Việc một osin người Sri Lanka bị chủ Ả rập Xê út đóng hàng chục cái đinh, kim khâu vào người đã khiến quốc tế chú ý nhiều hơn tới vấn đề lao động nữ bị hành hạ, lạm dụng.
TIN BÀI NỔI BẬT |
|
---|---|
Kinh hoàng những kiểu tra tấn osin
Osin bị đóng đinh, kim khâu vào người được chữa trị sau khi về quê hương
L.P. Ariyawathie cho biết, đã được nếm mùi những thứ bị cắm vào người chỉ vài tuần sau khi rời quê nhà Sri Lanka để đi làm giúp việc tại Ả rập Xê út. Ban đầu, Ariyawathie nói, chủ nhà chế nhạo những câu Ả rập cơ bản mà cô học được trong khóa huấn luyện 15 ngày trước khi lên đường tới Vùng Vịnh. Tiếp đó, các sự kiện diễn ra với bước ngoặt đầy tai họa.
"Việc tra tấn bắt đầu khi một chiếc đĩa vô tình bị đánh vỡ. Chủ nhà nói, tôi bị mù hay sao và cố lấy một thứ gì đó chích vào mắt phải của tôi", người phụ nữ 48 tuổi này cho biết. "Khi tôi lấy tay che mắt, họ đâm một cái gì đó vào trán tôi".
Ariyawathie từ Riyadh về nhà hồi tháng trước trong tình trạng bị chấn thương, sau những năm tháng bị đánh đập và lạm dụng. Các bác sĩ đã phẫu thuật và lấy ra hàng chục cái đinh, kim khâu, được đóng vào trán, chân và tay Ariyawathie.
Chính quyền Ả rập Xê út hiện đang xem xét câu chuyện của bà mẹ 3 con này. Tuy nhiên, câu chuyện đã trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông và nó cho thấy các chủ lao động ngoại đối xử với hàng nghìn phụ nữ nghèo tới từ Nam Á, những người lao động ở nước ngoài, như thế nào. Đó là những người bị hút theo lời hứa lương cao, vốn giúp họ có thể trợ giúp gia đình ở nhà.
Nô lệ thời hiện đại
Tổ chức giám sát Nhân quyền đã nêu lo ngại về một số quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là Ả rập Xê út dù việc đối xử với người làm một cách độc ác và tàn tệ - tịch thu lương và giấy tờ đi làm, lạm dụng tình dục, đã được thế giới nói tới rất nhiều.
Một bộ phim tài liệu trên kênh truyền hình Channel 4 cho biết, nhiều người trong số hơn 15.000 lao động Sri Lanka sang Anh làm việc mỗi năm đang phải hứng chịu một dạng của nô lệ thời hiện đại. Một tổ chức từ thiện cho hay, cứ 5 người lại có một báo cáo bị hành hạ.
Joynal Abedin Joy, một nhân viên hội từ thiện ở Bangladesh cho hay, cưỡng hiếp, đánh đập và làm nhục là chuyện thường ngày ở Lebanon dù chính quyền ở Dhaka cho biết, họ không biết có trường hợp nào bị lạm dụng.
"Tuần trước, một cô gái vừa từ Lebanon trở về. Cô gái có cái đầu trọc lốc. Người chủ đã cạo sạch tóc vì cô từ chối quan hệ tình dục với ông ta. Chỉ tính riêng năm 2009, xác 11 người phụ nữ đã được chuyển từ Lebanon về Bangladesh", Abedin cho hay.
"Phần lớn đều có những dấu hiệu bị tra tấn trên cơ thể. Tôi biết một cô gái đã gọi về nhà cầu cứu. Hai ngày sau đó, người chủ Lebanon thông báo về gia đình cô rằng cô gái đã qua đời vì đau tim".
Nargis Begum, 26 tuổi, người Bangladesh, nói, chủ cô tại Beirut đã trích điện, đánh đập cô bằng xích sắt và thắt lưng da, lấy bàn là nóng dí lên người trong hơn 5 tháng. Trong thời gian đó, Begum còn bị cưỡng hiếp. "95% các cô gái Bangladesh tôi gặp đều nói với tôi, họ bị hãm hiếp ở nơi làm việc. Họ không dám nói với gia đình vì sợ. Họ chịu đựng và chấp nhận số phận", người mẹ hai con này cho biết.
Maya Gurung, 35 tuổi, rời Nepal năm 2004 để sang Kuwait làm lao công. Maya cho hay, cô bị buộc làm việc tới 20h/ngày và phải cố gắng sống sót bằng những thức ăn thừa của chủ nhà. Nỗ lực rút lui của Maya bị dập tắt vì cơ quan lao động đã lấy hộ chiếu của cô. Maya có bầu và được thôi việc sau khi một người đàn ông cô gặp tại nhà thờ địa phương đề nghị sẽ giúp lấy lại giấy tờ nếu cô chịu quan hệ tình dục.
Khi báo cáo với cảnh sát, Maya bị bắt giam vì nghi ngờ là người nhập cư bất hợp pháp. Maya tìm mọi cách trở lại Nepal vào năm ngoái nhưng bị gia đình chối bỏ và cô đang sống trong khu nhà cho người vô gia cư ở Kathmandu.
Tiền lương mà các lao động Bangladesh đi làm ở nước ngoài kiếm được chiếm một phần lớn trong số hàng tỷ USD được gửi từ về nhà mỗi năm.
Kiến nghị chính phủ các nước hành động
Công đoàn, các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, lao động di cư cần được bảo vệ nhiều hơn vì các chính phủ không có các điều khoản đó vào luật lao động, hoặc nếu có thì các quyền lợi đều giới hạn.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hiện đang vạch ra các chỉ dẫn mới cho những nhân công như vậy, gồm cả hợp đồng viết tay, cơ chế khiếu nại và đảm bảo mức lương tối thiểu, giờ làm.
Trong khi chờ đợi, các nghị sĩ như Ranjan Ramanayake, người Sri Lanka đã kêu gọi chính phủ hành động. Ông mô tả cảnh ngộ tuyệt vọng của những nữ lao động di cư là vấn đề xã hội và kiến nghị đưa Ả rập Xê út vào sổ đen. "Tôi thấy xấu hổ vì sự thực là chúng ta đã trở thành những ma cô quốc tế khi gửi hay nói đúng hơn là bán mẹ, chị và em gái chúng ta để họ phải chịu cảnh nô lệ và lạm dụng".
Các nhà hoạt động ở Bangladesh, Nepal và Ấn Độ cũng mong muốn chính phủ của họ nỗ lực hơn nữa. "Các lao động di cư không nằm trong chương trình nghị sự chính trị ở Nepal", Sharu Joshi Shrestha, thuộc Quỹ phát triển vì phụ nữ LHQ, nói. "Họ không quan trọng vì họ không bỏ phiếu. Tuy nhiên, đó lại là nguồn thu chủ yếu của Nepal, 2,8 tỷ USD/năm trong khi chính phủ lại chỉ dành một phần nhỏ trong ngân sách để giúp đỡ những đối tượng đó".
-
Hoài Linh (Theo AsiaNews)