Bài viết của Mitch Moxley đăng trên Tạp chí Atlantic về lời thú của một doanh nhân nước ngoài dỏm được thuê để đại diện cho những công ty ngoại đang hoạt động tại Trung Quốc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ảnh minh họa. |
Cách đây không lâu, tôi nhận được một công việc làm chuyên gia quản lý chất lượng cho một công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc. Trước đó, tôi chưa hề nghe gì về công ty này. Không cần phải có kinh nghiệm, điều này thật tuyệt vì tôi chả có kinh nghiệm gì. Tôi được trả 1.000 USD mỗi tuần, ở trong khách sạn tuyệt hảo, được nhấm nháp rượu vang, ăn tối ở Đông Doanh, một thành phố công nghiệp ở tỉnh Sơn Đông, một tỉnh mà tôi cũng chưa hề nghe tiếng. Yêu cầu duy nhất của công việc là ăn diện bảnh chọe và mặc vét.
“Tôi gọi những thứ đó là: Những sự kiện của Gã da trắng thắt cà vạt", một anh bạn người Canada của một người bạn có tên Jake đã nhận xét với tôi như thế trong cuộc tuyển dụng ở Bắc Kinh - nơi tôi sống. "Về cơ bản, anh chỉ cần mặc vét, bắt tay và kiếm tiền. Chúng ta sẽ quản lý chất lượng, nhưng không có ai làm quản lý chất lượng. Anh sẽ làm chứ?".
Và tôi đã làm.
Rồi, tôi cũng trở thành một doanh nhân dỏm ở Trung Quốc, một dạng nghề sinh lời dành cho những người nước ngoài kém năng lực ở đây. Một người bạn, người Mỹ, làm cho một hãng phim đã được trả công để đại diện cho một công ty Canada phát biểu về tương lai ít các-bon. Một người khác đã bay tới Thượng Hải trong vai người mua quà tặng.
Thuê doanh nhân giả là một cách tạo hình ảnh - đặc biệt hình ảnh của sự kết nối mà các công ty Trung Quốc đang khao khát. Gia sư dạy tiếng Trung đã kinh ngạc khi biết chúng tôi được trả bao nhiêu tiền, và nhận xét: "Có những người nước ngoài mắc vét đẹp khiến công ty mát mày mát mặt".
6 người chúng tôi gặp nhau tại sân bay Bắc Kinh, Jake nói qua về nội dung. Chúng tôi đại diện cho một công ty có trụ sở tại California, đang xây dựng một cơ sở ở Đông Doanh. Nhiệm vụ của chúng tôi là hàng ngày tới thăm công trường xây dựng, tham dự các buổi lễ cắt băng đỏ, và chén chú chén anh. Trong buổi lễ, một trong số chúng tôi sẽ phát biểu với tư cách là giám đốc công ty. Nhiệm vụ đó rơi vào anh bạn Ernie, mới hơn 30 tuổi, già nhất nhóm và đã được in danh thiếp.
Đông Doanh là quê của Tôn Tử, tác giả cuốn Binh pháp nổi tiếng, và chỉ có vậy. Phong cảnh khô cằn, trống trải, nhà máy, xí nghiệp ở mọi hướng. Chúng tôi gặp Ken, một người Canada gốc Đài Loan, anh mặc áo jacket da, và nghe anh nói công ty của anh cũng được nhận thầu quản lý dự án đó.
Ở sảnh khách sạn của chúng tôi, ánh sáng lờ mờ và có mùi như mùi hải sản tệ hại. "Ít ra thì chúng ta cũng có tầm nhìn đẹp", Ernie tự an ủi khi mở rèm nhìn xuống một bãi phế liệu. Một chiếc xe tải bị "vặt" ra từng bộ phận và những chiếc lốp cũ chất thành đống. Một con chó ăng ẳng sủa.
Ken lái xe đưa chúng tôi tới những văn phòng tạm thời của công ty, những căn phòng nhỏ, sàn lát xi măng, tường sắt bao quanh. Chúng tôi tham quan cơ sở, sau đó trở về văn phòng, ngồi đó vài tiếng đồng hồ. Ngoài sân, chúng tôi có thể nghe Ernie nhẩm lại bài diễn văn của anh.
Sáng hôm sau là buổi lễ cắt băng chính thức. Sân khấu, thảm đỏ đã được dựng lên, bài trí gần công trường. Những cô gái xinh đẹp vận áo đỏ thêu rồng đứng xếp hàng chào khách, một bài hát Pop tiếng Trung vang lên trong loa. Dưới đường, cảnh sát mặc đồng phục màu vàng đang điều khiển giao thông. Ông thị trưởng đi cùng với những vật quyền cao chức trọng khác, và cả đoàn phóng viên, truyền hình...Chúng tôi đứng ở hàng đầu, mặc vét, ngoài mặc áo bảo hộ lao động và mũ cứng. Khi chúng tôi đợi buổi lễ bắt đầu, một đốc công đứng cạnh quát tháo đám công nhân ở công trường, họ đang nhốn nháo đằng sau đống giàn giáo.
“Anh là chủ à?", tôi hỏi anh ta.
Anh ta nhìn tôi một cách kỳ quặc và nói: "Anh mới là chủ".
Thực sự, Ernie là chủ. Sau màn giới thiệu ngắn, "Giám đốc" độc bài diễn văn trước trăm người tham dự. Anh ta ba hoa về danh sách dài ngoằng những khách hàng quốc tế của công ty, nhấn mạnh cái sự hạnh phúc khi được tham gia vào một dự án quan trọng như thế. Khi bài diễn văn kết thúc, hoa giấy nổ tung rợp sân khấu, pháo hoa nổ đì đùng trên khu đất bụi bặm bên cạnh, và Ernie đứng chụp ảnh cùng ông thị trưởng.
Vài ngày sau, chúng tôi ngồi trong văn phòng đập ruồi, đọc tạp chí, như thể kiểu nhân viên cao cấp tự thừa nhận của một công ty Mỹ, như sau này tôi phát hiện ra, là không hề tồn tại. Thực tế thì chúng tôi rất quan trọng đến mức 2 người đã được thuê ở lại 8 tháng (công bằng mà nói thì sau đó họ được đào tạo về quản lý chất lượng).
“Vô số thứ đang xảy ra", Ken nói: "Chúng tôi cần người đại diện mỗi tháng 1 tuần. Lần tới sẽ khá hơn. Chúng tôi sẽ có văn phòng mới". Anh ta ngừng một lúc trước khi nói thêm: "Mang theo máy tính đi, anh sẽ xem phim cả ngày đấy".
- Hồng Hà (Theo The Atlantic)