Cô bé osin mới 12 tuổi chết vì những vết thương khó lý giải mà em phải hứng chịu trong ngôi nhà của người chủ giàu có và quyền lực. Cái chết giống như một sự bất công cay đắng. Vụ việc đã gây chấn động cả Pakistan hồi đầu năm nay.
TIN BÀI MỚI |
|
---|---|
Shazia chết khi đang làm osin |
Người chủ lao động sử dụng Shazia Masih là một luật sư, cựu chủ tịch Hội luật sư Lahore, cho hay, cô bé rơi từ trên cầu thang xuống và chết hôm 22/1 do những biến chứng của một căn bệnh ngoài da. Gia đình Masih thì khẳng định, cô bé bị hành hạ. Người chủ hiện vẫn bị giam trong khi cảnh sát điều tra cáo buộc của gia đình nạn nhân.
Tấm gương phản chiếu sự bất lực của người nghèo
Bất kể vụ việc là như thế nào, cái chết của Shazia Mash, cô gái bé nhỏ xuất thân từ một gia đình nghèo, cũng nhắc nhở mọi người về sự bất lực của tầng lớp người nghèo tại Pakistan.
Nhiều gia đình Pakistan giàu có đã thuê trẻ em làm hầu gái để giúp con họ. Đây là một việc khá phổ biến và không bị luật pháp Pakistan nghiêm cấm. Những con người bé nhỏ, luôn ở trong bóng tối, bên rìa những bữa tiệc sinh nhật hay các cuộc đi ăn đêm ở nhà hàng chính là những osin trẻ. Nhóm các osin này, rất hiếm người kiếm được hơn 50 USD/tháng, đã chiếm một phần ngày càng phình to trong lực lượng giúp việc ở Pakistan.
Điểm mấu chốt của vấn đề là đói nghèo, người Pakistan nói, và cần phải có luật để ngăn chặn làn sóng các em nhỏ tuyệt vọng ở nông thôn đi tìm việc. "Bạn không thể tưởng tượng được cảnh bần cùng đến mức nào đâu. Đôi khi, họ tới đây khi quá đói và sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để có việc làm", Muhamed Sharif, một người chuyên cung cấp osin, thợ làm vườn và bảo vệ cho các cư dân giàu có tại Lahore cho hay.
Đó cũng là nhu cầu trần trụi đem Shazia tới nhà của Chaudhry Naeem, một luật sư có tiếng sống ở khu ngoại ô giàu có của thành phố rậm rì cây lá ở đông Pakistan. Shazia Masih được trả 8 USD/tháng để lau nhà, rửa xe ô tô và cọ toilet cho ông Naeem, mẹ cô bé cho hay. Tiền lương của Masih đều được đem đi trả nợ cho gia đình.
Cha mẹ Masid, một người làm nghề lau dọn nhà cửa, một người nhặt rác, chỉ kiếm được 62 USD/tháng, hầu như không đủ để mua thịt hay rau.
Hệ thống pháp luật ở Pakistan dường như chống lại Shazia. Người trung gian giúp Masih tìm việc đã bỏ túi một phần số tiền nhỏ nhoi mà cô bé được chủ lao động trả. Vì Shazia Masih là trẻ vị thành niên, cô bé không được cơ quan an ninh khu vực này cấp phù hiệu và khiến em trở thành người vô hình.
Nếu lời của luật sư cho ông Naeem có thể tin tưởng được,thì Shazia đã bị mẹ chối bỏ. Nasreen Bibi, dù luôn miệng hứa sẽ đón con nhưng không bao giờ xuất hiện chỉ vì không đủ tiền nuôi con. Bà Bibi đã phủ nhận thông tin này.
Hoàn cảnh chết của Masih cũng đang được tranh luận gay gắt.
Chết vì ghẻ hay chết vì bị đánh đập
Một luật sư của ông Naeem nói, Shazia đang mắc bệnh rối loạn da, có thể là ghẻ và thân chủ của ông đã đưa cô bé tới viện. Shazia đã chết trong quá trình điều trị. Giấy chứng tử của cô bé ghi nguyên nhân cái chết là nhiễm độc máu.
Mẹ cô giúp việc nhỏ bé cho biết, con gái mình bị lạm dụng và báo cáo khám nghiệm y tế ban đầu dường như hậu thuẫn cho tuyên bố này.
Trong số 17 vết thương trên người của Shazia được liệt kê, gồm cả những vết tím bầm, sưng to ở trên trán, má và da đầu đều do những hành động tàn bạo gây ra.
Người thân của Shazia |
Theo Sharif, một chủ môi giới lao động, các vụ hành hạ người làm không phổ biến, và trong khi công việc của osin thoải mái hơn các lao động làm cho nông trại nhưng rất hiếm người được đối xử tốt. Các cô giúp việc thường có cuộc sống cô đơn, sử dụng đồ dùng riêng, ăn cơm thừa canh cặn và làm việc hơn 12 tiếng một ngày.
Trẻ em khi đi làm osin thường bị cạo đầu để ngừa chấy. Có một số ít, nếu không nói là không, cũng được tới trường.
Một nhân viên của công ty an ninh cho vùng ngoại ô Lahore cho biết, anh ta đã trả 5 đứa trẻ về cho cha mẹ chúng kể từ 2008 sau khi các em bỏ trốn khỏi nhà chủ vì bị ngược đãi. Osin nhỏ nhất là Allah Wasaya, một cậu bé 6 tuổi cho biết, cậu bị chủ lấy gậy đánh gôn quật vào chân nếu không mau chóng lấy giày cho ông ta.
Nhân viên an ninh trên đề nghị giấu tên nói, anh ta phản đối những hành động như vậy. Tuy nhiên, người này không thể làm gì hơn ngoài việc đưa lũ trẻ về nhà, nơi điều kiện sống có lẽ còn tồi tệ hơn.
Tại Pakistan, khi người nghèo ngày càng nghèo hơn thì osin là một nghề đáng giá, thậm chí là đối với một đứa trẻ. Ước tính, 40% dân số Pakistan hiện sống dưới mức đói nghèo, cao hơn nhiều mức 30% những năm 1990.
Lạm phát, hiện ở mức 40%, (theo số liệu thống kê của Trung tâm phát triển và chính sách xã hội) đã khiến giá điện, gas và lương thực tăng vọt, đẩy thêm hàng triệu người vào đói khổ, các nhà kinh tế cho biết.
Một báo cáo của Hội đồng Anh hồi năm ngoái ước tính, kinh tế Pakistan phải tăng trưởng thêm 6%/năm để theo kịp với tốc độ phát triển dân số, vốn tăng gấp đôi mức trung bình của thế giới trong 20 năm qua. Năm 2008, kinh tế của Pakistan tăng thêm 2%. Sự bất công bằng khủng khiếp tiềm ẩn dường như không được tầng lớp chính trị cấp cao Pakistan chú ý. Sự thiếu hụt của một hệ thống bảo vệ đã đẩy những người như Roxana, một cô bé 14 tuổi có gương mặt sáng sủa, đang chờ được làm việc tại văn phòng của ông Sharif, khỏi trường học và đi giúp cha bán đĩa nhằm nuôi 10 đứa trẻ.
Việc giảm nhẹ nỗi đau cho gia đình Shazia đã diễn ra dưới hình thức tự do truyền thông mới - vốn làm cho vụ của Shazia trở thành vấn đề quốc gia. Việc báo giới vào cuộc đã khiến một số quan chức hàng đầu tới thăm gia đình cô bé và thậm chí Tổng thống Pakistan cũng lưu ý tới vụ việc.
Một luật sư của Naeem, chủ của Shazia là G.A Khan Tarig đã chỉ trích giới truyền thông. Ông này cho rằng báo chí đã thổi phồng chuyện một người chết bệnh thành một vụ tra tấn dã man. "Giới truyền thông xét xử vụ việc và ra phán quyết của riêng mình".
Tuy nhiên, cuộc kiểm tra thực sự sẽ diễn ra với hệ thống xét xử tội phạm của Pakistan, một thể chế nổi tiếng là yếu kém và dễ bị những người có quyền tác động.
-
Hoài Linh (Tổng hợp)