Một chuyện tình bắt đầu từ năm 1953 tại Hàng Châu, trải qua nhiều thăng trầm về chính trị và con người, cuối cùng đã đơm hoa kết trái sau nửa thế kỷ.
Ông Yuan và bà Li hiện thời và lúc trẻ |
Đó là vào mùa thu năm 1953, Danny Li gặp Yuan Dibao tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang và hai người đã yêu nhau. Tuy nhiên, số phận đã buộc cặp đôi này phải sống ở hai lục địa khác nhau suốt 54 năm. Thật kỳ diệu, vào tháng 5/2010, Danny Li và Yuan Dibao đã đoàn tụ và kết hôn vào tháng 9 cùng năm.
Chuyện tình của họ đã trở thành tin tức được nhiều người đọc và xem nhất trên các báo, các đài truyền hình Trung Quốc. Công dân mạng gọi tình yêu của họ là "chuyện tình thanh tao nhất thế giới".
Diễn tiến một chuyện tình đẹp
"Nó giống như một giấc mơ. Tôi từng nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại anh ấy", bà Li, 83 tuổi nói. Li chào đời tại Bắc Kinh năm 1927, là con một phụ nữ Pháp với ông chồng người Trung Quốc.
Năm 24 tuổi, Li trở thành một trong những giáo viên trẻ nhất tại trường y Chiết Giang, tại Hàng Châu và mau chóng được nhiều người biết tiếng vì thành thạo 4 ngoại ngữ, gồm Trung, Anh, Nga và Pháp.
Năm 1953, Yuan Dibao, một chàng trai trẻ, diện mạo khôi ngô, 25 tuổi, bước vào đời Li.
Yuan là cán bộ lớn và là sinh viên xuất sắc nhất trong lớp tiếng Nga mà Li dạy. Yuan thông minh và siêng năng, thường đạt điểm cao trong hầu hết các bài kiểm tra lẫn những kỳ thi.
"Yuan là người tốt, rất thân thiện với những người khác. Tất cả các học sinh lẫn giáo viên đều thích anh ấy", Li nói.
Khi Li bắt đầu tìm hiểu thêm về Yuan, cô phát hiện thấy họ có nhiều điểm chung. Tình cảm Li dành cho Yuan có có tình yêu. Bất chấp định kiến về mối quan hệ giữa sinh viên với cô giáo, hai người tiến gần với nhau. Chỉ cha mẹ Li biết điều gì đã xảy ra. Mỗi khi Yuan tới văn phòng của Li, bề ngoài là nhờ giúp đỡ việc học, họ sẽ hẹn gặp sau giờ học.
Thành phố Hàng Châu đã chứng kiến chuyện tình ngọt ngào của họ.
Yuan thường tới nhà Li và ở đó một lúc. Cha mẹ Li tỏ ra quý mến chàng trai trẻ lịch sự và duyên dáng này. Trong khi Li đang hạnh phúc, Yuan lại bị giằng xé giữa hạnh phúc và tội lỗi. "Tôi có cảm giác, anh ấy có gì đó bí mật nhưng không chú ý lắm", Li kể. Lúc đó, có một việc mà Li không biết đó là Yuan đã kết hôn.
Yuan khi đó đã 25 và được nhận vào trường năm 1953. Yuan được coi là đã qua tuổi kết hôn ở quê nhà - vùng Gulangyu ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Với sự dàn xếp của gia đình, Yuan kết hôn với bạn của chị gái. Một năm trôi qua nhưng Yuan không nói gì với Li về việc đã có vợ.
Năm 1954, trước khi cùng trường chuyển tới Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc, Yuan cuối cùng đã có đủ dũng khí và nói với Li rằng mình đã có vợ, một người mà anh cảm thấy có nghĩa vụ phải quan tâm và chăm sóc tới khi cô ấy qua đời.
Li choáng váng. Dù yêu Yuan, nhưng hai người đã chia tay. "Tôi không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi không thể xây dựng hạnh phúc trên sự đau khổ của một người phụ nữ vô tội khác", Li nói. Kể từ đó, hai người không gặp lại nhau.
Năm 1956, Li cùng mẹ đi tới Lyon, Pháp. Cha cô đoàn tụ với gia đình năm 1962. Trước khi rời Trung Quốc, Li viết thư cho Yuan nói ngày cô khởi hành. Rất bất ngờ, Li không chỉ nhận được một mà tới vài lá thư trong vài ngày tiếp theo. Hai người bắt đầu giữ liên lạc qua thư.
Các bức thư Li gửi tới nơi làm việc của Yuan được anh cất kỹ để vợ không thấy.
"Những lá thư của anh ấy là nguồn động viên với tôi trong những ngày đó", Li kể. Cuộc sống mới của cô vô cùng khó khăn. Li không những phải vật lộn để sống sót tại một xã hội xa lạ với cô, bằng cấp bị phủ nhận mà còn bị sốc văn hóa.
Li học tốc ký và đánh máy, rồi cuối cùng tìm được công việc thư ký tại một công ty thương mại quốc tế.
Trong khi đó, Yuan tốt nghiệp và bắt đầu làm việc tại Hạ Môn.
Trong những bức thư gửi cho nhau, hai người rất ít khi đề cập tới khó khăn. Yuan chia sẻ với Li về hạnh phúc được làm cha và Li gửi cho Yuan những gói sữa bột trẻ em, quần áo vì biết những món đồ này ở Trung Quốc lúc đó là rất hiếm.
Khi cách mạng văn hóa nổ ra (1966-1979), những lá thư của Li bắt đầu bị gửi trả lại. Để tránh gây rắc rối cho Yuan, Li ngừng viết thư. Tuy nhiên, cô không quên chàng trai mình yêu quý.
"Tôi không thể bắt đầu một quan hệ mới dù nhiều người đã tìm đến tôi. Tôi cảm thấy tình yêu của Yuan với tôi là tha thiết nhất và không ai có thể sánh bằng anh ấy". Năm 1976, khi chắc là mọi thứ đã an toàn, Li viết thư gửi về nơi làm của Yuan như trước kia. Tuy nhiên, lá thư này cũng lại bị gửi trả.
Li không biết Yuan đã thay đổi nơi làm việc. Yuan đã thông báo cho cô trong một lá thư gửi đi từ năm 1973 nhưng nó không tới được tay Li.
Kết hôn sau nửa thế kỷ chia lìa
Lần liên lạc tiếp theo giữa hai người diễn ra 45 năm sau đó, vào tháng 5/2010.
Vào dịp Tết, (cuối tháng 2), Ouyang Luying, con dâu thứ 3 của Yuan biết qua một người họ hàng (từng giúp Yuan giấu thư của Li) rằng cha chồng từng hẹn hò yêu đương một giáo viên dạy ngoại ngữ. "Khi ông kể cho tôi nghe chuyện, tôi cảm thấy rất xúc động. Mẹ chồng tôi đã qua đời từ năm 1994 vì vậy tôi khuyến khích ông viết thư".
Dù Yuan thường đi thăm những nơi mà ông và Li thường tới ở Hàng Châu song ông chưa bao giờ có ý định nối lại quan hệ với người xưa. Ouyang đã đánh thức nhưng kỷ niệm sâu kín trong ông. Yuan đã thức khuya để viết 5 bức thư.
Ngoài 6 câu ngắn chúc Li mạnh khỏe bằng tiếng Trung, Yuan cũng viết vài lá thư bằng tiếng Anh cho họ hàng của Li vì sợ rằng Li đã chết, ông giới thiệu là học sinh, bạn của Li và muốn biết hiện giờ Li đang ở đâu.
Yuan sau đó mỗi ngày lại gửi một lá thư. Nếu không nhận được thư trả lời từ một trong số những người họ hàng của Li, Yuan đã nghĩ mọi việc thế là kết thúc. Cuối cùng, một lá thư ghi nơi gửi là Pháp đã được gửi tới Yuan.
Tay run run, Yuan mở thư. Nhìn nét chữ quen thuộc, Yuan nghĩ "tạ ơn trời, cô ấy còn sống".
Phong bì chứa một tấm ảnh của Li và bức thư dày 3 trang. Trong đó, Li đưa Yuan đi suốt những gì xảy ra trong cuộc đời cô.
Năm 1974, chín năm sau lần thư từ cuối cùng, Li đạt học vị Thạc sĩ về tiếng Trung và làm giáo viên tiếng Trung tại Jean Moulin - đại học 3 ở Lyon với điều kiện cô phải có học vị Tiến sĩ trong vòng 10 năm, điều kiện mà cô đã đáp ứng được vào năm 1979.
Năm 1992 Li về hưu và làm phó Chủ tịch của một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ sinh viên Trung Quốc. Li vẫn độc thân và sống một mình trong căn nhà của ông bà để lại sau khi bố mẹ cô qua đời.
Ngày 1/5, Li thấy lá thư của Yuan đã chờ sẵn cô ở nhà. "Tôi không trả lời ngay vì không tin đó là sự thật". Li cầm lá thư của Yuan và ngồi trong sân từ chiều tới nửa đêm. Ngày hôm sau, bưu tá lại mang một lá thư khác tới, cuối cùng Li tin đây không phải là mơ.
Hai người bắt đầu thư từ cho nhau như trước khi. Đôi khi, với sự giúp đỡ của Ouyang, họ nói chuyện điện thoại. Tuy nhiên, hai người vẫn viết thư vì Yuan hơi bị điếc tai.
Một tháng sau, Yuan mời Li tới Hạ Môn và nói tùy thuộc vào Li muốn sống cùng ông tới cuối đời hay chỉ tới thăm cũng được. Khi Li bay tới Hạ Môn, Yuan và gia đình tới gặp Li ở sân bay. Yuan đem theo một bó hồng 55 bông.
Li chấp nhận lời cầu hôn của Yuan và họ đăng ký kết hôn vào ngày 21/9, một ngày trước trung thu, thời điểm đoàn tụ gia đình theo truyền thống ở Trung Quốc. Con trai Yuan tổ chức một hôn lễ lớn cho cha vào ngày 26/9.
Li và Yuan hiện sống trong nhà của con trai thứ 3. Mỗi sáng, họ lại nắm tay nhau đi dạo trên biển.
"Cái gì đã qua thì cũng qua rồi, chúng tôi muốn ở bên nhau tới cuối đời. Tôi mắt kém, Yuan điếc tai. Tôi là tai cho Yuan còn anh ấy là mắt của tôi".
-
Hoài Linh (Theo ANN, China Daily)