Thủ tướng Nhật Bản không có kế hoạch gặp gỡ người đồng nhiệm Trung Quốc tại một hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) vào tuần tới.
TIN BÀI LIÊN QUAN |
|
---|---|
Thông báo trên được Tokyo đưa ra hôm nay (28/9), kèm theo lời tái khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp với Trung Quốc, vốn là tâm điểm của cuộc tranh cãi về lãnh thổ giữa hai nước láng giềng này.
Thuyền trưởng Trung Quốc được trả tự do song quan hệ Nhật - Trung vẫn căng thẳng. (Ảnh: Reuters)
Chánh văn phòng Nội các Yoshito Sengoku cho các phóng viên hay, chính phủ Nhật Bản sẽ để mở khả năng đối thoại giữa ông Naoto Kan và ông Ôn Gia Bảo tại hội nghị ASEM, được tổ chức ở Brussels vào các ngày 4-5/10.
Tuy nhiên, ông Sengoku nói rằng, các điều kiện cho một cuộc gặp như vậy vẫn chưa được đáp ứng. Ông từ chối nêu cụ thể các điều kiện đó là gì song nhắc lại lập trường của Tokyo rằng cải thiện quan hệ song phương là tùy thuộc vào Trung Quốc.
Quan hệ Trung - Nhật trở nên căng thẳng sau vụ tàu cá Trung Quốc và hai tàu tuần tra Nhật đâm nhau ngày 7/9 ở vùng biển gần quần đảo tranh chấp mà phía Nhật gọi là Senkaku còn phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Nhật Bản đã bắt giữ thuyền trưởng ngay sau đó để điều tra và trả tự do cho ông này tối ngày 24/9 song căng thẳng hai bên vẫn không lắng dịu.
"Hiện chưa rõ liệu chúng tôi có thể đạt được những điều kiện đó trong vòng một tuần không", Sengoku cho biết. "Như tôi đã nói hôm qua, trái bóng đang nằm trong tay quan tòa phía Trung Quốc".
Thủ tướng Ôn Gia Bảo và người đồng nhiệm Nhật Bản đã không gặp nhau ở New York tuần trước khi họ tới đó tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Chính phủ của ông Naoto Kan hiện đang chịu sự chỉ trích ở trong nước về quyết định thả thuyền trưởng trong bối cảnh chịu sức ép ngày càng lớn từ phía Trung Quốc. Vì dù phía Nhật đã làm vậy, Bắc Kinh vẫn đòi Tokyo xin lỗi và bồi thường. Ngay lập tức, Nhật cũng hành động tương tự.
Bắc Kinh vẫn chưa phản hồi trước yêu cầu đòi bồi thường từ phía Nhật nhưng trước đó, họ đã ngừng các tiếp xúc cấp cao với Tokyo, 5 lần triệu đại sứ Nhật ở Bắc Kinh đến để phản đối.
- Thanh Hảo (Theo AP)