Nhiều trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc đang chào mời những khoá học đặc biệt dành riêng cho con em các gia đình giàu có.
TIN BÀI MỚI |
---|
Học viên được đưa lên đảo hoang để tự tìm cách tồn tại |
Hai tháng một lần, Lawrence lái chiếc BMW 530 tới sân bay An Huy, lên máy bay tới Bắc Kinh và tham gia một lớp huấn luyện chỉ dành cho con em của những gia đình Trung Quốc giàu có tại trường đại học Bắc Kinh
Chàng thanh niên 21 tuổi, họ là Xu, muốn giấu kín thân thế đằng sau tên tiếng Anh, đã có những chuyến đi kéo dài 4 ngày tới trường đại học danh tiếng trên kể từ tháng 9 năm ngoái dù mới chỉ tốt nghiệp một khoá tiếng Anh ở trường đại học Deakin, Australia. Lawrence đủ tư cách nhập học vì bố là một doanh nhân - một tên gọi khác dành cho những người cực giàu.
Lawrence, là giám đốc phòng mua bán tại công ty máy hạng nặng của cha, coi khoá học trị giá 40.000 NDT là xứng với số tiền mà nhà cậu bỏ ra. "Khoá học là một cơ hội tuyệt vời để tôi gặp gỡ những người giống như mình và học những kỹ năng quản lý thực tế", Lawrence nói.
Theo danh sách Hurun về những người Trung Quốc giàu có, có hơn 825.000 người ở nước này có tài sản cá nhân trên 10 triệu NDT và 51.000 nhà tài phiệt có ít nhất 100 triệu NDT trong ngân hàng. Làm thế nào để bọn trẻ có thể kế nghiệp thành công của cha mẹ đang là câu hỏi thường trực của nhiều trường đại học tại Trung Quốc.
Trường đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa tại Bắc Kinh cũng như trường đại học Fudan, Thượng Hải chỉ là vài ví dụ trong số các trường đã thâm nhập thị trường học vấn kiểu mới bằng cách đưa ra những khoá huấn luyện dành cho các tiểu thư và thiếu gia con nhà giàu.
Hiện tượng trên xuất hiện lần đầu tại một trường đại học ở tỉnh Chiết Giang, khu vực sản sinh ra nhiều doanh nhân Trung Quốc. Số lượng các khóa học cho con các đại gia tại những đại học nổi tiếng kể từ đó đã tăng mạnh trên khắp Trung Quốc, với học phí vào khoảng 10.000 tới 30.000 NDT với thời gian khác nhau.
Khoá học tiêu tốn nhiều tiền nhất hiện là khoá học của Jinbailing, một công ty tư vấn ở thành phố Wuxi, tỉnh Giang Tô. Học phí của nó là 668.000 NDT cho một chương trình dài 2 năm với hàng loạt chủ đề từ kế toán tới đánh gôn. Theo các bản tin của tờ Tin Tức buổi tối Dương Tử, ít nhất con em của 10 gia đình siêu giàu đã nộp đơn.
Ma Ya, người tổ chức khoá học cho các công tử, tiểu thư con nhà giàu tại trường đại học Bắc Kinh tin rằng chương trình dành riêng cho con các doanh nhân sẽ tiếp tục được quan tâm.
Ông Ma Ya nói, khi chương trình đầu tiên kiểu này bắt đầu được tung ra vào tháng 3/2009, nó đã thu hút được 50 sinh viên. Tới chương trình thứ hai, đã có hơn 100 học viên và ông hy vọng, khi khoá thứ ba khai giảng, sẽ có 200 học sinh. Mỗi chương trình kéo dài 1 năm, cứ hai tháng một lần lại có một đợt học dài 4 ngày.
Theo ông Ma, khoá học sinh tồn đặc biệt tập trung vào cư dân khu vực phía bắc đất nước, như tỉnh Sơn Tây và khu tự trị Nội Mông và những thành phố giàu tài nguyên, nơi người dân địa phương trở nên giàu có nhờ than. Các ứng viên nộp đơn tham gia khoá học thường trong độ tuổi 22 tới 35. Trong tổng số sinh viên, nam giới chiếm 70% và một nửa từng du học ở nước ngoài.
Học viên còn được huấn luyện quân sự |
"Hầu hết các sinh viên tham gia khoá học là do cha mẹ thuyết phục. Đó là các bậc phụ huynh muốn con mình tiếp tục sự nghiệp kinh doanh của gia đình".
Khoá học ở trường đại học Bắc Kinh gồm những môn như, tinh thần Khổng tử, tôn giáo và tín ngưỡng, nền kinh tế Trung Quốc trong 30 năm qua. Khoá học còn huấn luyện quân sự, trong đó, học viên được đưa tới những hòn đảo không người ở tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Châu để sống sót theo cách tự nhiên.
Các chính trị gia, nhà kinh tế, chủ tịch các công ty và giáo sư về lịch sử, kinh tế sẽ tham gia giảng dạy, ông Ma cho hay. Nhà tổ chức này tin rằng các khoá đào tạo là cần thiết vì nó giúp thúc đẩy giao thiệp giữa các học viên và cha mẹ họ.
"Các học viên thường không có một mục đích sống rõ ràng và không thể hoạt động độc lập khi vấp phải vấn đề khó khăn. Họ cũng phải đối mặt với sức ép lớn từ cha mẹ và xã hội".
Tuy nhiên, một chuyên gia của khoá học cho rằng những khoá học kiểu trên không có tác dụng biến một cá nhân thành một lãnh đạo công ty thành công. Gu Laifeng, chuyên gia về học MBA nói, phẩm chất của một lãnh đạo không phải bắt nguồn từ một khoá đào tạo. Ông tin rằng muốn trở thành một lãnh đạo xuất sắc thì người đó phải trải qua những khó khăn của việc thành lập một doanh nghiệp từ bàn tay trắng.
"Các doanh nhân không nên kỳ vọng con cái sẽ trở thành người thừa hưởng duy nhất của hoạt động kinh doanh. Việc đó tạo ra sức ép quá lớn", ông Gu cảnh báo.
-
Hoài Linh (Theo China Daily)