Sau 20 ngày chặn đứng sự lây lan của bệnh SARS, sáng nay (28/4) Việt Nam chính thức tuyên bố thành công trong việc khống chế hoàn toàn dịch trên lãnh thổ. Một căn bệnh kể từ khi phát hiện đến khi chặn đứng hoàn toàn chỉ trong vòng 2 tháng. 63 người nhiễm SARS, có 5 trường hợp tử vong, một con số không lớn, nhưng thiệt hại về mặt kinh tế và hậu quả về mặt xã hội là khôn lường.
Mới đây thôi, ngày 14/4 trong dịp Tểt cổ truyền ở Thái Lan, theo thống kê của cơ quan cảnh sát nước này, đã có 478 người chết, 30.000 người bị thương. Lý do thật đơn giản, ngày Tết, rượu bia vô tư, phóng xe máy bạt mạng, gặp người quen được ‘‘mừng tuổi’’ theo tập quán ở nước này là một xô nước dội vào đầu, phần vì chết do tai nạn giao thông, phần vì chết do cảm lạnh. Thế nhưng, hàng năm tập quán này vẫn diễn ra và thu hút hàng vạn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Khi mặt trái của vấn đề chưa được giới truyền thông tập trung khai thác, con người vẫn thờ ơ với hiểm nguy.
Có ý kiến cho rằng, ở các nước châu Á đẻ nhiều, mạng người coi như cỏ rác? không hẳn vậy! Ngay như Tây Ban Nha, một nước Tây Âu hẳn hoi, nhưng hàng năm ở nước này vẫn giữ tục lệ thả bò dữ ra đường, cho tự do húc người và năm nào cũng có một số mạng người ra đi. Đó là chưa nói đến hàng chục môn thể thao mạo hiểm khác mà các công dân phương Tây vẫn ngưỡng mộ, mỗi năm lấy đi dăm chục mạng người.
Cái chết đối với con người, cái chết đôi lúc nhẹ như lông hồng.
‘‘Do ảnh hưởng của bệnh sars, lượng du khách tới Việt Nam trong tháng Tư giảm so với cùng kỳ từ 50- 60%’’ - ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ du lịch- Tổng cục du lịch đã tiết lộ như vậy trong cuộc trao đổi với VietnamNet. Theo con số thống kê của Tổng cục Du lịch, doanh số của ngành năm 2002 là 25.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng. Việc giảm hơn một nửa lượng du khách đồng nghĩa với việc giảm doanh số của ngành này với một tỷ trọng tương đương.
Thiệt hại ở Việt Nam là vậy, nhưng nếu so với con số thiệt hại mà các nước khác phải gánh chịu chưa thấm vào đâu. Hiệp hội Hàng không Mỹ (ATA) cho biết: số lượng hành khách trong tháng 4 này đã giảm 10,5% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Lượng hành khách đến từ khu vực Thái Bình Dương giảm tới 39,6%, từ bên kia bờ Đại Tây Dương giảm 25,8%. Một số hãng hàng không của Mỹ đang đứng trên bờ vực của sự phá sản. Nền kinh tế Trung Quốc, Hồng Kông, Canada và nhiều quốc gia khác đều bị Sars làm ngưng trệ. Sars không chỉ đe doạ nền kinh tế các nước bị lây nhiễm mà còn đe doạ tới nền kinh tế toàn cầu.
Không ai phủ nhận những giá trị mà truyền thông mạng lại cho nhân loại, nhưng cùng với đó, truyền thông cũng góp phần thổi bùng những lo toan về những hiểm hoạ còn mơ hồ, gây náo loạn đời sống kinh tế xã hội. Phải chăng đây là đặc điểm cơ bản của xã hội thông tin!
- Phan Thế Hải