Lực lượng cứu hộ trong lúc dùng tay không để đào bới lớp bùn dầy sau trận lở đất ở một thị trấn Trung Quốc đã tìm thấy một người đàn ông bị mắc kẹt suốt 50 giờ.
TIN BÀI MỚI |
|
---|---|
Người dân Trung Quốc ngồi cạnh một tòa nhà bị động đất phá hủy ở Zhouqu, tỉnh Gansu, để chờ tin tức người thân mất tích. (Ảnh: AP) |
Đây là một thông tin tốt lành trong bối cảnh lực lượng cứu hộ ở ba nước châu Á đang nỗ lực cứu các nạn nhân lũ lụt.
Người đàn ông 52 tuổi bị kẹt bên trong một tòa nhà chung cư bị đất lở san phẳng ở tỉnh Gansu, tây bắc Trung Quốc. Trận lở đất này đã cướp sinh mạng của hàng trăm người và khiến hơn 1.100 người khác mất tích, theo hãng tin Tân Hoa.
Các nhân viên cứu hộ mang theo chó nghiệp vụ đã phát hiện ra người đàn ông nói trên. Nạn nhân rất yếu nhưng vẫn thở bình thường.
Ở Pakistan, Liên Hợp Quốc cho hay, con số 13,8 triệu dân bị ảnh hưởng bởi đợt lụt tồi tệ chưa từng có, theo ước tính của chính phủ nước này, còn lớn hơn so với cả ba cơn thiên tai lớn gần đây cộng lại - sóng thần 2004 ở Ấn Độ Dương, động đất năm 2005 ở Kasshmir và trận động đất năm 2010 ở Haiti.
Lụt lội đã phá hủy hàng nghìn ngồi nhà ở Pakistan, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. (Ảnh: AP) |
Trong khi đó, nhân viên cứu hộ ở vùng núi hoang vắng thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã phát hiện thêm nhiều thi thể nữa, nâng tổng số người thiệt mạng trong các trận lũ quét lên 165.
Hàng nghìn binh sĩ quân sự và bán quân sự đã phải cật lực dọn đường và dỡ bỏ đống đổ nát của hàng trăm ngôi nhà bị san phẳng ở khu vực Ladakh. Vẫn còn khoảng 200 người mất tích, theo trung tá J. S. Brar - một phát ngôn viên quân đội.
Khi các tuyến đường được khơi thông, gần 300 người di tản tới vùng đất cao hơn nay đã trở về nhà, ông Brar cho hay.
Ở Trung Quốc, tổng số người chết vì lở đất ngày 9/8 ở Gansu đã lên tới 337. Một con sông tức nước vỡ bờ, cuốn trôi tất cả các làng mạc chân núi ở Zhouqu, san phẳng nhiều nhà cửa.
Một người sống sót ở Gansu là Yang Zhukai, đã bắt đầu một công việc mà ông không hề mong muốn: đóng quan tài cho khoảng 20 người thân chết vì đất lở. "Tất cả những quan tài này đều là cho người thân của tôi, những người chết vì lở đất. Không bao giờ ngờ được lại có một trận lở đất lớn đến như vậy. Chẳng còn gì. Tôi may mắn giữ được mạng sống. Còn người thân của tôi, trên dưới hai chục người, đều đã chết cả".
Trên toàn khu vực, thi thể các nạn nhân xấu số được quấn trong chăn và cột vào các cây gậy, đặt trên những con đường đã bị cày nát.
Vẫn còn hàng nghìn người mất tích vì lở đất ở Gansu, tây bắc Trung Quốc. (Ảnh: THX) |
Trong hôm nay, các nhà chức trách Trung Quốc đã nhóm họp để bàn bạc công tác cứu hộ cứu nạn. Họ xác định "đây là thời điểm quyết định đối với các hoạt động cứu người, cứu trợ, và phải làm hết sức để bảo vệ cuộc sống và tài sản của nhân dân".
Chính phủ Trung Quốc cho hay, 1.148 người mất tích trong khi khoảng 45.000 người đã được sơ tán. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người mất tích bị đe dọa tính mạng hoặc đơn giản là mất liên lạc trong lúc các nhân viên cứu hộ phục hồi các tuyến giao thông liên lạc trong khu vực.
Trong khi đó, mưa được cho là sẽ tiếp tục hoành hành tại khu vực thêm 3 ngày nữa, theo Cơ quan Khí tượng Thủy văn Trung Quốc. Lều bạt, chăn màn, thực phẩm và nước uống đang được đưa tới vùng bị cô lập một cách khẩn trương, gây ra ùn tắc giao thông trên một số đoạn đường.
Từ đầu năm đến nay, lũ lut ở Trung Quốc đã giết chết hơn 1.100 người, gây thiệt hại hàng chục tỷ đôla khắp 28 tỉnh và khu vực. Chỉ tính riêng ở tỉnh Jilin thuộc miền bắc, gần 2 triệu người đã phải sơ tán vì lụt. Khoảng 150.000 người khác được sơ tán ở tỉnh Shandong dọc sông Hoàng Hà.
Còn ở Pakistan, hai tuần lụt lội đã giết chết 1.500 người. "Có vẻ như số người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này cao hơn so với động đất ở Haiti, sóng thần ở Ấn Độ Dương và động đất năm 2005 ở Kasshmir. Và nếu đúng như ước tính của chính phủ thì con số đó bằng cả ba thảm họa cộng lại", theo Maurizio Giuliano, phát ngôn viên của Cơ quan Phối hợp Các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ cho hay, ở CHDCND Triều Tiên, khoảng 10.000 người phải tới trú ẩn trong các tòa nhà công cộng ở thành phố Sinuiju giáp biên giới với Trung Quốc do lụt lội. Lũ quét đã phá hủy hàng nghìn ngôi nhà ở khắp đất nước nghèo đói này và sông Amnok chịu mực nước cao kỷ lục trong vòng 15 năm qua.
- Thanh Hảo (Theo AP)