Xung đột kéo mấy thập niên qua ở Iraq đã khiến cho số quả phụ vượt quá con số 1 triệu người. Hãy cùng lắng nghe những người trong cuộc kể về niềm tin và nỗi sợ tương lai của họ.
TIN BÀI LIÊN QUAN |
|
---|---|
Nahla al-Nadawi, 44 tuổi, Giảng viên Đại học Baghdad
Ngày tôi phải nuốt nước mắt chôn chồng mình là ngày cay đắng nhất cuộc đời. Nhưng tôi biết mình không được phép đau khổ vì còn phải chăm sóc đứa con trai bị tự kỷ.
Chồng tôi, Mohammad, là một bác sĩ phẫu thuật và là một người tị nạn ở Đức. Ngay sau khi chế độ thay đổi năm 2003, anh ấy trở về quê hương. Vào giữa tháng 4/2007, một vụ nổ xảy ra trên cầu al-Jadiriyah ở Baghdad gây thương vong lớn. Có 10 thi thể hoàn toàn nát bét và một trong số đó là chồng tôi.
Aseed, con trai tôi, hàng ngày vẫn nằm ngủ trên ngực bố, cảm thấy ngay lập tức cái chết của cha. Trong nhiều ngày liền, nó trốn trong tủ quần áo. Nếu như có điều gì tốt đẹp đến sau cái chết của cha thì có lẽ nó mới có thêm quyết tâm để đối mặt với cuộc sống.
Tôi cảm thấy chồng tôi vẫn ở bên cạnh mẹ con tôi. Anh ấy là một cây bút, một nhà lý luận và một họa sĩ. Vì vậy, tôi cảm thấy anh ấy chỉ chết về thể xác mà thôi, còn công việc của anh vẫn đồng hành cùng chúng tôi.
Để thoát ra khỏi khủng hoảng, tôi đã phải vượt lên trên bản thân để tiếp tục cuộc sống này. Với sự giúp đỡ của bạn bè, tôi đã nhận công việc thứ hai và tư vấn cho những góa phụ khác về nghệ thuật sống sau vận hạn đen đủi.
Thực tế là tôi đang giúp chính mình, bởi vì tôi vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng của bản thân.
Elham Mahdi, 42 tuổi, nội trợ ở Baghdad
Một vụ đánh bom xe buýt đã biến Elham Mahdi thành góa phụ.
Tôi là một người mẹ, kiêm luôn vai trò làm cha của 4 đứa trẻ kể từ khi chồng tôi chết trong một vụ đánh bom xe buýt khi anh đang trên đường đi làm.
Anh ấy rời nhà lúc 8h sáng tới chợ Shorja ở Baghdad để bán hàng. Nhưng cuộc đời chồng tôi đã kết thúc chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ.
Chúng tôi được chính phủ bồi thường nhưng họ không bao giờ có thể bù đắp được cho lũ trẻ sự mất đi của một người cha.
Mặc dầu chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ từ một tổ chức ở địa phương, họ cho các con tôi tiền trợ cấp hàng tháng, quần áo cho lễ Eid... nhưng cuộc sống vẫn khó khăn lắm. Tôi cần nhiều tiền hơn để trang trải cho cả gia đình.
Razan Othman Mohammed, 29 tuổi, công nhân ở Baghdad
Chồng của Razan Mohammed thiệt mạng trong một vụ nổ. |
Một câu chuyện tình kéo dài 10 năm nhưng chỉ một phút đã khiến tôi mất chồng. Trở lại năm 2008, chồng tôi và một đứa trẻ họ hàng mồ côi 5 tuổi cùng với tôi trở thành nạn nhân của một vụ nổ bom ở chợ. Khi các bác sĩ đến nơi, kẻ tấn công lại cho nổ một quả bom nữa. Tôi bị bất tỉnh lúc đó vì bị dính nhiều mảnh đạn. Còn chồng tôi chết vì bị thương quá nặng. Đứa trẻ thì bị thương nặng và giờ trở thành tật nguyền, không đi lại được.
Tôi trải qua 5 lần phẫu thuật sau vụ nổ. Cũng phải 3 tháng sau tôi mới biết chồng mình đã qua đời. Các bác sĩ khuyên người nhà giấu tôi tin dữ. Kể từ đó tôi về nhà sống với cha mẹ đẻ và tự chăm sóc mình. Dù sao tôi cũng vẫn chưa có con nên còn khá, chứ những góa phụ phải nuôi con nhỏ nữa mới khổ. Ai sẽ giúp họ đây?
Adawyia Mutar Hussein, 40 tuổi, Najaf
Adawyia Hussein hiện đang vật lộn mưu sinh cùng hai con gái. |
Tôi mất chồng khi đang mang bầu con gái của chúng tôi, giờ nó đã 6 tuổi rồi. Nó mất cha khi còn chưa chào đời.
Chồng tôi bị giết năm 2004 trong một vụ xung đột gia đình, để lại cho tôi hai con gái phải chăm sóc. Tôi đã cố gắng xin giúp đỡ nhưng không được, từ cả chính phủ lẫn gia đình mình.
Nguồn thu nhập đầu tiên của tôi là từ những người hàng xóm tốt bụng. Thỉnh thoảng họ lại quyên tiền cho tôi. Nguồn thu nhập thứ hai của tôi là từ công việc dọn dẹp ở các đám cưới và nơi tiệc tùng.
Một nửa số tiền tôi có được đổ vào thuê căn nhà mà tôi đang sống, chỉ có một phòng. Tôi hiện đang sống với hai con gái và một đứa cháu trai mồ côi 35 tuổi bị tật nguyền.
Chúng tôi chỉ muốn chính phủ cho một thứ duy nhất: một mảnh đất nhỏ để dựng một ngôi nhà đơn sơ cho tất cả chúng tôi chung sống.
Huda Abd al-Hafith, 37 tuổi, Baghdad
Chồng của Huda Hafith qua đời năm 2007. |
Tôi là mẹ của bốn đứa trẻ có cha làm nghề lái xe taxi. Một ngày nọ anh rời nhà đi làm và không bao giờ về nữa. Sau bốn ngày không thấy anh đâu, tôi đi tìm và thấy xác chồng tại bệnh viện địa phương.
Tôi giờ sống với bốn đứa con ở căn nhà thuê chỉ đủ chỗ cho một chiếc giường sau khi tôi bị đuổi khỏi ngôi nhà cũ. Tôi nhận được một chút ít tiền trợ giúp từ chính phủ, khoảng 150.000 dinar một tháng (125 USD) nhưng số đó còn không đủ tiền thuê nhà hàng tháng.
Tôi làm việc tại nhà vì tôi không thể để lũ trẻ một mình khi chúng còn bé thế. Tôi tự làm và bán bánh mì, thức ăn cho những người hàng xóm.
Tôi không nghĩ đến chuyện tái giá. Giờ tôi chỉ chú tâm lo lắng cho bọn trẻ mà thôi.
Majda al-Basrah, 60 tuổi
Majda al-Basrah hiện đang làm nghề thợ may để kiếm sống. |
Cú sốc vì nhập cư bất thành tới Đức năm 1995 đã dẫn tới cái chết của chồng tôi. Chúng tôi mất tất cả - công việc, nhà cửa và tiền bạc. Năm đó, tình hình ở Iraq rất khó khăn. Tôi gặp khó khăn trong công việc chủ yếu là do tôi từ chối trở tham gia Đảng Baath (đảng cầm quyền khi đó).
Chúng tôi quyết định tới Jordan và từ đó chuyển tới Đức, thế nhưng chúng tôi không xin được thị thực. Do những khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt ở Jordan, chúng tôi quyết định trở về Iraq để bắt đầu lại từ đầu.
Chúng tôi mua một căn nhà nhỏ, đồ đạc cũng sơ sài vì chỉ còn rất ít tiền. Nhưng một năm sau, chồng tôi qua đời, một phần vì chịu nhiều căng thẳng và áp lực cuộc sống.
Hiện giờ, tôi sống một mình và làm nghề may.
- Thanh Hảo (Theo BBC)