221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
29227
Bước lùi sách lược với ý nghĩa chiến lược
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Bước lùi sách lược với ý nghĩa chiến lược
,
Tổng thống Palestine J. Arafat

(VietNamNet) - Việc lập ra chức vụ thủ tướng và đề cử người đảm nhận cương vị ấy đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến quyền lực của Tổng thống – Tổng thống Palestine J. Arafat ý thức đầy đủ điều đó. Đấy lại là một trong những yêu cầu chính mà các đối tác bên ngoài đưa ra làm tiêu chí kiểm nghiệm bước tiến của cuộc cải cách chính quyền tự trị Palestine. Ông Arafat đã trì hoãn nhiều lần – cho tới ngày 7/3 vừa qua.

Với việc lập ra chức vụ Thủ tướng, ông Arafat đáp ứng đòi hỏi của Mỹ, Nga, EU và NATO – bốn bên lập ra cái gọi là Bộ tứ về Trung Đông. Nhưng việc đề cử ông Machmud Abba vào cương vị ấy thì lại nhằm đáp ứng yêu cầu của Mỹ và Israel.

Về bản chất thì đây là một bước lùi sách lược của ông Arafat. Ông muốn tranh thủ dư luận để cải thiện tình hình hiện nay trong những khu vực lãnh thổ của người Palestine, giành thế chủ động trong đấu tranh với chính quyền của ông Sharon, đồng thời hỗ trợ các cố gắng của Bộ tứ về Trung Đông, hạn chế khả năng Mỹ và Israel áp đặt giải pháp.

Về thời điểm thì bước đi này có liên quan mật thiết đến nguy cơ chiến tranh sắp nổ ra ở Iraq và khả năng Mỹ cùng với Israel lợi dụng cuộc chiến tranh này cũng như thời thế sau đó để tạo dựng một trật tự mới ở khu vực. Khi đó, sẽ rất bất lợi cho chính quyền tự trị hiện nay ở Palestine. Vì thế, chia sẻ và bớt quyền lực trước hết nhằm duy trì quyền lực, tạo dựng điều kiện thuận lợi, hoặc ít ra cũng đỡ xấu hơn cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Nhưng bước đi này lại có ý nghĩa rất chiến lược vì nó báo hiệu sự bắt đầu của những nhân nhượng mà ông Arafat còn phải tiếp tục thực hiện. Một khi quyền lực đã bị chia sẻ, cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ có nguy cơ rất thực tế là sẽ âm ỉ và bùng nổ công khai khi điều kiện chín muồi. Ý đồ của Mỹ, Israel và EU là từng bước bào mòn quyền lực của ông Arafat, tiến tới vô hiệu hoá vai trò của ông Arafat. Cái ranh giới ấy rất mong manh, quá trình ấy có thể rất nhanh chóng. Bởi thế, vấn đề đặt ra đối với ông Arafat là kiểm soát được toàn bộ quá trình ấy. Các đối tác bên ngoài rồi sẽ tiếp tục lấn tới, tiếp tục gây sức ép để buộc ông Arafat đi từ nhượng bộ này đến nhân nhượng khác. Ông Arafat buộc phải hành động vậy và rõ ràng muốn giữ chủ động trong cả tiến lẫn thoái.

Tuy nhiên, chưa ai có thể nói trước được mọi chuyện rồi sẽ ngã ngũ thế nào. Mọi cuộc chơi mất còn thường dẫn đến kết cục bất ngờ.

  • Lục Quán Anh 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,