Một cuốn sách mới xuất bản về Cơ quan tình báo mật của Anh (MI6) tiết lộ, trong Thế chiến thứ nhất, các lực lượng tình báo nước này đã sử dụng tinh dịch làm mực hóa học để tạo nên những dòng chữ tàng hình trong các bức thư tối mật.
TIN BÀI MỚI |
|
---|---|
Trụ sở MI6 ở Vauxhall, London (Ảnh: PA)
Theo nhật ký của một thành viên cấp cao thuộc MI6, cơ quan tình báo Anh từng phát hiện ra rằng tinh dịch của người có thể đóng vai trò như một thứ mực tàng hình hiệu quả.
Tháng 6/1915, Walter Kirke - phó lãnh đạo lực lượng tình báo quân sự đóng tại Pháp, đã viết trong nhật ký của ông rằng Mansfield Cumming, vị lãnh đạo đầu tiên của cơ quan này (C) "đang tiến hành các cuộc thí nghiệm về mực hóa học ở Đại học London".
Đến tháng 10/1915, ông Kirke nêu rõ "đã nghe ông C nói rằng loại mực tàng hình tốt nhất là tinh dịch", vì nó không phản ứng trước các phương pháp phát hiện chủ chốt. Thêm vào đó, tinh dịch cũng có lợi thế là sẵn có.
Một nhân viên thân cận với "C", Frank Stagg, kể ông sẽ không bao giờ quên sự vui mừng của các sếp khi một ngày nọ, vị phó ban kiểm duyệt thông báo rằng một trong các nhân viên của ông đã phát hiện "tinh dịch sẽ không phản ứng với hơi i-ốt". Stagg nhấn mạnh: "Chúng tôi nghĩ chúng tôi đã giải quyết được một vấn đề lớn".
Tuy nhiên, phát hiện trên cũng dẫn tới nhiều vấn đề khác nữa, kể cả việc điệp viên từng tìm ra công dụng khác thường của tinh dịch phải rời khỏi phòng ban của mình sau khi trở thành đối tượng của những trò đùa cợt. Thêm vào đó, ít nhất một điệp viên đã bị nhắc nhở dùng nguyên liệu sạch để làm "mực" khi những đồng nghiệp của anh ta bắt đầu nhận thấy một mùi bất thường.
Tất cả những hé lộ trên đã được đưa vào cuốn sách "MI6: Lịch sử của Cơ quan tình báo mật 1909-1949" vừa xuất bản hồi đầu tuần của giáo sư Keith Jeffery thuộc Đại học Queen ở Belfast. Ông Jeffery đã được phép tiếp cận với tất cả các hồ sơ của MI6 trong khoảng thời gian trên.
-
Thanh Bình (Telegraph)