Fawzia cảm thấy mình không còn lối thoát. Lấy người anh họ từ năm 16 tuổi, suốt 3 năm đầu chung sống, cô thường xuyên bị chồng và gia đình chồng đánh đập trong ngồi nhà xiêu vẹo ở Paktia.
TIN BÀI LIÊN QUAN |
|
---|---|
Một y tá không làm được gì nhiều cho các bệnh nhân nữ, chỉ cố gắng an ủi họ bên giường bệnh (Ảnh: TIME)
Fawzia than khóc với cha mẹ đẻ, nhưng cũng chẳng ích gì. Cuộc sống hôn nhân đã quá sức chịu đựng, vì vậy mà sau khi chứng kiến anh chồng dùng súng đập vào đầu vợ, Fawzia đã làm cái điều mà cô đã dự định từ lâu: đổ dầu vào người rồi châm lửa.
Giờ Fawzia nằm trong bệnh viện để chữa trị các vết bỏng cấp độ 3 trên 35% cơ thể, chưa kể hai lá phổi đầy tro bụi. Ahmed Shah Wazir, bác sĩ điều trị cho Fawzia, cho rằng bệnh nhân này khó mà qua khỏi.
Điều tồi tệ là cô không phải trường hợp duy nhất ở Afghanistan hành động tiêu cực như vậy.
Theo Bộ Các vấn đề Phụ nữ Afghanistan, tổng cộng 103 phụ nữ đã tự thiêu trong khoảng thời gian từ tháng 3/2009 tới tháng 3/2010. Không ai nắm rõ con số thực tế, vì rất khó thu thập được số liệu ở đất nước này.
"Hơn 80% những trường hợp tự sát bằng cách này không thể cứu sống được", bác sĩ Wazir - trưởng khoa bỏng tại Bệnh viện Istiqlal ở Kabul - cho biết. Ông tin rằng, đa số những người như Fawzia đã không tới bệnh viện. Trong một số vụ, các gia đình quá xấu hổ hoặc sợ bị truy tố nên không dám trình báo.
"Có nhiều trường hợp vì danh dự, vì báo chí, mà không muốn tiết lộ những gì đã xảy ra", theo Selay Ghaffar, Giám đốc Tổ chức phi chính phủ Hỗ trợ nhân đạo cho Phụ nữ và Trẻ em (HAWCA) trụ sở ở Kabul. "Tôi chắc rằng có nhiều, rất nhiều trường hợp vẫn không được biết tới".
"Tôi đã tận mắt chứng kiến vài phụ nữ tự thiêu sống mình", mẹ của Fawzia kể trong nước mắt. Bà khẳng định rằng ở con gái bà không có biểu hiện gì bất thường. "Cách đây 4 tháng, một người ở làng tôi cũng tự thiêu chết mình".
Vài năm gần đây, cách tự tử gây sốc này được nhiều phụ nữ ở Afghanistan chọn để thu hút sự chú ý của dư luận trong bối cảnh có nhiều đồn đại rằng xu hướng này đang gia tăng.
Một số người, như bác sĩ Wazir, cáo buộc các chương trình truyền hình và phim ảnh của Iran đã lãng mạn hóa cái chết tự thiêu. Chẳng hạn trong bộ phim Bemani năm 2002, một cô gái tự hy sinh tính mạng để thoát khỏi một cuộc hôn nhân cưỡng ép.
Bác sĩ Wazir chỉ ra rằng, rất nhiều bệnh nhân của ông, trong đó có Fawzia, là người tị nạn trở về từ Iran. Trong khi đó, các nhà quan sát khác lập luận rằng thực tế từ lâu đã tồn tại một cách thức mà phụ nữ Afghanistan dùng để thoát khỏi những khổ đau mà họ phải chịu đựng.
Chính phủ Afghanistan khẳng định, số các vụ phụ nữ tự thiêu trong 5 năm qua đã giảm mạnh. Tuy vậy, tình trạng này vẫn khá phổ biến và không được quan tâm, với tương đối ít các nguồn lực được đổ vào để cải thiện tình hình.
Đa số phụ nữ Afghanistan phải chịu đựng một kiểu ngược đãi nào đó nhưng họ thường cam chịu. (Ảnh: TIME)
"Chỉ có 7 khu nhà an toàn ở Afghanistan để bảo vệ các nạn nhân của bạo lực", theo Selay Ghaffar. Tổ chức do Ghaffar làm giám đốc điều hành một khu như vậy cùng một đường dây tư vấn và một số trung tâm hỗ trợ về pháp lí. Tuy nhiên, bà cho biết, phần lớn đất nước Afghanistan - đặc biệt là ở khu vực phía nam và phía đông đầy bất ổn - vẫn không hề có bất cứ một dịch vụ nào.
"Không có lấy một ngôi nhà an toàn đơn lẻ nào, cũng chẳng có trung tâm tư vấn pháp lý trong khi có rất nhiều trường hợp cần được bảo vệ".
Theo bà Ghaffar, ngay cả khi các vụ lạm dụng trong gia đình được thừa nhận thì xã hội Afghanistan vẫn đổ lỗi lên đầu phụ nữ - cô ấy không đứng đắn, không cư xử như một người mẹ tốt hoặc một người vợ đảm. Và đó lý do người chồng cho rằng anh ta có quyền đánh đập vợ mình".
Ghaffar cho rằng đa số phụ nữ Afghanistan vẫn phải chịu đựng một kiểu lạm dụng tại gia nào đó nhưng họ đều giữ kín trong lòng.
Nằm cạnh giường bệnh của Fawzia là Amina 14 tuổi. Cổ và người cô bé trông rất thảm: da tróc, ướt ướt đỏ đỏ nước ứa ra. Amima nhăn nhó than mình đã "chán ngấy cuộc sống và phải tìm đến cái chết" để giải thoát khỏi khổ đau. Cô bé này lấy chồng khi mới 11 tuổi. Không như Fawzia, người hành hạ cô lại là một phụ nữ - vợ cả của anh chồng.
"Có lúc bà ấy đánh tôi, giật tóc tôi và không cho tôi lấy nước từ vòi bơm", Amima kể. Cô và chị dâu lâm vào cảnh phải giành nhau miếng cơm manh áo vì nhà họ rất nghèo, có tới 4 gia đình hạt nhân cùng sống trong một nhà.
Theo bà Ghaffar, những gì phụ nữ ở Afghanistan cần khẩn thiết nhất không chỉ là luật pháp và các dịch vụ bảo vệ họ mà còn cả ý thức rằng họ có một con đường thoát khổ - thông qua tư vấn, li dị, các khu nhà an toàn và nhiều biện pháp khác. "Khi họ nghĩ không còn lựa chọn nào khác, họ sẽ tự thiêu sống mình", bà Ghaffar quả quyết.
- Thanh Hảo (Theo Time)