Viện chống béo phì Ái dân ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc không hề giấu giếm các mục tiêu của họ đằng sau cái tên không làm mếch lòng ai.
TIN BÀI MỚI |
|
---|---|
Bệnh viện hiện có hơn 100 bệnh nhân, nhưng chỉ nhằm một mục tiêu: giúp họ giảm cân. Đây chỉ là một trong nhiều bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở đang mọc lên khắp Trung Quốc nhằm giúp đội ngũ công dân béo phì và thừa cân đang tăng lên ở nước này.
Liu Tao mới 12 tuổi nhưng đã cân nặng tới 115kg. (Ảnh: BBC)
Những người béo phì nhiều khả năng sẽ bị mắc hàng loạt các bệnh hơn, đồng thời đã và đang tạo ra áp lực đối với hệ thống chăm sóc ý tế của Trung Quốc.
Nhiều nước cũng đang phải đối phó với những vấn đề tương tự, nhưng điều bất bình thường ở Trung Quốc là sự bùng nổ béo phì. Chỉ cách đây một thế hệ, khó mà tìm được bất cứ người nào ở nước này thừa cân.
Chữa trị theo liệu pháp đặc trưng
Liu Tao là một trong các bệnh nhân của Viện chống béo phì Ái dân. Cậu mới 12 tuổi nhưng đã cân nặng tới 115kg trước khi bắt đầu quá trình điều trị. Theo các bác sĩ, cân nặng của Liu đã vượt quá 40kg so với chuẩn cân nặng mà một người có cùng chiều cao nên có.
Việc chữa trị cho Liu bao gồm cách giảm cân mang đặc trưng Trung Quốc: cậu được châm cứu và mát xa thường xuyên. Các bác sĩ cho biết, việc mát xa đảm bảo da của cậu bé vẫn giữ tính chất đàn hồi, vì vậy lớp da sẽ co rút cùng với vòng bụng của em. Liu đã có một khởi đầu tốt đẹp khi giảm được 9kg chỉ trong hơn 2 tuần.
Các chính sách kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc bị quy trách nhiệm cho tình trạng bùng nổ trẻ thừa cân ở nước này. Nhiều gia đình chỉ có một con và người ta nói rằng những đứa trẻ này đã được nuông chiều thái quá.
Liu Tao là con một. Cậu bé thừa nhận được cho ăn bất kỳ thứ gì mà mình muốn. Mẹ của cậu, bà Su Jinna, hiện ép con trai cưng thực hiện một chế độ ăn kiêng mới. Các bữa tối thịnh soạn, đôi khi gồm 2 suất, đã được thay thế bằng trái cây và rau.
Vào một buổi tối tại ngôi nhà của họ ở Thiên Tân, Liu đang dùng bữa với một bát cải xanh luộc và một quả dưa. Liệu cậu bé có thích bữa tối như vậy? "Thật kinh khủng. Nó chẳng ngon ngọt tí nào", Liu cho biết.
Các chuyên gia hy vọng, việc giúp mọi người tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn lành mạnh là một trong những cách giúp người béo phì trở nên thon thả hơn.
Đời sống khấm khá, lại là con một nên nhiều đứa trẻ Trung Quốc phát phì vì sự nuông chiều thái quá của cha mẹ. (Ảnh: CoolPictureGallery)
Các nguyên nhân sâu xa
Bà Su cũng đổ lỗi việc thừa cân của con trai mình cho hệ thống giáo dục của Trung Quốc vốn ít chú trọng vào các hoạt động thể thao. Người mẹ này kể: "Con tôi đi học lúc 7 giờ mỗi sáng và mãi tận 7 giờ tối mới về nhà. Vì vậy, sau khi cháu ăn tối và làm xong bài tập về nhà, đã 10 giờ đêm. Và lúc ấy chẳng còn thời gian cho việc gì khác, như tập thể dục chẳng hạn".
Một số người nhận định, việc tăng số lượng người thừa cân ở Trung Quốc một phần là do sự tăng trưởng kinh tế đáng kể của nước này trong hơn 30 năm qua.
Yu Baoxia, một bác sĩ thuộc Viện chống béo phì Ái dân cho rằng: "Cuộc sống vật chất của mọi người đã tốt hơn rất nhiều khi xã hội phát triển. Lấy thực phẩm làm vì dụ, hiện nay, người dân được tiếp cận với đủ loại sản phẩm. Có rất nhiều chủng loại và mọi người thường có thể mua bất kỳ thứ gì mà họ muốn thưởng thức".
Sự thay đổi lối sống này đã được ghi lại trong một cuốn sách mới của hai tác giả Paul French và Matthew Crabbe, với nhan đề: "Trung Quốc béo: Các vòng bụng nở ra đang thay đổi một quốc gia như thế nào". Cuốn sách liệt kê chi tiết những thay đổi, ví dụ như sự lớn mạnh của các siêu thị và thực phẩm đã qua chế biến, việc giảm bớt hoạt động thể chất khi con người di chuyển từ nông thôn ra thành thị.
"Mọi người đổ xô ra thành thị và trở nên béo hơn. Rất ít không gian công cộng ở các khu vực đô thị, và ngay cả khi có chúng, bạn cũng thường không thể đi bộ trên bãi cỏ", ông French viết.
Tình trạng béo phì có liên quan đến hàng loạt bệnh như ung thư, bệnh tim và đái tháo đường. Thống kê không chính thức cho thấy ở Trung Quốc có hơn 90 triệu bệnh nhân đái tháo đường - tức là cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh.
Đây là vấn đề của toàn xã hội vì rốt cuộc xã hội sẽ phải chi ra nhiều tiền hơn để chữa trị cho họ. "Điều đó sẽ tạo ra gánh nặng lớn lên hệ thống y tế vì rất nhiều trong số những người mắc bệnh này cần quá trình điều trị cá nhân tốn kém, kéo dài", Peter Ben Embarek thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bình luận.
Cách đây không lâu, nhiều người Trung Quốc không có đủ ăn. Hàng triệu người ở nước này được cho là đã chết trong một nạn đói hồi đầu những năm 1960.
Cho tới hiện tại, một số người ở Trung Quốc vẫn lâm vào tình trạng túng đói. Nhưng các cải cách kinh tế đã làm chuyển biến cuộc sống của người dân nước này. Nhiều người hiện giàu có hơn những gì họ từng mơ tưởng và to béo hơn so với họ từng nghĩ tới.
-
Thanh Bình (Theo BBC)