Theo ngôn ngữ của các khách sạn hạng sang, đó là giờ yên tĩnh nhất trong ngày: 8h tối. Không hề có tiếng các nữ phục vụ buồng phòng chuyện gẫu, không có tiếng đều đều của những người quét dọn bằng máy hút bụi, không có tiếng lanh canh của đồ pha lê khi những người hầu bàn sắp xếp quầy rượu.
Tin bài mới |
|
---|---|
Kinga Legg (Ảnh telegraph) |
Và không có âm thanh nào phát ra từ sau những cánh cửa đóng kín của các phòng và dãy phòng có giá từ 1.100 USD tới 3.300 USD một đêm. Những cánh cửa thiết kế rất dày để cách âm.
Trên tầng 5, ở quả đấm đồng thau bóng loáng của cánh cửa phòng 503, treo một tấm biển đề “Không làm phiền”. Sáng đó – thứ ba, 26/5/2009 – một người đàn ông đã gọi cho tổ "dọn dẹp" của khách sạn báo trước rằng “Madame Kinga Legg”, một trong số khách sử dụng phòng đôi của khách sạn, không muốn bị quấy rầy. Ở Le Bristol, nổi tiếng là một trong những khách sạn tốt nhất trong các loại tốt của Paris, mong muốn của khách chưa bao giờ bị từ chối.
Tuy nhiên, vài phút sau 8 giờ tối, quản lý tầng và một nữ phục vụ đã tiếp cận cửa phòng. Em trai của vị khách đặc biệt này, tên là Marek Wolf, không thể liên lạc với chị gái bằng điện thoại cầm tay, đã gọi điện vài lần tới khách sạn từ nhà anh ở Ba Lan yêu cầu ai đó nên lên phòng 503 để xem liệu “Madame Kinga Legg” có bình an vô sự không.
Kinga Legg, một người phụ nữ tóc vàng mảnh mai, dáng cao gầy đã đặt phòng khách sạn ba ngày trước, vào thứ bảy, 23/5. Cô chung căn phòng đôi, được mệnh danh là “Superior” giá 1.500 USD một đêm với một người đàn ông đặt phòng cùng cô Ian Griffin: tóc đen, ăn mặc bảnh bao, ưa nhìn. Hai người đến khách sạn bằng chiếc Porsche 911 màu đen trị giá 133.000 USD, đăng ký ở Anh. Họ không phải là khách lạ với khách sạn: họ đã từng lưu lại đó ba lần.
Ian Griffin, được nhân viên khách sạn tin là một tử tước người Anh, đã rời khách sạn lúc 4h chiều. Anh ta chưa trả phòng, chỉ lái xe đi, đã yêu cầu nhân viên khách sạn đưa chiếc Porsche ra khỏi bãi đậu dưới tầng hầm.
Bên ngoài phòng 503, quản lý tầng đã gõ cửa phòng nhiều lần, nhưng không có ai đáp lại, anh ta phải dùng thẻ mã hóa.
Anh đờ người trước những gì nhìn thấy ngay khi bước vào trong phòng. Nó quá khác những gì mà khách của khách sạn thường thể hiện – trong số họ thường có những gương mặt quen thuộc như Robert de Nero, Leonardo DiCaprio, Johnny Depp, Bruce Willis, Pamela Anderson và George Clooney, và nhiều vị đứng đầu nhà nước cũng như các thành viên của nhiều gia đình hoàng gia – khi họ rời phòng.
Căn phòng, được trang trí bằng màu vàng và màu be, trông như có nhiều tên trộm đã tìm kiếm một thứ gì ở đó nhưng không thấy, nên đã dùng bạo lực phá tung bất cứ thứ gì có bên trong.
Những chiếc ghế kiểu thế kỷ 19 thêu kim tuyến lóng lánh nằm lăn lóc trên sàn nhà. Một bức tranh đóng khung bị xé toạc. Vài chiếc bình lớn bị đập vỡ, những bông hoa cắm trong đó bị giẫm nát. Một chiếc đèn ngủ mạ vàng lộng lẫy cũng bị phá hỏng nằm trên sàn. Chiếc vô tuyến chịu cảnh tương tự. Thậm chí các bức rèm cửa cũng rách toang.
Trên giường ngủ bừa bộn có một chiếc áo khoác nữ bằng da thú màu . Bên cạnh giường có một chiếc va li nhỏ căng phồng.
Nhưng những gì viên quản lý tầng thấy hoảng sợ nhất là những vết bẩn sẫm màu trên tấm thảm.
Cánh cửa phòng tắm màu trắng kem mở hé.
Nơi đó có thể được mô tả là “sạch sẽ và mọi thứ – những chiếc lọ nhỏ đựng nước hoa gắn tên thương hiệu nổi tiếng, các chai mỹ phẩm toàn thân, xà phòng tắm, áo choàng tắm và dép lê mang logo của khách sạn – đều ở đúng vị trí", nhưng có một thi thể phụ nữ với mái tóc vàng lõa thể nằm trong bồn tắm. Cô chưa hề tắm vì không có một giọt nước nào trong bồn – và trông cô như đã chết khá lâu: Đầu cô ngoẹo về một phía còn tay che ngực.
Sau cuộc gọi của khách sạn, cảnh sát tới hiện trường lập tức.
Đầu tiên, chỉ một chiếc xe tuần tra nhỏ với 4 cảnh sát mặc đồng phục thận trọng dừng lại – không hú còi báo động, không lóe đèn đỏ đứng trước cửa khách sạn.
Đường Rue du Faubourg Saint-Honoré không rộng lắm, nhưng đó là con phố khiến nhiều phụ nữ mơ ước và thậm chí thèm muốn bởi lượng cửa hàng hiện diện; gần như các hãng thời trang lớn trên toàn cầu đều có mặt. Và con phố này cũng là nơi có các tòa đại sứ quán quan trọng: Mỹ, Canada và Anh và cả dinh thự của tổng thống Pháp.
Xe tuần tra và cảnh sát chắc chắn không có gì mới lạ trên con phố này, sự hiện diện của những tòa nhà quan trọng cho thấy đó là điều cần thiết.
Một lát sau, đường phố tràn ngập cảnh sát mặc đồng phục và thường phục, xe cảnh sát và xe cứu thương nháy đèn đỏ.
Kinga Legg không thể trở lại cuộc sống. Cô đã chết.
Có thể cô đã tự sát. Các nhà nghiên cứu bệnh học của cảnh sát nhận định rằng, những vết thâm tím trên khuôn mặt, đầu và thân thể nạn nhân không thể có từ trước. Họ nghĩ đầu tiên cô có cuộc vật lộn với ai đó, rồi chấm dứt cuộc đời bằng một lọ thuốc an thần hoặc những viên thuốc ngủ. Rõ ràng là, có khá nhiều lọ đựng cả thuốc an thần và thuốc ngủ trong phòng.
Kinga Legg là ai? Ian Griffin là ai? Thấy Kinga Legg chết, Ian Griffin ở đâu? Liệu anh có liên quan gì tới cái chết của người phụ nữ trẻ này không?
Chứng minh thư của hai người khi đặt phòng tại khách sạn Le Bristol, đã nhận diện Kinga Legg là người Ba Lan còn Griffin là người Anh.
Cô sinh ra ở Opatówek, trung tâm tây Ba Lan năm 1973. Năm nay cô 36 tuổi.
Griffin sinh năm 1969 ở thị trấn Warrington thuộc hạt Lancashire của anh. Năm nay anh 39 tuổi.
Cả hai, theo chứng minh thư, đều cư trú tại Anh, thị trấn Oxshott thuộc hạt Surrey, nam London.
Họ sẽ không trở lại Anh khi rời khách sạn, mà sẽ tiếp tục tới thị trấn Port-Leucate ở tây nam nước Pháp.
(Còn tiếp)
-
Kỳ Thư (Theo Crime)