Trận sóng thần lịch sử hôm 26/12 đã gieo rắc bao mất mát và đau thương cho người dân Đông Nam Á và Nam Á. Nhân loại trên toàn thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng trước khả năng tàn phá của thiên tai. Con số thương vong không ngừng tăng lên từng giờ, từng ngày. Không khí đón năm mới 2005 trên toàn thế giới nhuốm màu ảm đạm. Chính quyền và nhân dân các nước bị thiệt hại, chính phủ và nhân dân các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ đều cùng sát cánh bên nhau, khẩn trương tập trung vào nỗ lực cứu trợ, dốc sức chia sẻ nỗi đau ngoài sức tưởng tượng và thiệt hại to lớn ở đây.
Sóng thần ập đến bất ngờ... |
Đối với người dân một số quốc gia bị thiệt hại, thảm hoạ sóng thần càng làm tăng thêm nỗi bất hạnh của họ khi đã phải hứng chịu quá nhiều đau khổ và mất mát do những xung đột chính trị và các cuộc nội chiến kéo dài. Có một học giả đã từng nói: “Chúng ta sẽ vẫn là những nạn nhân bất đắc dĩ của thiên nhiên nhưng chắc chắn chúng ta không cần phải tiếp tục là nạn nhân của lịch sử”. Vậy liệu thảm hoạ này có làm trầm trọng thêm sự bất ổn về chính trị và an ninh ở những quốc gia bị thiệt hại ở Nam Á và Đông Nam Á hay nó sẽ góp phần làm giảm căng thẳng và tăng cường sự đoàn kết giữa các bên xung đột và các quốc gia láng giềng? Câu trả lời dĩ nhiên nằm ở nhận thức của bản thân bộ máy lãnh đạo và nỗ lực cứu trợ, tái thiết trong nước cũng như sự viện trợ và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Trong mấy ngày qua đã có những dấu hiệu cải thiện đáng mừng khi các bên xung đột và các quốc gia láng giềng đã tạm gạt sang một bên những bất đồng, tranh chấp vốn rất nan giải để xích lại gần nhau, cùng hợp sức với cộng đồng quốc tế tập trung cứu trợ, xoa dịu nỗi đau chung sau thảm hoạ không biên giới và không phân biệt một tôn giáo hay sắc tộc nào. Nạn nhân đều thuộc về tất cả các tôn giáo: Phật giáo, Hồi giáo, Hindu, và Thiên Chúa giáo. Cho đến thời điểm này, ngoại trừ Ấn Độ, chính phủ các nước bị thiệt hại chính như Indonesia và Sri Lanka đã kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế và cam kết cứu trợ của Liên Hợp Quốc cũng như các nước phát triển liên tục tăng lên. Pakistan tuy không chịu tổn thất gì nhưng đã gửi điện chia buồn đến Ấn Độ và đây là một dấu hiệu nữa về nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai bên. Aceh và khu vực Đông Bắc Sri Lanka dưới quyền kiểm soát của Lực lượng Những Con hổ Giải phóng Tamil (LTTE) đều là những điểm nóng về xung đột ly khai kéo dài từ lâu. Nếu chính phủ Indonesia và Sri Lanka không có những nỗ lực cứu trợ tích cực và kịp thời thì có thể gây ra nhiều bất mãn hơn và châm ngòi cho xung đột ở quy mô lớn hơn.
Trước thảm hoạ sóng thần, Lực lượng quân đội của Aceh hạn chế và kiểm soát hoạt động của các cơ quan cứu trợ và báo chí. Nhưng từ sau thảm hoạ hôm Chủ nhật, Phong trào Aceh Tự do đã ra lệnh ngừng bắn để hàng cứu trợ được đưa đến những khu vực thiệt hại và quân đội Indonesia thì cũng tập trung hết vào hoạt động cứu trợ và tạm gác việc chiến đấu chống quân nổi loạn. Chính quyền cũng quyết định tạm đình chiến với phiến quân ly khai ở đây và đã kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh quốc tế vào ngày 6/1 tới để bàn những phương cách tốt nhất cho chiến dịch cứu trợ, được coi là lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Lực lượng cứu hộ nhanh chóng vào cuộc. |
Ở Sri Lanka, Tổng thống Chandrika Kumaratunga đã kêu gọi đoàn kết dân tộc và Thủ tướng nước này đã cam kết cung cấp hàng cứu trợ cho tất cả các khu vực trên toàn quốc. Lực lượng Những Con hổ Giải phóng Tamil tuy phàn nàn về sự chậm trễ của hàng cứu trợ và đơn phương kêu gọi viện trợ quốc tế nhưng thủ lĩnh lực lượng này cũng đã gửi lời chia buồn của người Tamil theo đạo Hindu trên trang web TamilNet đến "những người anh em Hồi giáo và Sinhala (theo Phật giáo chiếm đa số) ở những khu vực ven biển miền Nam đã mất đi những người thân và đang rất đau buồn".
Trước khi thảm hoạ sóng thần ập đến, khu vực miền Nam Thái Lan cũng chứng kiến bạo lực leo thang giữa những phiến quân Hồi giáo Mã Lai và lực lượng ly khai chống lại đại đa số người Thái theo Phật giáo. Nguy cơ tiếp tục bùng phát bạo lực sau thảm hoạ sóng thần là rất cao nếu chính phủ của ông Thaksin không có những hoạt động cứu trợ kịp thời và hiệu quả ở đây. Đây cũng là cơ hội cho ông kêu gọi đoàn kết dân tộc, tôn giáo và ngay cả sự hợp tác của chính phủ Malaysia trong nỗ lực cứu trợ chung và tạo tiền đề vững chắc cho một giải pháp đàm phán hoà bình cho cuộc xung đột đòi ly khai này.
Thiên tai là điều chẳng ai mong muốn. Thảm hoạ kinh hoàng như đợt sóng thần vừa qua lại càng không. Nhưng trong bối cảnh tang tóc, mất mát chung hiện nay và trong một thế giới vốn đã quá nhiều bất ổn và bạo lực, đây đó đã xuất hiện những tia hy vọng về hoà bình, những nỗ lực vượt qua bất đồng, mâu thuẫn về chính trị, tôn giáo, sắc tộc. Đây là dịp để các chính phủ các nước bị thiệt hại khẳng định vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của mình đối với nhân dân, xây dựng đoàn kết dân tộc, hoà hợp tôn giáo, thiết lập quan hệ láng giềng thân thiện, tận dụng sự hỗ trợ tái thiết của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu an ninh, hoà bình và phát triển cho nhân dân trong nước và của khu vực.
-
Vũ Lê Thái Hoàng (từ nước Anh)