Việt Nam đang xây dựng các trường đại học ở nước này trong nỗ lực gia nhập nhóm các con hổ kinh tế châu Á. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều rào cản.
TIN BÀI LIÊN QUAN |
|
---|---|
(Ảnh: Vietnamnet)
Tại khu trường rậm rạp cây cối ở ngoại ô TP. Hồ Chí Minh, một cuộc thí nghiệm đang được tiến hành. Khai trương năm 2008, trường Đại học Việt -Đức chiếm cứ một tòa nhà hai tầng. Năm học này, trường dự kiến tuyển 220 sinh viên Việt Nam với phần lớn các chương trình do các giáo sư người Đức giảng dạy.
Đây là một khởi đầu khiêm tốn, nhưng nó thể hiện tham vọng của Việt Nam muốn dựa vào giáo dục đại học để biến đổi nền kinh tế nước này. Vào năm 2020, Việt Nam hy vọng ít nhất một trong số các trường như VGU sẽ lọt vào bảng xếp hạng 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Nước này cũng đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho các trung tâm đào tạo khác.
Bằng cách đầu tư vào nền giáo dục đại học, Việt Nam hy vọng sẽ cạnh tranh được với các nền kinh tế mạnh ở châu Á, chẳng hạn như Hàn Quốc hay vùng lãnh thổ Đài Loan.
Kể từ năm 1990, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người ở nước này đã tăng 10 lần lên hơn 1.000 USD, dựa vào gia tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhưng chưa rõ liệu chi nhiều hơn cho giáo dục có thể tạo ra một lực lượng lao động lành nghề phù hợp hay không. Những người chỉ trích cho rằng, các nhà quản lý thủ cựu ở cấp đại học, phương pháp sư phạm lỗi thời... cần phải được sửa đổi đầu tiên. "Hệ thống giáo dục đại học của chúng ta rất cũ kỹ", trích lời giáo sư Hoàng Tụy.
Phá khuôn
VGU nhắm tới phá sự rập khuôn này. Theo hiến chương của trường, VGU thuê cơ sở và thiết kế các khóa học riêng. Bằng cách tập trung vào khoa học ứng dụng và tiến hành nghiên cứu, cộng tác với lĩnh vực tư nhân, VGU giống với các trường ở Đức đã giúp đỡ cho trường.
Sinh viên Việt Nam đạp xe về nhà sau giờ tan trường. (Ảnh: Newscom)
Việt Nam đã chi rất nhiều cho giáo dục, bao gồm cả giáo dục tư thục và đào tạo ở nước ngoài. Tỷ lệ biết chữ rất cao và các gia đình đặt niềm tin rất lớn vào giáo dục.
Trong khoảng thời gian từ năm 2001 tới năm 2006, số sinh viên vào Đại học và Cao đăng tăng cao, từ 900.000 lên hơn 1,6 triệu, theo Ngân hàng Thế giới.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, rào cản là ở chỗ, hầu hết các sinh viên đăng ký vào các trường đại học công đã quá tải, hoặc các trường tư nhân vốn phát triển mạnh mà không được giám sát tốt. Theo một nghiên cứu năm 2010 của Liên Hợp Quốc, công tác nghiên cứu ở các trường đại học ở Việt Nam rất hạn chế.
Trong giai đoạn khởi đầu, phần lớn ngân sách của VGU là từ các chính quyền bang và liên bang ở Đức. Sinh viên trả 1.500 USD học phí mỗi năm, và khoảng 60% được hỗ trợ tài chính. Chính phủ Việt Nam đóng góp 500.000 USD mỗi năm vào ngân sách của trường.
Nhưng cuối cùng thì Việt Nam vẫn phải mang gánh nặng đó. Vào năm 2030, ngân sách của trường dự kiến sẽ lên tới 57 triệu USD, theo Wolf Rieck, Hiệu trưởng VGU
"Nếu họ muốn có một trường đại học nghiên cứu tuyệt vời, họ sẽ phải sẵn lòng chi trả cho những người làm nghiên cứu ở một mức độ cạnh tranh; nếu không thì sẽ thất bại".
Hoàng Tụy, vị giáo sư nổi tiếng thế giới, về hưu cách đây 2 năm từ một trường danh tiếng ở Hà Nội. Ông thậm chí còn có cả một định lý toán học mang tên mình.
Tuy nhiên, mức lương đại học sau cùng của ông chỉ khoảng 250 USD/tháng và các khoản trợ cấp khác. Ông có thêm thu nhập từ các buổi đi giảng bài ở nước ngoài.
Các nhà giáo dục cho rằng, Việt Nam cần phải thu hút những người có bằng tiến sĩ ở nước ngoài về giảng dạy, một chiến lược mà Trung Quốc hiện cũng đang theo đuổi. Vì Việt Nam không thể cung ứng một mức lương như ở phương Tây, nước này cần phải tạo ra một môi trường mà trong đó, một nhà khoa học hoặc một kỹ sư có triển vọng có thể tỏa sáng, đồng thời khuyến khích những nhà tư tưởng tương lai.
- Thanh Hảo (Theo CSMonitor)