Còn chăng lòng tự hào Nga?
Cập nhật lúc 14:44, Thứ Năm, 16/09/2010 (GMT+7)
- Kết quả thăm dò cho thấy, đa số người Nga lấy làm xấu hổ vì đất nước mình. Chỉ có 2% người Nga tự hào về các nhà lãnh đạo đang chèo lái quốc gia.
Ngày càng nhiều người Nga cảm thấy thất vọng với tình hình đất nước. |
Mặc dù truyền thông chính thức của Nhà nước quảng bá rằng Nga là một trong những nước đầu tiên ở châu Âu vượt qua cơn khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới, mọi chuyện ở xứ sở bạch dương đều ổn, nhưng hóa ra là cùng với đà suy thoái kinh tế và mức sống, ở Nga đang bộc lộ sự giảm sút lòng tự hào trong người dân, yếu tố tinh thần vô giá vốn bao năm vẫn là nguồn sức mạnh để vươn tới thắng lợi.
Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến cộng đồng toàn Nga do Quĩ “Quan điểm xã hội” tiến hành hai ngày 4-5/9, giờ đây đa số người Nga (64%) lúc này lúc khác đã phải cảm thấy xấu hổ về đất nước mình. Cụ thể, công trình nghiên cứu xã hội học cho thấy 39% người Nga được hỏi ý kiến đã tuyên bố rằng họ “thường xuyên” thấy xấu hổ về nước Nga, còn 25% “thỉnh thoảng” có cảm giác tiêu cực như vậy.
Nguyên nhân cơ bản của trạng thái trên, là mức sống xã hội thấp: 25% người Nga thấy xấu hổ vì “lương thấp”, “không được bảo vệ về mặt xã hội”, “trong cộng đồng có sự phân hóa mạnh giữa các tầng lớp”.
6% người Nga xấu hổ về thất bại trong thể thao. 5% bất an về nạn thất nghiệp. 4% người Nga không hài lòng về thực trạng kinh tế, cũng chừng đó số người được hỏi ý kiến đã than phiền về hiệu suất công tác kém của chính quyền và hành vi không xứng đáng của các chính khách.
Khoảng 3% người Nga qui lỗi gây xấu hổ là bởi nạn tham nhũng, tình trạng vô luật pháp trong nước, tệ nghiện rượu trong dân cư, vật giá cao và những sự kiện lịch sử cách đây chưa xa (như sự tan rã của Liên bang Xô-viết, chiến tranh ở Chechnya).
Khi đi tìm nguyên cớ bởi đâu mà xấu hổ, người Nga cũng chú ý đến vị thế của đất nước trên thế giới, trình độ giáo dục và y tế thấp, chủ nghĩa khủng bố, thực trạng đường xá-giao thông và tình hình với nạn cháy rừng – có 2% người Nga nói về những yếu tố này.
Cũng theo tư liệu điều tra với câu hỏi về lòng tự hào 31% người Nga “thỉnh thoảng” cảm thấy tự hào về đất nước mình, còn 29% cho biết "hiếm khi" trào dâng tình cảm như vậy.
Có mâu thuẫn là thái độ với thể thao. Trong khi một số người xấu hổ bởi sự thua kém về kết quả thi đấu của các đội tuyển, thì lại vẫn có 21% người Nga lấy làm tự hào về thành tựu của đất nước mình trong thể thao. 4% người Nga tự hào về “dân tộc Nga”, 3% tự hào về “quân đội Nga”, 2% tự hào về “ban lãnh đạo của đất nước”.
Cần bao nhiêu tiền để có hạnh phúc?
Điều tra xã hội học cho thấy rằng, để không mất đi niềm tin vào ngày mai và có được sự bình yên trong tâm hồn, bình quân thu nhập trong tháng không được thấp hơn một mốc nhất định nào đó.
Các nhà khoa học Mỹ đã thử tính xem ngưỡng đó là bao nhiêu: 6.250 đô la (khoảng 190 nghìn rúp) một tháng. Theo ý kiến của 450 nghìn người Mỹ và tính toán của các chuyên gia ở trường Đại học Tổng hợp Princeton, con người cần khoảng chừng đó để chịu đựng những nhọc nhằn của cuộc đời một cách dễ dàng hơn. Con số đó là một kiểu ranh giới hay cái ngưỡng, mà dưới mức ấy thì không dễ gì đương đầu với những vấn đề của cuộc sống.
Các nhà khoa học Anh suy nghĩ khác, họ tin rằng mọi sự không chỉ ở tiền bạc và thậm chí cũng chẳng ở số lượng tiền, mà cốt yếu là làm sao để tiền của mình nhiều hơn so với những người quen và hàng xóm! Theo quan điểm của nhà nghiên cứu, một người kiếm được triệu bảng Anh một năm vẫn sẽ không cảm thấy thỏa mãn nếu bạn bè của người ấy làm ra được hai triệu. Tuy nhiên điểm chung ở hai nghiên cứu hạnh phúc Anh-Mỹ là đều nói tới cảm giác bình ổn và tự tin vào ngày mai. Tâm trạng và nhiệt tình có thể thay đổi mấy lần trong một ngày, và diễn biến đó không phụ thuộc vào số lượng tiền trong túi.
Còn ở Nga, chuyên gia Evgheny Shaposhnikov lãnh đạo Trung tâm y tế tâm lý và xã hội học nêu quan điểm rằng số lượng tiền cũng có ý nghĩa.
“Tiền bạc – đó là một trong những thành tố của hạnh phúc. Hiện hữu mức tối thiểu nào đó, chỉ số tài chính thu nhập bình quân nào đó đem lại cho con người cảm giác về sự tồn tại đầy đủ, trong những tháng ngày khủng hoảng có thể giữ chúng ta nổi chứ không bị chìm nghỉm cả về vật chất cũng như về tâm lý”, - ông Shaposhnikov khẳng định.
Đồng thời đáng chú ý nhất là nếu tiền lương tăng thì niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống chẳng nhân lên mà còn trái lại. Thứ nhất, những niềm vui nhỏ nhặt trong cuộc sống càng dễ nhận được bao nhiêu thì giá trị của chúng đối với con người lại càng ít đi bấy nhiêu. Thứ hai, khoản thu nhập quá lớn ắt sẽ gây ra cơn đau đầu nhất định: bỏ tiền ấy vào đâu, tiêu tiền ra sao, lại đâm e ngại sự ghen tị nào đó từ những người xung quanh.
Mặc dù chưa tiến hành nghiên cứu tương tự nhưng khi tham khảo tư liệu của các nhà xã hội Mỹ, ông Valery Mironov chuyên viên kinh tế chính của Quĩ nghiên cứu kinh tế “Trung tâm phát triển” ở Nga thấy cũng có thể gọi ra những con số của hạnh phúc toàn vẹn đối với những người đồng hương của mình, dựa theo công thức chỉ số qui chiếu “Big Mac” nổi tiếng về khả năng tiêu thụ mà tạp chí «The Economist» tiến hành từ 1986.
“Tại Nga tỷ giá đồng rúp bằng khoảng 30% so với đồng đô la Mỹ, như vậy có nghĩa là tương ứng với chỉ báo này, giành cho hạnh phúc toàn vẹn thì người Nga cần khoản tiền ít hơn 30% so với người Mỹ”, - ông Mironov khẳng định. Đó là chưa tính đến yếu tố thuế thu nhập ở Nga thuộc loại thấp nhất trên thế giới - một lợi thế của người dân Nga. «Chúng ta trả thuế lợi tức ít hơn người Mỹ. Trên bình diện này thì người Nga sướng hơn. Bởi không lo thuế, chúng ta cần ít tiền hơn, khoảng 15%. Vì thế tôi cho rằng giành cho hạnh phúc hoàn toàn, ở Nga cần khoản tiền ít hơn 40-45% so với ở Mỹ”.
Cộng trừ chuyển đổi “chỉ giá hạnh phúc” Mỹ thành tiền Nga theo lối tính toán trên (xin nhắc lại, một tháng hạnh phúc Mỹ bằng khoảng 190 nghìn rúp), sẽ được con số tương đối là 105 nghìn rúp. Cho hạnh phúc trọn vẹn của người Nga trong suốt một tháng.
Nhưng – giá mà trên đời đừng có cái chữ “nhưng” đó - mức lương bình quân ở Nga hiện nay là gần 20 nghìn rúp. Không thấy các chuyên viên Nga làm con tính tiếp theo để biết chừng đó là bao nhiêu phần trăm hạnh phúc?
- Đan Thi (Từ Matxcơva)
,