Việc CHDCND Triều Tiên thuê cổ động viên cho đội tuyển quốc gia, hiểm hoạ buôn bán gái mại dâm trái phép, nguy cơ đình công, ... đang làm "tăng gia vị" cho World Cup khai mạc ngày 11/6 ở Nam Phi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Các cầu thủ thuộc đội tuyển bóng đá quốc gia CHDCND Triều Tiên đang tập luyện cho vòng chung kết World Cup 2010. (Ảnh: Reuters) |
CHDCND Triều Tiên thuê người hâm mộ
Vì việc đi xem World Cup không phải là mối quan tâm của hầu hết người dân CHDCND Triều Tiên nên Bình Nhưỡng đã giải quyết vấn đề thiếu người hâm mộ tại sân thi đấu bằng cách tuyển dụng một ngàn công dân Trung Quốc phất quốc kỳ màu đỏ, xanh và trắng thay cho họ. Trong số các thành viên thuộc "đội quân tình nguyện" có các diễn viên, nghệ sĩ hài kịch và ngôi sao nhạc Pop Trung Quốc đủ may mắn để được nhận một tấm vé tới Nam Phi từ Bộ Thể thao CHDCND Triều Tiên.
Với việc CHDCND Triều Tiên được dự đoán sẽ phải sớm rời khỏi vòng chung kết bóng đá thế giới do bị xếp vào "bảng tử thần" cùng các "ông lớn" Brazil và Tây Ban Nha thì đội cổ vũ Trung Quốc có khả năng sẽ chỉ hiện diện trong một chuyến công du ngắn. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng có một số át chủ bài để lấp chỗ trống trong đội ngũ cổ động viên. Trong một trận đấu tại sân nhà trước đối thủ Iran năm 2005, một hồi còi bất lợi từ trọng tài đã làm dấy lên một cuộc náo loạn của những người CHDCND Triều Tiên phẫn nộ và quân đội đã được triệu hồi để khôi phục trật tự.
Đội tuyển bóng đá quốc gia CHDCND Triều Tiên tới Johannesburg hôm 1/6 với rất ít sự phô trương sau khi nước này bị cự tuyệt trong nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm địa điểm tập luyện tại một trong những nước láng giềng của Nam Phi. Đầu tiên, đất nước Swaziland nhỏ bé đã từ chối yêu cầu của Bình Nhưỡng về việc cung cấp nơi ăn chốn ở, việc đi lại cũng như chi ra 250.000 USD cho đặc quyền được tiếp đón các người hùng của CHDCND Triều Tiên. Zimbabwe, một đồng minh thân cận, đương nhiên là lựa chọn thứ hai. Nhưng kế hoạch tập luyện của đội CHDCND Triều Tiên đã thất bại do những người biểu tình ở Zimbabwe cáo buộc CHDCND Triều Tiên dính líu đến một cuộc thảm sát diễn ra ở nước này trong những năm 1980.
Điều cần xem: Ngày 15/6, đội CHDCND Triều Tiên sẽ có trận đấu với Brazil. Hy vọng CHDCND Triều Tiên sẽ trụ vững trước đội bóng Nam Mỹ huyền thoại.
Zimbabwe - cơn đau đầu của nước chủ nhà Nam Phi
Zimbabwe, quốc gia chuyên quyền đang thất bại ở phía bắc Nam Phi, là một vấn đề gây nhức đầu kinh niên đối với các lãnh đạo nước chủ nhà giải vô địch bóng đá thế giới năm 2010. World Cup được cho sẽ không phải ngoại lệ. Các bảng đều vận động những đội tham gia World Cup không tổ chức luyện tập ở Zimbabwe cũng như thi đấu giao hữu với đội tuyển nước này. Phía Brazil từng bị chỉ trích vì tiến hành một trận đấu khởi động với đội tuyển Zimbabwe vào ngày 2/6.
Nam Phi đã rất quan tâm tới việc tiết chế các cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực ở Zimbabwe giữa Tổng thống Robert Mugabe và Thủ tướng Morgan Tsvangirai. Đích thân Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã nhiều lần tới thủ đô Harare của Zimbabwe dưới sự uỷ nhiệm của Cộng đồng phát triển Nam Phi. Tuy nhiên, những người chỉ trích ông Zuma nói rằng ông quá thân cận người đồng cấp Mugabe và từng kêu gọi dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với đảng của ông Mugabe. Nam Phi hiện cũng đã đón nhận ít nhất 2 triệu người Zimbabwe đang tìm kiếm nơi tị nạn để tránh sự bất ổn chính trị xuyên biên giới.
Tận dụng việc đưa tin của giới truyền thông về World Cup, nhóm hoạt động Zimbabwe Democracy Now đang tổ chức các vở kịch ngắn đem trình diễn khắp Nam Phi trong thời gian diễn ra vòng chung kết bóng đá thế giới nhằm "đả kích các chỉ huy quân sự theo đảng phái và bộ chính trị đang nắm thực quyền lãnh đạo ở Zimbabwe". Tổ chức này dự đoán tình trạng bạo lực chính trị ở Zimbabwe sẽ tăng lên trong những tuần sắp tới khi phe đối lập tiếp tục đòi tổ chức các cuộc bầu cử mới và cáo buộc đảng của ông Mugabe quấy rối những cử tri ủng hộ phe đối lập.
Điều cần xem: Các màn trình diễn của nhóm Zimbabwe Democracy Now bắt đầu vào ngày 21/6.
Các hiểm hoạ từ nạn nhập cư và buôn người trái phép
Bọn buôn người khắp Nam Phi đang kiếm chác bộn từ World Cup, đặc biệt ở Ethiopia nơi những lời hứa lừa phỉnh về "cơ hội việc làm ở Nam Phi" đã khiến nhiều người loá mắt, cắn răng cống nộp 1.200 USD để đổi lấy một chuyến đi nguy hiểm, thường kết thúc bằng việc bị bắt giữ và tống vào một trại tị nạn ở Malawi. Hàng năm, có tới 25.000 người Ethiopia trở thành nạn nhân cho ngành công nghiệp "đen" có doanh thu tới 40 triệu USD/ năm này.
Kinh doanh gái bán hoa trái phép và nạn mãi dâm cũng là một lo ngại khác vào mỗi kỳ World Cup. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma từng cảnh báo, sự kiện này "sẽ mở ra các cơ hội cho bọn tội phạm như những kẻ buôn bán phụ nữ và trẻ em". Tháng trước, quốc hội Nam Phi đã phê chuẩn các đạo luật cứng rắn hơn nhằm trừng phạt những kẻ dính líu đến nạn buôn bán tình dục trái phép và lao động ép buộc. Một đề xuất thừa nhận mãi dâm là hợp pháp trước World Cup đã bị các nghị sĩ Nam Phi bỏ phiếu bác bỏ.
Một gái bán dâm đang "khoe hàng" bên ngoài một sân vận đồng ở Nam Phi. (Ảnh: Telegraph)
Điều cần xem: 10 sự cố bạo lực bài ngoại đã xảy ra trong năm nay ở Nam Phi, theo thống kê của một tổ chức giám sát độc lập. Bất kỳ sự cố tương tự nào xuất hiện trong dịp World Cup cũng là một tổn thất lớn đối với hình ảnh của Nam Phi.
Vấn đề nội tại của nước chủ nhà
Nam Phi đã rúng động vì các cuộc đình công. Thực tế đó từng khiến nhiều người lo ngại chúng sẽ đe doạ việc xây dựng các cơ sở phục vụ thi đấu World Cup. Hàng ngàn công nhân xây dựng tại các công trường xây sân vận động mới ở Nam Phi đã ngưng làm việc hồi tháng 7/2009 khi những cuộc thương lượng về tiền công sụp đổ. Tháng trước, các công nhân vận tải đã đình công hai tuần rưỡi trước khi chấp thuận đề nghị tăng 12% lương. Điều này đã khiến nền kinh tế của nước chủ nhà World Cup 2010 ước tính thiệt hại 3 tỉ USD. Tuy nhiên, trước sự tập chung chú ý của thế giới, chính phủ Nam Phi không còn cách nào khác ngoài việc phải nhượng bộ khi đàm phán.
Lao động không phải là lĩnh vực duy nhất bị ảnh hưởng bởi bạo loạn. Những người biểu tình phản đối việc di dời người nghèo của Pretoria để lấy chỗ cho các địa điểm tổ chức World Cup đã đổ ra đường hồi tháng 3. Những người chỉ trích cáo buộc Tổng thống Jacob Zuma đã dùng thảm che đậy cái nghèo khó trước khi hân hoan chào đón các du khách ngoại quốc giàu có tới nước này. Đám đông dân chúng phải di dời chỗ ở hiện đang phải nương náu tại các khu ổ chuột mà một số cư dân miêu tả là giống như trại tập trung.
Điều cần xem: Nam Phi sẽ mở màn World Cup năm nay bằng một trấn đấu với Mexico ngày 11/6.
-
Thanh Bình (Theo FP)