Hai cảnh sát thiệt mạng và 12 người khác bị thương trong các vụ tấn công gần khu tuần hành của phe Áo Đỏ ở Bangkok sáng nay (8/5) đã khiến căng thẳng ở thủ đô Thái Lan gia tăng.
|
Bạo lực khiến căng thẳng ở Thủ đô Bangkok leo thang. (Ảnh: Bangkok Post) |
Một trong hai vụ tấn công diễn ra ở quận tài chính Silom, thủ phạm vừa đi trên xe vừa xả đạn làm một cảnh sát chết ngay tại chỗ. Trong vụ nổ lựu đạn còn lại, một cảnh sát khác tử vong do bị thương quá nặng.
Các nhà điều tra chưa xác định được thủ phạm. Các thủ lĩnh phe Áo Đỏ khẳng định phong trào này không liên quan và kêu gọi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva rút các nhân viên an ninh ra khỏi khu vực Silom.
Đây là diễn biến bạo lực mới nhất trong cuộc đối đầu kéo dài 2 tháng qua giữa chính phủ và người biểu tình. Trước đó đã có 27 người chết và gần 1.000 người bị thương trong nhiều vụ đụng độ và tấn công.
Vào thời điểm này, chính phủ Thái Lan đang nỗ lực đàm phán một "lộ trình" hòa bình nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Thủ tướng Abhisit đã đưa ra một kế hoạch hòa giải 5 điểm, trong đó có đề xuất giải tán Quốc hội vào tháng 9 và tổ chức bầu cử sớm vào ngày 14/11.
Người biểu tình phản đối chính phủ trong trang phục màu đỏ, còn gọi là lực lượng Áo Đỏ, muốn chính phủ phải đưa ra thời hạn cụ thể giải tán Quốc hội. Trong khi đó, chính phủ kiên quyết rằng đề xuất bầu cử của họ là không thể thương lượng.
Các sĩ quan cảnh sát thiệt mạng sáng nay là thành viên của lực lượng chống bạo loạn chốt giữ ở khu vự tài chính của Bangkok, ngay sát "cứ địa" của phe Áo Đỏ.
Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban kêu gọi nhân dân "tránh bạo lực và giúp giải quyết vấn đề". "Chúng ta phải tìm kiếm sự hợp tác từ tất cả mọi người để đưa Thái Lan trở lại yên bình", ông nói.
Tuy nhiên, phe Áo Đỏ khẳng định họ sẽ không rút lui.
"Những người Áo Đỏ sẽ ngưng biểu tình khi người dân nhận được câu trả lời rõ ràng về yêu sách của mình và khi người dân của chúng ta an toàn", Jatuporn Prompan, một thủ lĩnh biểu tình, nói tại một cuộc họp báo.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, hiện đang có nhiều dấu hiệu chia rẽ trong lực lượng Áo Đỏ, với một số thủ lĩnh muốn chấm dứt các hoạt động bao vây để tránh đổ máu thêm trong khi một số khác kiên quyết đòi chính phủ nhân nhượng hơn nữa.
Giới phân tích cho rằng, nếu những người ôn hòa trong chính phủ và phe Áo Đỏ không sớm đạt được một thỏa thuận thì cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan sẽ càng nghiêm trọng thêm.
- Thanh Hảo (Theo Bangkok Post, BBC)