(VietNamNet) - Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Trung Quốc và EU tại Bắc Kinh diễn ra theo đúng kịch bản và mong đợi của cả hai bên.
Sự đồng thuận và bầu không khí hài hoà được cả hai bên chủ ý phô bà. Những thoả thuận ký kết tại Bắc Kinh được đề cao và mọi vấn đề nhạy cảm có thể gây ra xung khắc quan điểm và đầu độc bầu không khí quan hệ hợp tác được hai bên cẩn trọng gạt sang bên. EU và Trung Quốc từ là đối tác kinh tế và thương mại của nhau đã trở thành "đối tác an ninh chiến lược", và đương nhiên là đối trọng của bên này cũng như bên kia trong quan hệ song phương của từng bên đối với bên thứ ba.
Một lộ trình hợp tác kinh tế được xác định tại cuộc gặp cấp cao này. Trung Quốc gửi gắm vào đó mục tiêu đưa EU trở thành đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2010, đẩy Mỹ và Nhật xuống các vị trí sau trong bảng xếp hạng. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo còn đánh giá EU như một "cực mới về chính trị và kinh tế trên thế giới" mà "Trung Quốc mong muốn EU ngày càng mạnh và sẽ hợp tác toàn diện".
EU cũng coi trọng Trung Quốc đến mức ở Bắc Kinh, "chỉ nhấn mạnh những khía cạnh tích cực của quan hệ hợp tác EU - Trung Quốc", như Thủ tướng Italia, đồng thời là Chủ tịch đương nhiệm của EU, đã khẳng định. EU không chỉ tăng cường hợp tác về an ninh với Trung Quốc mà còn để cho Trung Quốc - và là nước ngoài châu Âu đầu tiên - tham gia vào chương trình định vị bằng vệ tinh Galileo, nới lỏng các quy định về nhập cảnh vào EU đối với công dân của Trung Quốc và xúc tiến công nhận "Trung Quốc có nền kinh tế thị trường". Chủ tịch Uỷ ban EU R. Prodi còn cho rằng chẳng bao lâu nữa hai bên sẽ đạt được thoả thuận về xuất khẩu vũ khí của EU sang Trung Quốc. Vấn đề nhân quyền của Trung Quốc vốn vẫn gây ầm ĩ ở châu Âu thì dường như không xuất hiện trên chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh này.
Những kết quả trên là bằng chứng mới về tầm quan trọng của Trung Quốc và EU đối với nhau. Việc nâng cao chất lượng của mối quan hệ đối tác còn nhằm một mục tiêu quan trọng khác của cả Trung Quốc lẫn EU là trở thành đối trọng của nhau trong quan hệ với đối tác thứ ba, trước hết và chủ yếu với Mỹ. EU nhằm vào thị trường Trung Quốc, vào sự tham gia của EU trong việc đáp ứng những nhu cầu về vốn và công nghệ của Trung Quốc trong quá trình phát triển ở Trung Quốc, như vậy sẽ tăng thế và lực của EU trong những cuộc tranh chấp thương mại thường xuyên và dai dẳng với Mỹ. Trung Quốc cần vốn và công nghệ của phương Tây và chỉ có EU mới có thể giúp Trung Quốc không bị phụ thuộc vào Mỹ trong các lĩnh vực ấy. Càng hợp tác chặt chẽ với EU bao nhiêu thì càng có thể bớt phụ thuộc vào Mỹ bấy nhiêu về vốn và công nghệ, như vậy lại càng phát huy được vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc bấy nhiêu trong HĐBA LHQ và các diễn đàn quốc tế đối với các vấn đề chính trị, an ninh mà Mỹ đang phải quan tâm hàng đầu. Nếu không phải vì cả nhu cầu tìm kiếm đối trọng như vậy thì Trung Quốc đâu có dễ dàng chịu mở cửa thị trường đến như vậy cho các doanh nghiệp của EU và sẵn lòng đối thoại với EU về vấn đề nhân quyền, và EU đâu cũng dành nhiều ưu ái đến như vậy cho Trung Quốc.
- Lục Quán Anh