(VietNamNet) - Hiến pháp mới cho Afghanistan được Đại hội các tộc trưởng thông qua sau nhiều ngày tranh cãi là một kết quả có ý nghĩa thật tích cực nếu như không có chuyện về bản chất lại chỉ là một giải pháp tình thế.
Không chỉ lộ trình đi đến bản Hiến pháp này mà cả phần lớn nội dung của nó đã được Mỹ và phương Tây định sẵn. Các vị đại biểu của đại hội không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải tuân theo, cho dù ngúng nguẩy hay làm cao như thế nào đi chăng nữa. Chẳng hạn như không để Đại hội này thất bại, hay như phải có một mô hình tổ chức thể chế nhà nước như ở phương Tây. Với Hiến pháp này, người dân Afghanistan có được nền tảng pháp lý để đi bầu tổng thống và Hạ viện vào năm tới và về phương diện này thì họ sẽ chẳng khác gì so với những cử tri ở châu Âu. Nhưng cũng với Hiến pháp này, người dân Afghanistan sẽ luôn bị giằng xé giữa cổ xưa và hiện đại, giữa truyền thống đặc thù ở Trung Á và đặc thù của các nền chính trị châu Âu. Người ta có thể coi đó là một hiến pháp Hồi giáo với không ít nội dung của châu Âu, nhưng đồng thời cũng có thể gọi đó là một hiến pháp đặc sệt châu Âu với những nội dung Hồi giáo. Tính không ổn định và nhất thời của Hiến pháp này có nguồn gốc cũng chính ở những mâu thuẫn đó.
Theo Hiến pháp này thì Afghanistan sẽ trở thành một nước Cộng hòa Hồi giáo với lưỡng viện lập pháp và quyền hành tập trung nhiều vào tay tổng thống. Nó sẽ khác với Iran và cũng chẳng giống Pakistan, càng khác xa Lybia hay Syria. Hồi giáo được coi là quốc giáo nhưng trong Hiến pháp lại có những quy định mà chỉ thấy có trong Hiến pháp của các nền dân chủ không phải là Hồi giáo như tự do tín ngưỡng hay bình đẳng bình quyền về giới tính. Xã hội Afghanistan chưa được chuẩn bị, lại càng không bao dung đến mức độ có thể chấp nhận sự kết hợp giữa những nội dung ấy trong Hiến pháp. Tính khả thi của bản Hiến pháp này đã bị hạn chế ngay từ trong thiết kế ban đầu của nó và ở các bên đều có thể lý giải nội dung theo cách của mình và phù hợp với ý đồ của mình.
Lời giải thích khả dỹ nhất chỉ có thể ở chỗ các phe nhóm Afghanistan coi Hiến pháp này chỉ là một giải pháp tình thế, một sự nhượng bộ nhau nhất thời để tránh làm cho bên ngoài mếch lòng và lại càng không để ảnh hưởng đến sự viện trợ tài chính mà không có nó thì chẳng có nhà nước nào của người Afghanistan có thể được thành lập và sống sót được ở Afghanistan. Cuộc đấu tranh quyền lực giữa họ với nhau chưa kết thúc và sẽ bùng nổ, thậm chí leo thang gay cấn khi bước vào lý giải và thực hiện bản Hiến pháp. Hạ hồi sẽ phân giải chuyện liệu Hiến pháp có giúp cho Afghanistan bớt hỗn loạn và có an ninh hơn hay không. Nhưng điều chắc chắn là nó không thể là sự đảm bảo cho an ninh và ổn định ở đất nước này, không chỉ hiện nay.
-
Lục Quán Anh