoát.
Ông Bạch và ông Toại đã được trả tự do vào năm 1973 theo một lệnh ân xá chung, một phần của Hiệp định Paris. Ông Toại trở về quán phở của mình ở Sài Gòn và tiếp tục bán phở cho người Việt Nam và cho khách hàng Mỹ cho đến khi mất vào năm 1994. Con trai út của ông bây giờ đang chuẩn bị cho thương hiệu phở hòa bình.
Sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất. Chính phủ mới đã ban tặng nhiều phần thưởng cho ông Trần Văn Lai và những người khác.
Ông Bạch thấy không có sự mâu thuẫn giữa vai trò của ông và ông Toại trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân và sự hiện diện của các khách hàng người Mỹ vui tính trong quán của ông.
"Chúng tôi không chống Mỹ, chỉ chống chính sách xấu", ông Bạch, có con trai sống ở Houston, nói. Chúng tôi không bằng lòng với việc Mỹ tham chiến, nhưng không bao giờ ghét người dân Mỹ”.
-
Hồng Hạnh (Theo Los Angeles Times)