Yu Jin không sợ người chết nhưng đôi khi cô sợ sự biểu cảm hiện trên mặt thân nhân còn sống của người chết. Yu, 23 tuổi, chuyên đi thuyết phục mọi người hiến giác mạc sau khi họ qua đời hoặc hiến giác mạc của người thân đã mất.
TIN BÀI MỚI |
|
---|---|
"Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc là ba tiếng sau khi chết. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải mau chóng lấy nhãn cầu của người chết trong khi thân nhân họ vẫn đang đau buồn và bị chấn động. Tôi không thể quên nét mặt của họ".
Bất kể điều gì xảy ra, Yu nói, cô luôn biết, với những ai mất đi người thân yêu thì việc cô làm là hành động dã man. Yu nói, cô buộc mình phải nghĩ về những điều có ích trong tương lai, về những người đang tuyệt vọng chờ được cấy ghép. Kể từ năm 2008, Yu đã lấy thành công giác mạc của 30 người hiến tặng.
Yu kể, cô vẫn nhớ như in lần tiếp nhận giác mạc hiến tặng đầu tiên vào tháng 4/2008. Người hiến là Tang Lin, 89 tuổi, vừa qua đời và gia đình người chết đã ký vào văn bản đồng ý ngay khi Yu và các bác sĩ tới nơi. Khi họ chuẩn bị bắt tay vào việc, con trai người quá cố nói liệu họ có thể chỉ lấy giác mạc có được hay không.
"Chúng tôi phải lấy nhãn cầu khỏi hốc mắc", Yu nói, giọng trùng xuống. Yu cho biết, cô rất đau lòng khi phải nói với họ rằng nếu chỉ lấy đi giác mạc, chất lỏng sẽ chảy ra ngoài và phần còn lại sẽ bị hỏng.
Căn phòng lặng đi và mắt người con trai đầy nước, Yu kể. Chỉ mất 15 phút để hoàn tất thủ tục. Yu hỗ trợ các bác sĩ lấy nhãn cầu thật, lắp nhãn cầu giả vào và khâu mi mắt lại với nhau. Nhãn cầu của người quá cố sau đó được đưa tới viện, Yu ở lại với gia đình người quá cố nhưng không biết phải an ủi họ ra sao. "Tôi không biết là vui hay buồn khi nhận được cuộc gọi tới lấy giác mạc".
Yu chưa bao giờ nghĩ, cô lại đảm nhiệm một vai trò nhạy cảm như vậy. Ba năm trước đây, Yu mơ trở thành một y tá trong khi đi học tại thành phố quê hương ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 2007, Yu tìm được việc làm ở Bắc Kinh, là y tá tại bệnh viện Tongren - nơi nổi tiếng với khoa mắt. Vài tháng sau, giám đốc hỏi liệu cô có muốn trở thành người chuyên trách về hiến tặng giác mạc hay không. "Theo mô tả công việc, ngay lập tức, tôi thấy đây là một công việc rất khó. Có lẽ họ cho rằng tôi sẽ làm tốt vai trò này vì tôi có tài ăn nói".
Nhân viên chuyên trách về hiến tặng nội tạng đầu tiên của Trung Quốc xuất hiện vào năm 2003 tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Lĩnh vực này khá nhỏ và Yu phải cân nhắc rất kỹ trước khi nhận công việc đầy thách thức này.
"Tôi coi đó là một công việc thực sự", Yu tự nói với mình lúc đó. Tuy nhiên, không lâu sau, Yu thấy rằng công việc khó hơn mình tưởng tượng rất nhiều. "Ban đầu, tôi không thể ngủ. Tôi cứ nghĩ mãi về cách nói với người thân còn sống của người đã chết về chủ đề này. Nó giống như đi thi".
Yu thường dậy sớm và đi xe buýt tới hàng loạt bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe.
Ban đầu, Yu tiếp cận những bệnh nhân ốm nặng và người thân của họ, những người trông có vẻ tử tế và thân thiện. Cô nói chuyện với họ và dũng cảm đề cập tới vấn đề hiến nội tạng. Mọi người thường không có phản hồi tốt. "Ban đầu, tôi rất sợ hãi khi bị mọi người la mắng và gọi là đồ độc ác. Tôi không trách họ, tôi hiểu điều đó".
Theo truyền thống, người Trung Quốc cho rằng giữ toàn thây là dấu hiệu tôn trọng người quá cố. Với họ, hiến tạng là đi ngược với bản chất. Tại phương Tây, trong khi việc hiến tạng đã trở nên bình thường thì ở Trung Quốc, vấn đề này có khởi đầu khá khó khăn.
Yu nói, công việc dù không tiến triển lắm nhưng cô vẫn cố gắng. "Nếu một ngày tôi mất việc thì điều đó có nghĩa là mọi người tự nguyện hiến tặng giác mạc của họ mà không cần thuyết phục".
-
Hoài Linh (Theo ChinaDaily)