Các quan chức Thái Lan vừa bác bỏ đề nghị của phe Ấo Đỏ nhờ Liên Hợp Quốc làm trung gian trong bối cảnh bạo lực ở Bangkok ngày càng gia tăng làm hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tình hình ở Thủ đô Bangkok tựa như một vùng chiến sự. (Ảnh: Reuters) |
Một thủ lĩnh biểu tình đã gợi ý khả năng đàm phán song chính phủ ngay lập tức cự tuyệt đề nghị này. Một phát ngôn viên chính phủ tuyên bố rằng các tổ chức bên ngoài không nên can thiệp.
Kể từ hôm 13/5, khi cảnh sát và binh sĩ tiến hành trấn áp người biểu tình, đã có ít nhất 31 người thiệt mạng, hơn 200 người bị thương và 27 người đã bị phạt tù.
Người biểu tình mặc áo đỏ đã đóng trại ở Bangkok vài tháng qua. Họ muốn Thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ chức và tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Một thủ lĩnh Áo Đỏ là Nattawut Saikua nói rằng người biểu tình sẵn sàng tổ chức các cuộc hội đàm do Liên Hợp Quốc dàn xếp để chấm dứt bế tắc hiện nay, với điều kiện quân đội phải rút khỏi khu vực quanh khu trại.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Panitan Wattanayagorn của chính phủ khẳng định Thái Lan không cần đến bất kỳ một sự trợ giúp nào từ bên ngoài.
"Chúng tôi bác bỏ đề nghị để Liên Hợp Quốc hòa giải... Không một chính phủ Thái nào từ trước đến nay để cho bất kỳ ai can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi", ông Panitan nói.
Một lệnh khẩn cấp đã được ban bố ở hơn 20 tỉnh thành trên cả nước trong một nỗ lực ngăn chặn người biểu tình kéo thêm về thủ đô Bangkok. Các nhà chức trách đã kêu gọi phụ nữ và người già hãy rời khu vực biểu tình vào chiều nay (17/5) và yêu cầu sự trợ giúp từ Hội Chữ thập đỏ.
Khoảng 5.000 người vẫn ở bên trong trại Áo Đỏ, nơi lương thực và nước uống đang hết dần do khu vực này bị phong tỏa.
Trong ngày hôm qua (16/5) có xảy ra đụng độ nhưng ít hơn so với những ngày trước đó. Các phóng viên cho hay, đường phố xung quanh khu biểu tình vương vãi đầy vỏ đạn. Từ xa có thể nhìn thấy khói đen bốc lên bầu trời.
Kiểu hành động của người biểu tình là họ gây náo động và phóng hỏa ở một địa điểm để thu hút quân đội kéo đến, sau đó họ di chuyển sang chỗ khác.
Đợt bạo lực mới nhất bùng phát hôm 13/5 khi quân đội và cảnh sát được điều tới cô lập một trại Áo Đỏ. Hàng nghìn người biểu tình vẫn núp sau các rào chắn bằng lốp cao su, bao cát và cọc tre ở khu thương mại Ratchaprasong.
Thủ tướng Abhisit đã tuyên bố ngày thứ Hai và thứ Ba là ngày nghỉ lễ, hoãn khai giảng ở các trường học Bangkok. Tuy nhiên, một lệnh giới nghiêm dự định đã bị huỷ.
Hôm 15/5, ông Abhisit tuyên bố quân đội sẽ không rút lui trong chiến dịch trấn áp biểu tình. "Chúng tôi không thể để đất nước rơi vào tình cảnh mà những người không tôn trọng luật pháp đang biến dân Bangkok thành con tin", trích lời ông Abhisit.
Nhà lãnh đạo này và các quan chức an ninh Thái Lan khẳng định chiến dịch chống biểu tình của họ là nhằm vào "những kẻ khủng bố có vũ trang trà trộn vào người biểu tình".
Trước đó, quân đội đã tuyên bố "các vùng được bắn đạn thật" ở một số khu vực trong nỗ lực cắt đứt tuyến cung cấp lương thực và tăng viện lực lượng của phe Áo Đỏ vào khu trại.
Bạo lực ở Bangkok khiến nhiều người ta đặt câu hỏi về sự ổn định của Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ 2 ở Đông Nam Á. Nhiều người Áo Đỏ là nông dân ở các vùng quê nghèo phía bắc Thái Lan, nơi sự ủng hộ dành cho Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra vẫn rất cao.
Thaksin kêu gọi chính phủ rút quân khỏi trại Áo Đỏ và khởi động lại các cuộc đàm phán. Ông này đang sống lưu vong ở nước ngoài để tránh án tù vì tội tham nhũng.
- Thanh Hảo (Theo BBC, AP, THX)