Ngày càng nhiều người giàu ở Trung Quốc xin thường trú ở các nước phương Tây theo các chương trình cho phép nhà đầu tư nhiều tiền "mua" tư cách công dân.
TIN BÀI LIÊN QUAN |
|
---|---|
Nhiều người giàu Trung Quốc nói rằng kiếm đủ tiền để sang phương Tây không hề khó. (Ảnh: BBC)
Số nhà đầu tư Trung Quốc được cấp quyền thường trú ở Canada đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 2 năm. Ottawa giờ đã phải tạm dừng giải quyết tất cả các đơn xin theo chương trình nhà đầu tư nhập cư liên bang để bàn thảo kế hoạch tăng gấp đôi khoản tiền cần thiết để được cấp thị thực.
Tuy nhiên, những người nộp đơn vẫn được phép xin thường trú theo một kế hoạch do tỉnh Quebec thực hiện.
Và tại các hội thảo do các công ty tư vấn thị thực tổ chức ở Trung Quốc, các nhà tư vấn khuyến khích mọi người nộp đơn trước khi Quebec cũng bắt đầu tăng gấp đôi các yêu cầu tối thiểu để phù hợp với các đề nghị của chính phủ liên bang.
Tiền mặt và kinh nghiệm
Vào một buổi chiều mưa thứ Bảy, trong phòng hội nghị của một khách sạn 5 sao ở Thượng Hải, hơn 30 "ứng viên đầu tư" tiềm năng tới để nghe giải thích cách thức "đổi" tiền mặt lấy một tấm hộ chiếu nước ngoài.
Nhiều người trong số họ ở độ tuổi 30. Cũng có một số cặp vợ chồng trẻ. Một vài người ăn diện rất lịch sự. Đa số là dân chuyên nghiệp. Họ dường như là một bộ phận tiêu biểu của tầng lớp trung lưu giàu có ở Thượng Hải.
Họ được chiếu cho xem một băng hình mà công ty thị thực dựng để quảng bá hình ảnh Canada và dịch vụ xin visa vào đất nước này.
"Bạn không phải lo về hòa nhập", trích lời bình trong đoạn video. "Bạn thậm chí chẳng cần biết tiếng Anh".
Sau đó, các tư vấn viên bắt đầu giảng giải chi tiết.
Chương trình của Quebec yêu cầu các ứng viên phải chứng minh họ có tài sản ròng là 800.000 Đôla Canada (tương đương 776.000 USD) và phải dành một nửa số tiền đó để đầu tư. Các ứng viên cũng cần phải chứng minh đã có 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý.
Các yêu cầu khác
Các tư vấn viên khẳng định như vậy là tương đối rẻ so với sang Anh, nước yêu cầu các nhà đầu tư phải đầu tư 1 triệu bảng (1,5 triệu USD) trong vòng 5 năm.
Tất nhiên có nhiều ý kiến trái chiều, cả tán thành lẫn phản đối các dự án như trên của các nước.
Quá trình xin thường trú ở Canada hiện nay tốn khoảng 2 năm rưỡi. Tuy nhiên, các yêu cầu về tài chính của nước này hiện là thấp nhất trên thế giới.
Mỹ yêu cầu các ứng viên phải đầu tư 1 triệu USD vào một doanh nghiệp với điều kiện tạo ra ít nhất 10 công việc mới. Các đơn xin được xem xét trong một năm rưỡi.
Tiến trình này ở Anh là ngắn nhất, có thể chỉ 3 tháng, theo các nhà tư vấn thị thực tại hội thảo. Và không có phỏng vấn; nhưng tất nhiên là tốn kém nhất.
"Thông thường, các ứng viên là chủ doanh nghiệp hoặc nhà quản lý cấp cao", trích lời Vincent Chen, một tư vấn viên cấp cao cho Tập đoàn Tư vấn Visa. "Độ tuổi trung bình là từ 40 tới 45 nhưng ngày càng có nhiều người trẻ hơn".
Dễ thành công
Canada không thay đổi các yêu cầu của chương trình "nhà đầu tư nhập cư" kể từ năm 1991. "Hồi đó, 800.000 đôla Canada là một con số khổng lồ", Chen giải thích. "Còn giờ đây, với sự tăng nhanh trong giá địa ốc ở các thành phố như Thượng Hải, rõ ràng không phải điều quá khó để đạt được. Đó là lý do bạn chứng kiến số người được cấp quyền cư trú lâu dài tăng gấp đôi".
Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác nữa. Những người tới tham gia hội thảo thường có bạn bè đã nhập cư từ trước đó.
David Lu, 38 tuổi, một nhà quản lý trong một công ty viễn thông, đã tới hội thảo để tìm hiểu thêm về cách thức nhập cư tới Canada. Cuối phiên thảo luận, anh hăng hái điền vào các mẫu đơn.
Lu có nhiều lý do để rời đi. Anh có một vài người thân đang sống ở Canada. Trong các kỳ nghỉ ở đó, anh được sống trong bầu không khí ít ô nhiễm. Và, theo Lu, người Canada "thoải mái hơn nhiều" so với người Trung Quốc.
Một lý do nữa Lu đưa ra để giải thích cho quyết định rời đất nước đông dân nhất thế giới mà anh đang sống. "Ở đây người ta ghét bạn nếu bạn có tiền, và người giàu thì bắt nạt người nghèo".
Một vấn đề nữa mà Lu quan tâm là chăm sóc sức khỏe. "Tôi không nghĩ rằng ai đó thích ra nước ngoài sống lại lo về chi phí. Điều mà chúng tôi muốn là chất lượng chăm sóc y tế tốt hơn".
Một góc khu China Town ở Toronto.
Chảy máu chất xám
Fabio Xu, 30 tuổi, điều hành một công ty sơn ở Thượng Hải. Anh muốn tới Mỹ "bởi vì chăm sóc y tế ở đó tốt hơn, các cơ hội giáo dục cho con trẻ cũng tốt hơn".
"Ở Trung Quốc, tất cả tiền tôi có dành để thế chấp, thực phẩm, quần áo và đi lại", Xu tâm sự. "Nhưng ở Mỹ, nhìn chung là tự do hơn. Tôi sẽ có thể phát triển bản thân một cách sáng tạo hơn".
Một số học viện ở Trung Quốc lo ngại rằng nước này đang mất đi những công dân thông minh nhất, tài năng nhất và cả những khoản tiền khổng lồ.
Năm ngoái, 1.823 nhà đầu tư đã được cấp tư cách công dân ở Canada theo chương trình nhà đầu tư nhập cư. Ngay cả nếu họ phải đầu tư "một khoản tối thiểu" như yêu cầu thì có nghĩa là 700 triệu USD đã được mang khỏi Trung Quốc.
"Trung Quốc đang để mất những nhân tài mà họ thực sự cần", theo Tiến sĩ Wang Huiyao, Tổng giám đốc Trung tâm vì Trung Quốc và Toàn cầu hóa. "Khi Trung Quốc cố gắng phát triển nền kinh tế và thay đổi từ "được sản xuất ở Trung Quốc" sang "được tạo ra ở Trung Quốc", đất nước này cần những người như vậy để xây dựng đất nước.
Liên lạc về Trung Quốc
Tiến sĩ Wang tin rằng, nhiều người muốn một tấm hộ chiếu nước ngoài còn bởi vì quá khó để di chuyển tự do khắp thế giới bằng giấy tờ Trung Quốc.
Vì vậy, một phụ nữ ở hội thảo muốn biết bao lâu thì cô có thể nhận được tấm hộ chiếu Canada của mình, để cô có thể trở về nhà ở Trung Quốc.
Đối với cô gái này, dường như động cơ không phải là một ngôi nhà mới ở nước ngoài mà có được hộ chiếu sẽ làm cho cuộc sống thuận tiện hơn.
Một nhà ngoại giao phương Tây đưa ra một cách giải thích khác về con số tăng vọt những người nộp đơn xin visa.
Internet có nghĩa là bạn có thể sống ở nước ngoài nhưng vẫn ở bên Trung Quốc. "Bạn có thể thức dậy mỗi sáng và mở trang Nhật báo Nhân dân Trung Quốc trên mạng trong khi ăn sáng. Bạn có thể mua bán chứng khoán trên Sàn Thượng Hải chỉ bằng một cái click chuột. Bạn cũng có thể tán gẫu cả ngày với người thân một cách thoải mái trên Skype hoặc điều hành doanh nghiệp của mình từ xa".
Điểm mà ông muốn nhấn mạnh là nhập cư không còn là sự chia ly đầy nước mắt như xưa. Nhu cầu hội nhập vào đất nước mới vì những lý do thiết thực không còn quá lớn như trước và bản thân nó cũng có thể tạo ra những thách thức lớn cho xã hội phương Tây.
- Thanh Hảo (Theo BBC)