Đã 1h30 sáng và tỷ phú Trung Quốc, Trần Quang Tiêu, không sao ngủ được. Ông sắp đưa ra một quyết định quan trọng.
TIN BÀI LIÊN QUAN |
|
---|---|
Tỷ phú Trần Quang Tiêu tình nguyện điều khiển giao thông tại một giao lộ ở Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô. (Ảnh: THX)
Bật dậy khỏi giường, ông ngồi xuống và viết một lá thư, trong đó ông tuyên bố sẽ tặng toàn bộ tài sản của mình cho từ thiện sau khi qua đời.
Lá thư ngày 5/9 sau đó được đăng trên trang web công ty của Trần Quang Tiêu, đưa tỷ phú 42 tuổi này trở thành tâm điểm của báo chí một lần nữa.
Từ năm 2007, Trần Quang Tiêu, Chủ tịch một tập đoàn năng lượng tái tạo ở tỉnh Giang Tô, đã tuyên bố sẽ dành 95% tài sản của mình làm từ thiện. "Hàng năm, tôi sẽ tặng ít nhất 50% lợi nhuận của công ty mình cho từ thiện", ông giải thích.
Đến thời điểm này, Trần Quang Tiêu đã tặng hơn 1,3 tỷ Nhân dân tệ (192 triệu USD) và giúp đỡ hơn 700.000 người. Tỷ phú này cho biết tài sản hiện thời của ông hiện vào khoảng 5 tỷ Nhân dân tệ.
"Tôi sẽ không giữ lại bất kỳ chút tài sản nào cho các con tôi. Tôi bắt đầu từ hai bàn tay trắng và chúng cũng có thể làm như vậy", Trần Quang Tiêu giải thích. "Chúng rất thông minh. Cả hai đều đứng đầu lớp. Sự ưu tú đó làm tôi bớt lo".
Và Trần Quang Tiêu nhắc lại lời của con trai anh: "Cha tôi là người nhân ái hàng đầu ở Trung Quốc. Nhưng tôi sẽ là người nhân ái bậc nhất thế giới".
"Chúng cũng giống tôi", người cha tỷ phú tự hào nói.
Em gái của Trần Quang Tiêu làm việc tại bếp một khách sạn là Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, với mức lương 1.800 Nhân dân tệ/tháng. Người em trai cũng kiếm được khoảng ấy. Nhưng ông không bao cấp cho các em, chỉ hỗ trợ cho con cái họ học hành.
Trần Quang Tiêu sống rất thanh đạm. Ông không hút thuốc hay uống rượu, thường dùng bữa trong căng tin dành cho nhân viên công ty.
Sinh ra trong một gia đình làm nông, Trần Quang Tiêu sống cả một tuổi thơ nghèo khổ. Hai anh của ông chết vì quá đói khát. Ngay khi lên 10, Trần Quang Tiêu đã tự lo học phí cho mình. Vào thập niên 1970, cũng như nhiều vùng miền nông thôn khác ở Trung Quốc, quê của Trần không có nước máy và ông phải mang nước tới khu chợ cách nhà 2km để bán cho người qua đường.
Suốt kỳ nghỉ hè năm đó, ông kiếm được 4 yên và ông dành số tiền này để chi trả học phí cho bản thân và một bạn cùng lớp. "Đó là hành động từ thiện đầu tiên của tôi và thày giáo đã tặng cho tôi một bông hoa giấy màu đỏ. Danh dự và cảm xúc khi cho đi khiến tôi rất vui và tôi tiếp tục giúp đỡ những người khác".
Những trải nghiệm đầu đời đã giúp Trần Quang Tiêu tự rèn luyện bản thân trở thành một doanh nhân ngay khi ông vào đại học theo ngành y học cổ truyền.
Tài sản của ông bắt đầu nhân lên nhờ việc kinh doanh thiết bị y tế trong năm 1998. Ông đã tặng 30.000 Nhân dân tệ cho Zhu Lili, một bé gái 13 tuổi mắc bệnh tim nhưng không có tiền chữa trị. Nhờ vậy, cô gái đó đã lớn lên khỏe mạnh và tốt nghiệp đại học.
Zhu là một trong hàng nghìn người đã thay đổi cuộc đời nhờ sự giúp đỡ của Trần Quang Tiêu. Một nửa số tiền từ thiện của ông được đưa tới tận tay người nhận. Ông đích thân tới gặp họ ở những khu vực xa xôi, nghèo đói và bị thiên tai.
"Trong hai năm qua, tôi thỉnh thoảng vẫn đưa các con trai tới những nơi đó", Trần Quang Tiêu tâm sự. "Chúng cần phải tận mắt chứng kiến cả nỗi buồn lẫn niềm vui thực sự".
Quỹ Bill & Melinda Gates đã mời khoảng 50 người trong giới siêu giàu ở Trung Quốt tới dự tiệc từ thiện. Nhưng chỉ có ông Trần Quang Tiêu và Zhang Xin, người sáng lập Tập đoàn Kinh doanh bất động sản SOHO Trung Quốc, công khai xác nhận họ sẽ tham dự.
"Nhiều doanh nhân không muốn bộc lộ sự giàu có của mình trước công chúng, bởi vì một số người có thu nhập không minh bạch và họ sợ sẽ bị ngành thuế điều tra", ông Trần nói. "Họ cũng quan ngại về sự không minh bạch của nhiều tổ chức từ thiện và không biết tiền mình tặng sẽ rơi vào tay ai".
Trần Quang Tiêu luôn khuyến khích những người bạn giàu có của mình dành tiền làm từ thiện. "Tôi muốn dẫn đầu một sự thay đổi về giá trị và khơi thông phát triển lòng bác ái ở Trung Quốc", ông nói. "Bằng cách tặng toàn bộ tài sản của mình cho từ thiện, tôi đang hối thúc những người giàu có khác ở Trung Quốc. Hy vọng họ sẽ làm theo".
- Thanh Hảo (Theo China Daily)