Phụ nữ Trung Quốc thường tự hào về khả năng "nuốt đắng" của mình song mỗi người đều có mức chịu đựng đỉnh điểm của mình. Một khi, quá giới hạn họ tìm tới giải pháp kinh khủng: một cái chết sùi bọt mép- tự vẫn bằng thuốc trừ sâu.
TIN BÀI MỚI |
|
---|---|
Thuốc trừ sâu và cái chết tức tưởi
Trong nhiều gia đình ở nông thôn Trung Quốc, một lọ thuốc trừ sâu thường nằm trong khu nhà phụ. Thậm chí là, sau khi gặt hái, những người nông dân cũng không vứt đi phần còn lại. Dù Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cam kết tạo dựng một xã hội hòa hợp bằng cách cải thiện cuộc sống và rút ngắn khoảng cách giữa những thành phố giàu có với miền quê nghèo khổ thì việc sống ở vùng nông thôn vẫn đòi hỏi tằn tiện.
Mặc dù thuốc trừ sâu vốn đảm bảo cho một vụ mùa tốt, nhưng nó cũng gây ra những nỗi buồn phiền. 60% số các vụ tự vẫn ở Trung Quốc có liên quan tới uống thuốc trừ sâu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết. Theo một báo cáo năm 2009 của WHO, có mối liên quan giữa tư tưởng tự vẫn với việc nhiễm các loại thuốc trừ sâu organophosphate - vốn thường được sử dụng tại Trung Quốc.
Phụ nữ nông thôn Trung Quốc, rất dễ có được thuốc trừ sâu, thường là những người bị cô lập về mặt xã hội, bị những nghĩa vụ phong kiến và cả những căng thẳng thời hiện đại đè nặng. Họ là đối tượng dễ tổn thương.
Kết quả một cuộc nghiên cứu do Michael Phillips, giám đốc điều hành Trung tâm ngăng ngừa tự vẫn của WHO tiến hành và được đăng tải trên tạp chí y học The Lancet của Anh hồi tháng 3/2002 cho thấy, từ năm 1995 tới 1999, tự vẫn là nguyên nhân số 1 gây ra cái chết cho những người Trung Quốc trẻ tuổi, từ 15-34 tuổi. Tỷ lệ tự tử ở nông thôn cao gấp 3 lần ở thành thị và số phụ nữ quyên sinh cao hơn 25% so với nam giới, điều này khiến Trung Quốc là một trong vài nước có sự khác biệt so với phần đông các quốc gia còn lại trên thế giới. Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới có tỷ lệ tự vẫn ở nữ cao hơn ở nam.
Trên thế giới, hiện có nhiều nước đã cấm sử dụng rộng rãi thuốc trừ sâu.
Đằng sau những cái chết sùi bọt
Trên toàn thế giới, số lượng phụ nữ định tự tử cao hơn nam giới, 3 nữ/1 nam song tỷ lệ đàn ông tự vẫn và chết lại thường cao hơn phụ nữ. Tuy nhiên, ở Trung Quốc số phụ nữ bỏ mạng vì tự vẫn lại cao hơn vì họ sử dụng một cách rất hiệu quả: thuốc trừ sâu. "Ở phương Tây, bạn có thể uống vài viên Valium hay ER, bạn lả đi rồi về nhà nhưng ở Trung Quốc, bạn chỉ cần uống nửa cốc thuốc trừ sâu và chết hai tiếng sau đó", Phillips nói. Sau khi báo cáo của Phillips được công bố, khoảng cách lạ lùng về giới trong các vụ tự vẫn đã trở thành tiêu đề được chú ý trên toàn thế giới.
Phụ nữ Trung Quốc thường tự hào về khả năng "nuốt đắng cay" song mỗi người đều có điểm chịu đựng đỉnh điểm của mình. Ở phương Tây, 90% các vụ tự vẫn xảy ra ở cá nhân đều liên quan tới những căn bệnh thần kinh lâu dài. Tuy nhiên, ở Trung Quốc 40% những người tự tử song vẫn sống sót đều chỉ nghĩ về việc tự giết mình 5phút trước khi hành động, 60% cho biết, cân nhắc tự vẫn trong chưa đầy hai tiếng. Và, một khi đã uống thuốc, nhiều bác sĩ ở vùng nông thôn, không có nhiều thiết bị cứu chữa, rất khó cứu mạng sống cho những người đã uống thuốc sâu.
Tuy nhiên, có những bằng chứng cho thấy, cuộc khủng hoảng tự vẫn của các phụ nữ Trung Quốc đang giảm bớt. Cuộc nghiên cứu tiến hành năm 2008 của ông Phillips cho thấy, trong vòng hai thập niên qua, số các vụ tự hủy hoại bản thân ở Trung Quốc đã giảm 57% ở nhóm phụ nữ nông thôn. Các chuyên gia cho rằng đó là do khó kiếm thuốc trừ sâu.
Trong nhiều năm liền, WHO đã kêu gọi Trung Quốc cấm thuốc những loại thuốc trừ sâu độc. Năm 2008, Bộ Nông nghiệp đã ban hành quy chế mới về thuốc trừ sâu song hiện không rõ nó được thực thi như thế nào. Trong khi chờ đợi, trung tâm của Phillips tại Bắc Kinh đã đặt 10.000 chiếc thùng có khóa chuyên để đựng thuốc trừ sâu ở tỉnh Thiểm Tây nhằm giảm cơ hội lấy được chất độc. Một chương trình tương tự cũng được triển khai ở Sri Lanka và cho kết quả khả quan ban đầu. Ngoài ra, ngày càng có nhiều phụ nữ Trung Quốc bỏ công việc nhà nông để tìm kiếm cơ hội ở thành phố, vì thế, họ cũng dần rời xa tiếng gọi chết người từ thuốc trừ sâu.
Khi muốn tự tử, phụ nữ nông thôn Trung Quốc rất dễ tìm được thuốc trừ sâu. |
Tỷ lệ tự vẫn ở Trung Quốc tụt giảm có thể là do mạng lưới xã hội được mở rộng, sự giải phóng xã hội và kinh tế tăng lên. Vì tự vẫn ở Trung Quốc là kết quả của một hành động bốc đồng thay vì sự ức chế lâu dài nên các nhà hoạt động vì sức khỏe nữ giới nhấn mạnh, những phụ nữ bị cô lập đòi hỏi sự trợ giúp xã hội. Theo truyền thống, khi một phụ nữ ở nông thôn kết hôn, cô ta sẽ rời quê hương, gia đình và bạn bè để tới sống với nhà chồng. Việc này tạo nên sự bất cân bằng giới và cô lập người phụ nữ đó, Xu Rong, người đứng đầu Dự án ngăn ngừa tự tử thuộc Trung tâm phát triển văn hóa vì phụ nữ nông thôn ở Bắc Kinh.
Khi một cặp vợ chồng gặp khúc mắc, gia đình chồng luôn đứng về phía anh ta, cho dù, anh chồng này ngược đãi vợ, Xie Lihua, biên tập viên sáng lập tạp chí Phụ nữ Nông thôn. Ông Xie ước tính, 70% các vụ tự vẫn ở nông thôn là kết quả của xung đột gia đình. Khái niệm, nhà là nơi riêng tư đã ngăn phụ nữ tìm kiếm sự giúp đỡ ở bên ngoài.
Phụ nữ uống thuốc trừ sâu trong giờ phút khủng hoảng vì họ không có nơi nào để giải tỏa cảm xúc, không tìm được sự thông cảm, ông Xu cho biết. Tổ chức của ông Xu đã lập các nhóm hỗ trợ cho phụ nữ nông thôn ở đông bắc Trung Quốc. Trong phút giận dữ vì người chồng lừa dối, mùa vụ thất bại, mẹ chồng cay nghiệt, người phụ nữ muốn chấm dứt tất cả thì có một nơi để giãi bày và có được chiến lược giải pháp vấn đề cũng đồng nghĩa với sự khác biệt giữa sống và chết.
Sự hiện đại hóa về kinh tế và xã hội ở Trung Quốc giúp phụ nữ nông thôn có nhiều cơ hội được tiếp xúc với nền giáo dục, công nghệ, việc làm và thậm chí là cả ly dị. Tuy nhiên, các nhà phê bình tuyên bố, các cấp chính quyền nhà nước và địa phương vẫn cần tích cực hơn trong cuộc chiến chống tự vẫn. Theo giám đốc Trung tâm khủng hoảng tâm lý Nam Kinh Zhang Chun, Trung Quốc không thể đưa ra một chương trình ngăn ngừa tự vẫn cấp quốc gia và chính quyền địa phương chỉ tập trung vào tăng trưởng GDP.
"Khi tôi liên kết các sự việc với nhau vào năm 2004, một quan chức địa phương đã cảnh báo tôi rằng đừng biến Nam Kinh thành một thành phố bi kịch vì nó có tác động tiêu cực lên không khí đầu tư", ông Zhang nói. "Chính phủ cần tập trung hơn nữa vào sinh kế của người dân, cho phép mọi người sống có phẩm giá".
-
Hoài Linh (Theo DBeast)